Bội thu cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ

Nông dân và đại diện các ngành chức năng tham quan mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên cánh đồng xã Hòa Phong (huyện Tây Hòa). Ảnh: LÊ TRÂM

Lần đầu tiên, nông dân các xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Phong (huyện Tây Hòa), Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa) sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Trên cánh đồng lúa, mùa vàng bội thu, nông dân trồng lúa giảm chi phí thuốc bảo vệ thực vật, giống, nên lợi nhuận cao hơn nhiều so với trước đây.

Cánh đồng vàng trải rộng

Cánh đồng Vườn Găng, thôn Thạnh Phú Tây (xã Hòa Mỹ Tây) rộng 3ha sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Lúa chín, gié lúa đơm lên màu vàng, hạt lúa no tròn. Bà Trần Thị Diệu, nông dân tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ cho hay: Tôi tham gia mô hình được Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ phân bón vi sinh DAP Quế Lâm, HCVS 8-8-8 bón lót trước khi sạ. Sử dụng giống lúa TBR25, gieo sạ 5kg/sào. Trong thời gian sinh trưởng, lúa ít ăn phân, ít có sâu bệnh hại nên cuối vụ năng suất đạt gần 80 tạ/ha.

Còn ông Lê Văn Vinh, cũng ở xã Hòa Mỹ Tây tham gia mô hình cho rằng, đây là lần đầu tiên ông trồng lúa theo hướng hữu cơ bón lót bằng phân bón vi sinh kết hợp bón phân kali nên cứng cây, gié dài. Lúa mô hình khi chín sát cây, không có hạt lép, năng suất đạt 79-80 tạ/ha, trong khi ruộng đối chứng nông dân đạt 76,8 tạ/ha, nên lợi nhuận ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng 1,5 triệu đồng/ha.

Còn trên cánh đồng Gò Lịch, thôn Mỹ Thạnh Trung (xã Hòa Phong), mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ đạt năng suất 85 tạ/ha, ruộng đối chứng nông dân đạt 82,4 tạ/ha, lợi nhuận ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng 465.000 đồng/ha.

Chi phí lúa mô hình thấp hơn chi phí lúa đối chứng nên nông dân sản xuất có lãi khá hơn. Riêng phân bón, mô hình thực hiện đúng yêu cầu kỹ thuật, bón lót vi sinh DAP Quế Lâm, HCVS 8-8-8 bón lót trước khi sạ nên cây lúa khỏe, ra gié dài; còn lúa đối chứng chủ yếu bón tập trung và phân đạm là chính, ít chú trọng đến việc bón cân đối N, P, K nên cây phát triển kém, không đồng đều. Mặt khác vào thời kỳ trổ đòng, nông dân thường bón ít kali nên tỉ lệ hạt lép cao, cây dễ đổ ngã, năng suất thu hoạch thấp. Mô hình bước đầu cho thấy hiệu quả của việc sử dụng phân bón vi sinh bón lót, tạo niềm tin cho bà con nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Ông Nguyễn Dũng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tây Hòa, cho biết: Mô hình cánh đồng sản xuất lúa theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả cao. Thời gian đến, Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm phối hợp với các địa phương tiếp tục khảo nghiệm nghiên cứu quy trình canh tác bón phân phù hợp để phát huy tối đa năng suất của giống lúa sản xuất theo hướng hữu cơ.

Khảo nghiệm 3 vụ

Cánh đồng Chà Rang, thôn Phú Thạnh (xã Hòa Quang Nam) sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên diện tích 1ha, khi lúa chín phơi gié hạt sáng trưng. Ông Cao Văn An, nông dân ở xã Hòa Quang Nam tham quan mô hình, trầm trồ: “Cánh đồng này thời gian qua trồng nhiều giống lúa khác nhau, canh tác theo tập quán nông dân nhưng chưa có năm nào đạt năng suất cao như sản xuất theo hướng hữu cơ năm nay”.

Giám đốc HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Quang Nam Phan Văn Thuận đánh giá: Ruộng mô hình đạt năng suất 72,5 tạ/ha, ruộng đối chứng nông dân thì đạt 70,8 tạ/ha, lợi nhuận ruộng mô hình cao hơn ruộng đối chứng 4,3 triệu đồng/ha. Lúa thu hoạch được công ty bao tiêu sản phẩm. Vừa qua, công ty, HTX và nông dân, ba bên ngồi lại “dứt giá” (thống nhất giá lúa thị trường) mua một ký lúa tươi bằng giá một ký lúa khô tại thời điểm, mỗi bao trừ bì 1kg.

Ông Nguyễn Lê Lanh Đa, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Yên, cho hay: Vụ đông xuân 2020-2021, Sở NN-PTNT Phú Yên phối hợp với Công ty CP Tập đoàn Quế Lâm triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ tại xã Hòa Mỹ Tây, Hòa Phong (huyện Tây Hòa), Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa). Trong thời gian sinh trưởng, cùng sử dụng giống lúa TBR25, N25, ruộng mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ sử dụng phân vi sinh DAP Quế Lâm, HCVS 8-8-8, NPK 21-15-7-TE, bón lót theo quy trình kỹ thuật, không phun thuốc sâu bệnh; còn ruộng đối chứng nông dân sử dụng phân Urê, NPK, Kali, Super lân, bón theo tập quán nông dân. Cuối vụ, mã lúa mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ rất tốt, gié dài bằng gang tay.

Định hướng của ngành Nông nghiệp là tiến tới sản xuất lúa phẩm chất tốt, gạo chất lượng cao, vì vậy triển khai mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là phù hợp. Đây là lần đầu tiên nông dân 3 xã của 2 huyện Tây Hòa, Phú Hòa sản xuất lúa theo mô hình này. Thời gian đến, ngành tiếp tục khảo nghiệm 3 vụ sản xuất lúa theo hướng hữu cơ để đánh giá khả năng thích ứng. Trong quá trình khảo nghiệm sẽ theo dõi các chỉ tiêu nông học, năng suất và phẩm chất hạt gạo, tạo xu hướng sản xuất lúa hàng hóa, đồng thời sẽ chuyển giao, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, quy trình sản xuất mới cho nông dân.

Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT

MẠNH LÊ TRÂM

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/82/254999/boi-thu-canh-dong-san-xuat-lua-theo-huong-huu-co.html