BoJ sẽ cân nhắc chấm dứt lãi suất âm nếu kết quả đàm phán tiền lương khả quan

Việc chấm dứt lãi suất âm sẽ đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt khỏi chương trình kích thích lớn của BoJ. Lãi suất âm được BoJ áp dụng từ năm 2016.

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Trụ sở của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) ở Tokyo. Ảnh: Reuters

Các nguồn tin cho biết Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) sẽ thảo luận về việc chấm dứt chính sách lãi suất âm vào tuần tới nếu cuộc khảo sát sơ bộ ngày 15/3 cho thấy các cuộc đàm phán tiền lương của các doanh nghiệp lớn mang lại kết quả khả quan. Sự kiện này đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt khỏi chương trình kích thích kéo dài hàng thập niên của ngân hàng này.

Các nhà phân tích cho biết mặc dù các nhà đầu tư ngày càng đánh giá cao khả năng thay đổi chính sách vào tháng 3/2024, song bất kỳ quyết định nào như vậy đều có thể ảnh hưởng đến thị trường tài chính toàn cầu, làm thay đổi vị thế của Nhật Bản là nhà cung cấp tiền giá rẻ lớn duy nhất.

Các cuộc đàm phán về lương thường niên năm nay đã bắt đầu có hiệu lực khi ngày 13/3, công ty sản xuất ô tô Toyota Motor đã nhất trí tăng lương cho công nhân nhà máy, với mức tăng lớn nhất trong 25 năm, làm tăng kỳ vọng rằng các công ty khác sẽ làm theo với mức tăng lương lớn.

Các nguồn tin quen thuộc cho hay những dấu hiệu ban đầu về kết quả của các cuộc đàm phán tiền lương năm nay đã làm tăng khả năng BoJ sẽ loại bỏ dần gói kích thích tiền tệ khổng lồ của mình.

Các nguồn tin cho biết BoJ sẽ xem xét kỹ lưỡng một cuộc khảo sát sơ bộ về kết quả của các cuộc đàm phán về tiền lương, do nghiệp đoàn Rengo công bố vào ngày 15/3, để quyết định xem liệu các điều kiện để loại bỏ dần các biện pháp kích thích có được đáp ứng hay không.

Việc chấm dứt lãi suất âm sẽ đánh dấu một sự thay đổi mang tính bước ngoặt khỏi chương trình kích thích lớn của BoJ và đợt tăng lãi suất đầu tiên của Nhật Bản kể từ năm 2007. Lãi suất âm được BoJ áp dụng từ năm 2016.

Tuy nhiên, sự thay đổi chính sách trong tháng 3/2024 khó có thể được thực hiện vì một số thành viên trong hội đồng chính sách của BoJ đang quan ngại về những dấu hiệu yếu kém của hoạt động tiêu dùng gần đây. Điều này cho thấy quá trình phục hồi mong manh của nền kinh tế Nhật Bản.

BoJ có thể trì hoãn quyết định này cho đến tháng 4/2024 nếu các nhà hoạch định chính sách cảm thấy cần xem xét kỹ lưỡng nhiều dữ liệu hơn như cuộc khảo sát tâm lý kinh doanh “tankan” dự kiến đưa ra ngày 1/4 và báo cáo hàng quý của ngân hàng về các lĩnh vực kinh tế của Nhật Bản.

Nhiều người tham gia thị trường dự đoán BoJ sẽ chấm dứt lãi suất âm tại cuộc họp kéo dài hai ngày 18-19/3 sắp tới hoặc trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 25-26/4.

Sau khi chấm dứt lãi suất âm, BoJ cũng sẽ bỏ quyền kiểm soát lợi suất trái phiếu và dỡ bỏ khuôn khổ được tạo ra để mua các tài sản rủi ro như quỹ hoán đổi danh mục (ETF).

Thống đốc BoJ Kazuo Ueda ngày 13/3 đã đánh tín hiệu rằng ngân hàng này sẵn sàng loại bỏ dần các biện pháp kích thích ngay trong tuần tới, đồng thời chỉ ra “yêu cầu lương khá cao” mà các liên đoàn lao động đưa ra.

Ông Ueda cho hay kết quả của cuộc đàm phán tiền lương năm nay rất quan trọng” trong việc quyết định thời điểm chấm dứt gói kích thích lớn. Các công ty đã đưa ra nhiều lời đề nghị, hy vọng sẽ đạt được quyết định phù hợp.

Trước đó, Văn phòng Nội các Nhật Bản ngày 11/3 cho biết nền kinh tế nước này đã thoát khỏi suy thoái, nhờ GDP sau điều chỉnh theo lạm phát trong quý IV/2023 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022.

Theo báo cáo trước đó, GDP của Nhật Bản giảm 0,4%, khiến nước này đánh mất vị trí nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới đã duy trì trong hơn một thập kỷ.

Trong quý cuối năm ngoái, GDP được điều chỉnh theo lạm phát của Nhật Bản tăng 0,1% so với quý trước đó, trong khi được dự báo giảm 0,1%.

Chính phủ Nhật Bản vẫn đánh giá nền kinh tế đang phục hồi với tốc độ vừa phải. Tuy nhiên, nhu cầu trong nước chưa đủ mạnh do giá hàng hóa ngày càng tăng cao đã gây sức ép lên các hộ gia đình. Tiêu dùng cá nhân, đóng góp hơn một nửa quy mô nền kinh tế nước này, giảm 0,3%, so với mức giảm 0,2% theo báo cáo trước. Mặt khác, chi phí vốn cũng đã tăng 2%, được điều chỉnh tăng từ mức giảm 0,1%.

Minh Hằng (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/boj-se-can-nha-c-cham-dut-lai-suat-am-neu-ke-t-qua-da-m-pha-n-tien-luong-kha-quan/326615.html