Bồi thường, giải phóng mặt bằng là 'điểm nghẽn' giải ngân đầu tư công tại TP.HCM

Chiều 24/5, HĐND TP.HCM tổ chức buổi giám sát việc thực hiện công tác đầu tư công giai đoạn 2021-2025 đối với Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ông Nguyễn Toàn Thắng – Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, giai đoạn này có 4 dự án do sở làm chủ đầu tư gồm: dự án Đầu tư Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường; dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu liên hợp Đa Phước (huyện Bình Chánh); dự án bồi thường giải phóng mặt bằng phường Long Bình (TP.Thủ Đức); dự án Xây dựng cơ sở dữ liệu nền thông tin địa lý ở tỷ lệ 1/2000, 1/5000 khu vực TP.HCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Ông Nguyễn Toàn Thắng - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM.

Hiện có 2 dự án đã bước vào giai đoạn quyết toán. Còn lại, dự án Đầu tư Trung tâm quan trắc và phân tích môi trường chưa thực hiện được khối văn phòng làm việc. Sở đã chấm dứt với đơn vị thi công cũ và đấu thầu lựa chọn đơn vị mới, dự kiến tháng 10/2023 sẽ hoàn thành. Dự án bồi thường giải phóng mặt bằng khu liên hợp Đa Phước đã giải ngân được 80% tiền bồi thường cho các hộ dân bị ảnh hưởng, còn 2 hộ chưa bồi thường được nên ảnh hưởng tiến độ chung.

Theo ông Thắng, vướng mắc chủ yếu làm chậm tiến độ giải ngân vốn đầu tư công nằm ở khâu ghi vốn bồi thường và tổ chức bồi thường. Đây là vấn đề mà các địa phương, đơn vị gặp khó khăn nhất. Ông Thắng cho rằng, công tác vận động cũng là quan trọng, nếu vận động không được thì phải áp dụng biện pháp hành chính cho kịp thời.

“Tổ chức bồi thường không được dẫn đến dự án da beo, không thể xây lắp, chưa thể nghiệm thu, gây lãng phí. Trong đó, vấn đề giải ngân lại tiếp tục ách tắc” - ông Thắng nói.

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM

Ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM

Phát biểu tại buổi giám sát, ông Nguyễn Văn Dũng – Phó Chủ tịch HĐND TP.HCM cho rằng, triển khai các dự án đầu tư công là vấn đề không đơn giản. Mặc dù tỷ lệ người dân đồng thuận với giá bồi thường đạt cao, nhưng thực tế đến khi nhận tiền thì còn một bộ phận không đồng thuận.

Do đó, ông Dũng đề nghị các sở ngành phối hợp với các quận, huyện tiếp tục tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được và chấp thuận với nhà nước. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, tính toán để giá bồi thường tiệm cận với thị trường./.

Duy Phương/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/boi-thuong-giai-phong-mat-bang-la-diem-nghen-giai-ngan-dau-tu-cong-tai-tphcm-post1022307.vov