BoJ hứng chỉ trích sau đợt lao dốc của thị trường chứng khoán

Việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) vào tuần trước đã nhận nhiều chỉ trích, sau khi động thái này được cho là gây ra sự sụt giảm lịch sử của chứng khoán Nhật Bản và khiến thị trường toàn cầu thêm bất ổn. Với diễn biến này, Nhật Bản có khả năng sẽ đóng băng kế hoạch tiếp tục tăng lãi suất.

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: AFP/TTXVN

Ông Nobuyasu Atago, nhà kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế Rakuten Securities và cựu quan chức của BoJ, cho rằng việc BoJ tăng lãi suất dù số liệu kinh tế yếu kém cho thấy ngân hàng này không chú ý đến dữ liệu. Ông Atago cho biết số liệu tiêu dùng và sản xuất quá yếu để có thể tăng lãi suất. Chi tiêu tiêu dùng thực tế đã giảm trong cả bốn quý tính đến tháng Ba vừa qua, khi lạm phát làm giảm sức mua của người dân.

Thống đốc Kazuo Ueda tuần trước đã nhiều lần nhấn mạnh rằng BoJ quyết định tăng lãi suất dựa trên dữ liệu kinh tế và lạm phát cho thấy các diễn biến phù hợp với dự báo trước đó. Ông cũng cho biết lãi suất sẽ tiếp tục tăng nếu xu hướng đó vẫn tiếp diễn.

Nhưng đợt bán tháo cổ phiếu tồi tệ nhất trong hàng chục năm qua xảy ra mới đây đang khiến các nhà phân tích bắt đầu nghĩ rằng BoJ đã tăng lãi suất quá sớm. Nhiều người đang thay đổi các dự báo của mình.

Chuyên gia kinh tế Mari Iwashita của ngân hàng đầu tư Daiwa Securities nhận định BoJ đã tăng lãi suất ở thời điểm không phù hợp. Theo chuyên gia này, BoJ sẽ phải chờ xem liệu kinh tế Mỹ sẽ suy thoái hay "hạ cánh mềm" trước khi đưa ra quyết định tiếp theo. Bà cho rằng khả năng tăng lãi suất vào tháng Chín, tháng Mười không còn khả thi.

Quyết định nâng lãi suất vào ngày 31/7 của BoJ đã giúp đồng yen phục hồi từ gần mức thấp nhất hàng chục năm qua, yếu tố đã làm giảm sức mua của người tiêu dùng Nhật Bản. Nhưng giờ đây, đà tăng mạnh của đồng tiền này đang đè nặng lên triển vọng lợi nhuận của các công ty xuất khẩu, khiến cổ phiếu lao dốc. Điều này diễn ra trong bối cảnh BoJ đã kết thúc chương trình mua các quỹ hoán đổi danh mục (ETF), một công cụ có thể ngăn chặn cổ phiếu rơi tự do nếu vẫn được sử dụng.

Cho đến trước khi thị trường lao dốc trong vài phiên vừa qua, hầu hết các nhà kinh tế đã dự đoán BoJ sẽ tăng lãi suất một lần nữa trong năm nay, sau những bình luận có thiên hướng ủng hộ thắt chặt chính sách của ông Ueda. Tuần trước, 68% những người tham gia khảo sát của Bloomberg dự đoán lãi suất của Nhật Bản sẽ đạt 0,5% vào cuối năm nay, từ mức 0,25% hiện tại.

Tuy nhiên, vẫn có những ý kiến ủng hộ quyết định mới nhất nói trên của BoJ và cho rằng những xáo trộn gần đây của thị trường phần nhiều là do số liệu của Mỹ và quyết định không cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Ông Jesper Koll, chuyên gia tại Monex Group Inc., cho rằng hành động của BoJ không phải là quá sớm vì "bình thường hóa chính sách tiền tệ là điều đúng đắn".

Trong khi đó, ông Jin Kenzaki, trưởng bộ phận nghiên cứu Nhật Bản và chuyên gia kinh tế trưởng tại nước này của Societe Generale, cho biết nếu đồn đoán của thị trường về nguy cơ kinh tế Mỹ suy thoái lắng xuống, BoJ có thể sẽ tiếp tục tăng lãi suất vào khoảng tháng 12. Theo ông, sự lao đốc hiện tại của thị trường liên quan nhiều hơn đến những diễn biến ở Mỹ. Chuyên gia này nhận định nếu dự đoán của thị trường về khả năng suy thoái ở Mỹ là đúng, BoJ có khả năng sẽ quyết định không tăng lãi suất thêm nữa trong năm nay.

Khánh Ly (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/boj-hung-chi-trich-sau-dot-lao-doc-cua-thi-truong-chung-khoan-20240806150113769.htm