Bối rối với các 'chuyên gia hướng nghiệp' trên Tiktok
Càng về thời điểm kì thi tuyển sinh đại học diễn ra thì trên nền tảng Tiktok càng xuất hiện nhiều các video hướng nghiệp, thu hút số lượng lớn người xem. Tuy nhiên, việc không đồng nhất giữa các video đã khiến không ít phụ huynh và học sinh lúng túng. (CLO) Càng về thời điểm kì thi tuyển sinh đại học diễn ra thì trên nền tảng Tiktok càng xuất hiện nhiều các video hướng nghiệp, thu hút số lượng lớn người xem. Tuy nhiên, việc không đồng nhất giữa các video đã khiến không ít phụ huynh và học sinh lúng túng.
Khi tiktok biến thành “chợ” tư vấn tuyển sinh
Chỉ cần gõ từ khóa “tư vấn ngành học” trên thanh tìm kiếm của Tiktok, hàng loạt các video hướng nghiệp sẽ hiện lên với rất nhiều các ý kiến, quan điểm trái chiều.
Đáng chú ý, những video có tiêu đề như “Ba ngành đại học vô dụng”, “Bằng đại học vô dụng bậc nhất trong ngành Kinh tế”, “Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất Việt Nam”... lại nhận về hàng trăm nghìn, thậm chí hàng triệu lượt xem.
Khi các TikToker lấn sân tư vấn hướng nghiệp, không ít video “chê” ngành học vô dụng xuất hiện. Đó đều là những video phiến diện, một chiều và không có giá trị định hướng nghề nghiệp.
Một trong những video gây tranh cãi gay gắt khi bàn về việc có nên học đại học ngành ngôn ngữ hay không, tài khoản @huydao cho rằng, không nên học ngành ngôn ngữ và khuyên các bạn học sinh đang muốn chọn ngành học chỉ nên học các chứng chỉ như IELTS, TOEIC,... chứ không nhất thiết phải tốn 4 năm học một ngôn ngữ.
Cũng tại tài khoản này, tiktoker còn lên rất nhiều video hướng nghiệp, đặc biệt là video “Danh sách những bằng đại học vô dụng nhất hiện nay”. Các ngành được điểm tên bao gồm: quản trị kinh doanh, ngôn ngữ anh, marketing, quản lý nhân sự,... với 4,6 triệu lượt xem.
Tương tự, video “Những nhóm ngành có tỷ lệ thất nghiệp cao nếu không có mối quan hệ" của tài khoản @dicamon cũng thu về hàng chục nghìn lượt xem. Chủ tài khoản này kể ra 6 ngành gồm: sư phạm, tâm lý học, nhóm ngành chính trị, quản trị kinh doanh, nhóm ngành lịch sử, sân khấu điện ảnh.
Tuy nhiên, một video khác có nội dung “Top 5 ngành học dễ xin việc cho các bạn khối D”, tài khoản @thaihoang_kynangmem lại cho rằng, ngành sư phạm, ngành quản trị kinh doanh là 2 trong số 5 ngành dễ xin việc nhất hiện nay.
Một vài tài khoản tiktok còn cố tình tạo ra các content dễ gây tranh cãi để tăng lượt view, follow nhằm bán các khóa học, sách hoặc nhận quảng cáo.
Mặt khác, có thể thấy trình độ, kiến thức của những "chuyên gia" trên nền tảng này là thứ phải bàn tới. Hầu hết, các “chuyên gia” này chỉ xây dựng video dưới góc nhìn hạn hẹp, chung chung với những phân tích không rõ ràng, đã ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của học sinh.
Học sinh lúng túng, phụ huynh hoang mang
Với mong muốn làm phiên dịch viên, Đan Linh (học sinh lớp 12 tại Hà Nội) dự định đăng ký ngành Ngôn ngữ Anh của Đại học Ngoại Ngữ - ĐHQGHN. Tuy nhiên, khi bắt gặp nhiều video hướng nghiệp trên Tiktok, cô bạn lại khá lúng túng với kế hoạch này.
“Tôi đã dự kiến cả 3 nguyện vọng đầu là ngành Ngôn ngữ Anh cho 3 trường khác nhau nhưng hiện tại, tôi rất bối rối khi ngành này liên tục bị ‘chê’ vì cho rằng chỉ cần chứng chỉ ngoại ngữ là có thể làm việc thay vì phải học nhiều năm để lấy bằng” - Linh chia sẻ.
Chung hoàn cảnh, bạn Huy Hoàng, học sinh lớp 12 trường THPT Cầu Giấy (Hà Nội) đã được bố mẹ khuyên đổi ngành học sau khi xem nhiều video tiktok “chê” ngành Quản trị kinh doanh.
“Nghe theo những video trên tiktok, bố mẹ đã trao đổi và khuyên tôi nên đăng ký sang một ngành học khác dễ xin việc hơn” - Hoàng chia sẻ.
Quan điểm "chỉ có con nhà giàu mới nên học quản trị kinh doanh" đã khiến cho nhiều bạn học sinh cũng như phụ huynh không khỏi e dè khi lựa chọn ngành học cho con em mình.
“Mỗi người mỗi ý khiến tôi cũng không biết ngành nào mới thực sự phù hợp năng lực với con em mình. Có người chê, có người lại khen nên việc định hướng ngành nghề cũng phải phù hợp với khả năng, sở thích của con cũng như điều kiện kinh tế của mỗi gia đình” - ông Nguyễn Hữu Thanh, phụ huynh học sinh tại Hà Nội cho biết.