Trung Quốc có số lượng nhà chọc trời lớn nhất thế giới. Họ tự hào có hơn 2.177 tòa tháp cao từ 150m và 85 tòa nhà cao từ 300 m trở lên
Quốc gia đông dân nhất thế giới đã chứng kiến việc xây dựng đô thị với tốc độ tên lửa trong 2 thập niên qua. Trong đó, 6 trong số 10 tòa nhà cao nhất thế giới nằm ở nước này.
Qua so sánh, Mỹ, quốc gia có số nhà chọc trời lớn thứ hai thế giới, hiện có 807 tòa nhà có chiều cao từ 150m trở lên và 25 tòa có chiều cao ít nhất 300m.
Nhưng hiện tại, có vẻ như chính phủ Trung Quốc quyết tâm làm chậm các công trình xây dựng dẫn đến phá vỡ cảnh quan để quản lý chặt chẽ hơn về mặt diện mạo đô thị.
Các hạn chế mới đã được Bộ Nhà ở và Phát triển Nông thôn - Đô thị Trung Quốc đưa ra vào ngày 27-4-2020. Các thành phố bị cấm xây tòa tháp cao hơn 500m, trừ trường hợp đặc biệt để cải thiện cảnh quan đô thị.
Nhà chức trách Trung Quốc tuyên bố, quy định đã được phê duyệt theo “nguyên tắc kiến trúc thời đại mới” tầm quốc gia, đòi hỏi các cấu trúc đô thị phải “thực tế, kinh tế, sinh thái và đẹp”.
Quy định mới này nhằm kiểm soát các tòa nhà có thiết kế khổng lồ, lập dị, sao chép từ nước ngoài, đồng thời hướng đến thể hiện văn hóa Trung Hoa
Nếu bất kỳ thành phố nào muốn dựng lên các tòa nhà chọc trời siêu lớn mới, trước tiên thiết kế phải vượt qua kiểm tra nghiêm ngặt từ các cơ quan phòng cháy, động đất và tiết kiệm năng lượng. Sau đó, nó mới được xem xét ở cấp Bộ Nhà ở và cuối cùng là Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia.
Trong năm qua, số tòa nhà chọc trời mới xây ở Trung Quốc đã giảm 40% so với năm trước. Tuy nhiên, năm 2019, tòa nhà cao nhất thế giới trong năm, cũng đã hoàn thành, đó là Trung tâm Tài chính CTF Thiên Tân cao 530 mét ở Thiên Tân.
Kể từ năm 2015, quốc gia này đã đạt được kỳ tích 4 lần liên tiếp khánh thành các tòa nhà chọc trời cao nhất trong năm.
Tòa nhà chọc trời hoàn chỉnh cao nhất ở Trung Quốc hiện nay là Tháp Thượng Hải, có chiều cao 632m, khai trương năm 2016, tuy nhiên nó mới chỉ cao thứ 2 thế giới
Tháp Thượng Hải còn có biệt danh “bình giữ nhiệt” do vẻ ngoài độc đáo của nó có thể giúp tiết kiệm năng lượng. Tòa nhà 128 tầng này có thang máy nhanh nhất thế giới, với tốc độ 18 m/s, đồng thời nó cũng có tầng quan sát cao nhất thế giới ở độ cao 561m.
Trong khi đó, tòa Burj Khalifa ở Dubai, Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất là tòa nhà cao nhất thế giới hiện nay, cao 828 mét.
Hoàn thành vào năm 2010, Burj Khalifa có 163 tầng, bao gồm khách sạn, nhà hàng, tầng quan sát và căn hộ cao cấp. Được biết, tổng lượng bê tông để xây dựng tòa tháp này bằng khoảng 100.000 con voi cộng lại.
Cao thứ 3 thế giới là tòa tháp Makkah Clock Royal Tower, Makkah, Saudi Arabia, khai trương năm 2012. Nằm ở khu có thánh địa Mecca, tòa nhà cao 601m, có khách sạn 5 sao 1.618 phòng và mặt ngoài có hình đồng hồ lớn tới nỗi có thể nhìn thấy ở khoảng cách 25km
Vị trí thứ 4 và thứ 5 tiếp tục là các tòa nhà chọc trời ở Trung Quốc: Trung tâm Tài chính quốc tế Ping An ở Thâm Quyến cao 599m hoàn thành năm 2017 và Goldin Finance 117, Thiên Tân, cao 597m, đi vào sử dụng năm 2015
Hải Yến (Theo Dailymail)