Xuất khẩu ớt sang Mỹ tăng mạnh
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), xuất khẩu ớt của Việt Nam trong 8 tháng năm 2024 đạt 8.800 tấn với kim ngạch đạt hơn 21,2 triệu USD, tăng 6,1% về lượng và tăng mạnh 34,8% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường xuất khẩu chủ đạo là Trung Quốc với 7.377 tấn, chiếm 83,8% tổng sản lượng xuất khẩu tuy nhiên lại giảm 0,2% so với cùng kỳ năm trước. Lào đứng thứ 2 với 970 tấn, tăng 48% so với 8 tháng năm 2023. Đứng thứ 3 là Mỹ đồng thời là thị trường xuất khẩu tăng mạnh nhất với 163 tấn, tăng 143,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trung Quốc giữ vai trò là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng ớt trong những năm gần đây. Lý giải về vấn đề này, một số chuyên gia và người nông dân nhận định rằng do ớt Việt có độ cay cao và có nhiều loại khác nhau như ớt chỉ thiên, ớt hiểm, ớt sừng vàng, ớt ngọt… đều rất cay.
Hơn nữa, do chênh lệch mùa vụ, như Trung Quốc có mùa thu hoạch ớt chủ yếu khoảng tháng 6 đến tháng 10 hàng năm. Còn ở Việt Nam, ớt trồng thành 2 vụ nên có nhiều thời điểm thu hoạch từ tháng 4 đến đầu tháng 7 và thu hoạch từ tháng 1 đến tháng 2.
Trước đó, từ tháng 3/2022 ớt tươi của Việt Nam được xuất khẩu sang Trung Quốc. Các lô hàng ớt tươi đều phải được xử lý kiểm dịch và chú thích rõ các tham số liên quan trong chứng thư kiểm dịch thực vật.
Trong năm 2023, xuất khẩu ớt đạt kim ngạch 20 triệu USD, tương ứng với hơn 10.000 tấn, tăng mạnh 107% so với năm 2022. Việt Nam là một trong những quốc gia sản xuất ớt lớn nhất thế giới. Các vùng trồng ớt nổi tiếng nhất tại Việt Nam là các vùng miền Trung và Tây Nguyên, đặc biệt là tỉnh Đà Lạt. Ớt Đà Lạt có hương vị đặc biệt và được ưa chuộng bởi màu sắc đa dạng, từ xanh, vàng, đỏ đến tím .
Mặc dù tăng số lượng nhưng xuất khẩu ớt vẫn đang đối diện với không ít khó khăn. Theo đó, hồi tháng 6 vừa qua, Bộ Công Thương phát đi thông báo cho biết, Ủy ban châu Âu đã đăng Công báo Quy định số 2024/1662 ký ngày 11/6/2024 về rà soát áp dụng các biện pháp tăng cường kiểm tra bổ sung, biện pháp khẩn cấp quản lý nhập khẩu hàng nông sản, thực phẩm từ các nước thứ 3 vào EU theo quy định 2019/1973.
Cụ thể, các sản phẩm nông sản gồm ớt, thanh long, đậu bắp của Việt Nam tiếp tục bị EU tăng tần suất kiểm tra, siết chặt các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm.
Trong đó, đối với sản phẩm ớt, EU áp dụng với tần suất kiểm tra 50%; đồng thời kèm theo các lô hàng là Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, kết quả phân tích kiểm nghiệm về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tồn dư trong sản phẩm. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam.
Do vậy, để tiếp tục xuất khẩu ổn định các mặt hàng nông sản vào thị trường EU, trong đó có ớt, Bộ Công Thương khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất hàng nông sản, lương thực thực phẩm cần nâng cao công tác quản lý chất lượng sản phẩm, đáp ứng các yêu cầu của thị trường này.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/xuat-khau-ot-sang-my-tang-manh-155352.html