Bối rối vì thông tin học phí đại học
Dù Bộ GD&ĐT quy định trong đề án tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đại học (ĐH) phải công khai thông tin học phí năm tuyển sinh và lộ trình cả khóa học nhưng dường như một số đơn vị 'quên' hoặc đưa ra thông tin mà chỉ có nhà trường mới hiểu.
Trên website Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội thí sinh không thể tìm thấy một dòng nào nói về học phí được nhà trường áp dụng cho khóa tuyển sinh năm học 2023 - 2024. Tương tự Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM cũng chỉ mới thông tin đề án tuyển sinh ĐH 2023 dự kiến, chưa có thông tin về học phí.
Một loạt các trường ĐH đào tạo nhóm ngành sức khỏe cũng chưa công bố Đề án tuyển sinh, học phí dự kiến cho khóa mới 2023 như Trường ĐH Y dược Thái Bình, Trường ĐH Y Hà Nội, Trường ĐH Y dược TPHCM, Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, Trường ĐH Y dược Hải Phòng…
Việc quyết định mức thu học phí năm học tới như thế nào, bản thân các trường ĐH cũng phải chờ quy định chính thức của Chính phủ nên các thông tin đưa ra chỉ có tính chất dự kiến.
Thực tế cho thấy ngay cả với những trường đã công bố đề án tuyển sinh thì phần nội dung liên quan học phí cũng chỉ được ghi chung chung, nước đôi hoặc công bố cũng như không. Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội ở mục học phí dự kiến chỉ vỏn vẹn chưa đến 3 dòng: “thực hiện theo Nghị định 81/2021 ngày 27/8/2021 của Chính phủ Quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo”.
Còn Đề án tuyển sinh của Trường ĐH Xây dựng Hà Nội nêu: “Dự kiến học phí theo quy định của Chính phủ ở thời điểm hiện tại là 11,7 triệu đồng/năm học/sinh viên. Nhà trường sẽ điều chỉnh mức học phí khi có quy định mới của nhà nước”.
Chưa kể, mức học phí mỗi trường một khác, trường tính thu theo tín chỉ, trường tính thu theo năm học. Học viện Báo chí và Tuyên truyền dự kiến mức thu hệ đại trà là hơn 500.000 đồng/tín chỉ; chương trình chất lượng cao học phí là 1,47 triệu đồng/tín chỉ. Với thông tin này, thí sinh cũng khó hình dung mỗi học kỳ phải học bao nhiêu môn, bao nhiêu tín chỉ và học phí mỗi học kỳ, mỗi năm bao nhiêu.
Trường cũng lúng túng
Thực tế cho thấy, quy định trong Nghị định 81 khá rộng, bao phủ nhiều trường hợp cơ sở giáo dục ĐH: chưa tự chủ, công lập tự chủ mức 1; công lập tự chủ mức 2; chương trình đào tạo của cơ sở giáo dục ĐH công lập đã được kiểm định. Kể từ khi Chính phủ ban hành Nghị định 81 đến nay, các trường ĐH chưa một lần thực hiện do 2 năm liền bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 và năm qua là “hậu COVID-19”.
Đáng chú ý, học phí của các trường có thể sẽ chênh nhau nhiều lần, hoặc trong một trường, cùng một khối ngành, cùng chương trình đào tạo chuẩn nhưng học phí cũng đã có thể chênh nhau vài ba lần do yếu tố chương trình đã được kiểm định hay chưa mà Nghị định 81 đã quy định.
Các trường ĐH cho biết chưa thể rõ ràng thông tin về học phí năm học tới là bởi chưa biết cụ thể quan điểm của Chính phủ về vấn đề này thế nào. Thực tế khi Chính phủ vừa ban hành Nghị định 81 xong, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, lại phải yêu cầu các trường không được tăng học phí với năm học 2020 - 2021. Năm học 2022 - 2023, khi đại dịch COVID-19 bắt đầu được kiểm soát thì từ đầu năm học, Bộ GD&ĐT đề nghị Chính phủ có văn bản yêu cầu các trường ĐH không tăng học phí để chia bớt gánh nặng với người dân. Tuy nhiên, do không có văn bản chỉ đạo nào nên các trường đều phải thu học phí theo lộ trình tăng được quy định trong Nghị định 81 (nhưng lùi lại một năm, tức là mức thu thực tế của năm học 2022 - 2023 bằng mức thu Nghị định 81 quy định cho năm học 2021 - 2022). Đến ngày 20/12/2022, Chính phủ mới ban hành Nghị quyết 165 về học phí đối với các cơ sở giáo dục - đào tạo công lập năm học 2022 - 2023. Trong đó yêu cầu các cơ sở giáo dục ĐH công lập giữ ổn định mức thu năm học này bằng với năm học 2021 - 2022.
Lập tức, hàng loạt trường ĐH phải ban hành lại quyết định về quy định mức học phí năm học 2022 - 2023, đồng thời bố trí nhân sự tính toán mức học phí đã thu thừa để hoàn trả cho sinh viên.
Năm nay, Bộ GD&ĐT cũng vừa tổ chức lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 81. Trên cơ sở thực tế, Bộ này cho biết đề xuất điều chỉnh lộ trình học phí theo hướng lùi thêm 1 năm so với lộ trình cũ tại Nghị định 81 của Chính phủ. Tức là mức học phí năm học này sẽ áp dụng mức thu được Nghị định 81 quy định cho năm học 2022 - 2023.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/boi-roi-vi-thong-tin-hoc-phi-dai-hoc-post1531174.tpo