Bối rối thực thi pháp luật
Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) dự kiến được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 tới đây cho đến nay vẫn có nhiều ý kiến tranh luận. Một trong những vấn đề được quan tâm hơn cả chính là nguyên tắc áp dụng pháp luật khi có những điểm chồng chéo, không thống nhất hoặc chưa đủ rõ ràng.
Cụ thể, tại tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL, Chính phủ đề nghị sửa đổi theo hướng: văn bản ban hành sau phải sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ quy định của văn bản ban hành trước hoặc quy định việc áp dụng văn bản ban hành trước về vấn đề đó.
Tuy nhiên, như Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đã chỉ ra sau khi thẩm tra sơ bộ dự luật, trong thực tế không hiếm trường hợp 2 luật cùng quy định về một vấn đề, trong đó có một văn bản quy định chung, một văn bản quy định mang tính chuyên sâu, quy định trong một lĩnh vực quản lý cụ thể. Thông thường, văn bản quy định chuyên sâu phù hợp với điều kiện quản lý đặc thù của từng ngành, lĩnh vực hơn văn bản quy định chung. Nếu văn bản chuyên ngành ban hành sau văn bản quy định chung thì việc lựa chọn văn bản chuyên ngành áp dụng sẽ không trái luật, nhưng nếu văn bản chuyên ngành ban hành trước văn bản chung, lựa chọn văn bản nào để áp dụng là một câu hỏi khó và tiềm ẩn khả năng áp dụng pháp luật không thống nhất. Hơn thế, sẽ rất khó để xác định tiêu chí phân định luật chung và luật chuyên ngành. Có luật trong mối quan hệ này là luật chung, song trong mối quan hệ với luật khác lại là luật chuyên ngành. Như Luật Đầu tư có thể coi là luật chung khi nhìn ở góc độ đầu tư trong mối quan hệ với Luật Xây dựng, Luật Khoáng sản… Song chính Luật Đầu tư, nhìn từ góc độ của Luật Bảo vệ môi trường, lại là luật chuyên ngành. Những trường hợp nêu trên cho thấy quy định như dự thảo Luật sửa đổi Luật Ban hành VBQPPL vẫn là chưa đủ.
“Phải sửa ngay từ khi soạn thảo, chỉnh lý các dự thảo luật mới là cách làm triệt để”, Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, nhận định. Ông Nguyễn Mai Bộ kể, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ năm 2017 chỉ cho phép cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài được mang vũ khí, công cụ hỗ trợ vào hoặc ra khỏi nước ta để bảo vệ khách quốc tế là đối tượng được cảnh vệ đến thăm và làm việc tại Việt Nam; luyện tập, thi đấu thể thao; triển lãm, trưng bày, chào hàng, giới thiệu sản phẩm; làm đạo cụ trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật; và theo chương trình, kế hoạch của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an. Trong khi đó, Điều 44 của Luật Quản lý ngoại thương lại quy định “Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với Bộ Công an và Bộ Quốc phòng trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cho phép quá cảnh hàng hóa là vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ”. Điều đáng nói hơn là ngay trước thời điểm ban hành Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu, Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã chỉ rõ sự “cập kênh” giữa 2 luật chuyên ngành này, song quy định liên quan tại Luật Quản lý ngoại thương ban hành sau đó vẫn không được sửa đổi, khiến các cơ quan thừa hành bối rối.
Một ví dụ khác là việc thỏa thuận chế tài xử lý vi phạm hợp đồng. Điều 292 của Luật Thương mại năm 2005 quy định về tạm ngừng thực hiện; đình chỉ thực hiện; hủy bỏ hợp đồng; các biện pháp khác. Trong khi đó, Bộ luật Dân sự lại chỉ quy định về chấm dứt hợp đồng (Điều 422) và hủy bỏ hợp đồng (Điều 423), mà không đề cập đến việc tạm ngưng và đình chỉ thực hiện hợp đồng...
Một luật gia nói thẳng: “Trên thực tế thì nguyên tắc tối cao khi xử lý các trường hợp vênh váo như thế là bộ, ngành nào xử lý vụ việc sẽ ưu tiên áp dụng văn bản do bộ, ngành đó ban hành”. Ông nói: “Có những câu rất… “thần thánh” thường xuất hiện trong các VBQPPL là: “Các quy định trước đây trái với nghị định hoặc thông tư hoặc quyết định này đều hết hiệu lực hoặc bị bãi bỏ. Nhưng làm sao để biết cụ thể được quy định nào tại văn bản pháp luật nào, khi mà số lượng văn bản được ban hành ngày càng nhiều? Hoặc “nghiêm cấm làm việc A, việc B (…), trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”.
Rõ ràng, các cơ quan soạn thảo, thẩm tra Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành VBQPPL cần hết sức lưu ý, giải tỏa những vướng mắc này trong quá trình cho ra đời luật mới - chiếc “khuôn” hết sức quan trọng để đảm bảo các sản phẩm luật khác được thiết kế từ khuôn này tránh được tình trạng dễ dàng cho người ban hành, song lại “đánh đố” những người thi hành.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/boi-roi-thuc-thi-phap-luat-649912.html