Bơm nước không dùng điện - công nghệ giải khát Cao nguyên đá Đồng Văn
Cao nguyên đá Đồng Văn là nơi có ¾ diện tích là đá và được coi là nơi thiếu nước sinh hoạt nhất cả nước. Đặc biệt, mùa khô nơi đây thường kéo dài từ tháng 11 năm trước sang tháng 3, tháng 4 năm sau. Để giải cơn khát ở đây, hàng chục năm qua, nhiều giải pháp đã được tính toán, thực hiện như: Khoan tìm nước ngầm, hỗ trợ bể chứa gia đình, cụm dân cư, xây dựng các hồ treo. Từ đó, bước đầu cải thiện vấn đề nước sinh hoạt. Tuy nhiên, với điều kiện vùng núi đá rộng lớn, trong khi nguồn kinh phí để xây dựng các hồ treo là quá lớn nên việc đầu tư là rất khó khăn.
Từ tâm huyết của các nhà khoa học, năm 2009 Viện quản lý nước và lưu vực sông, Cộng hòa Liên bang Đức đã phối hợp với các bộ, ngành T.Ư và tỉnh Hà Giang nhằm nghiên cứu, triển khai công nghệ bơm nước không dùng điện để cấp nước cho Cao nguyên đá. Qua nghiên cứu thực tế tại huyện Đồng Văn, các nhà khoa học từ Đức đã đưa công nghệ bơm không dùng điện để bơm nước từ một dòng suối ở xã Thài Phìn Tủng lên một bể chứa trên đỉnh núi với độ chênh cao từ 500 - 700m để cấp nước tự chảy cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn và một số thôn ở xã Thài Phìn Tủng.
Đầu năm 2014, Dự án KawaTech với công nghệ bơm nước không dùng điện được triển khai tại thôn Séo Hồ, xã Thài Phìn Tủng. Đây là dự án đầu tiên tại nước ta và thứ 2 tại Đông Nam Á. Tổng mức đầu tư dự án trên 100 tỷ đồng, trong đó phía Đức hỗ trợ 2,5 triệu euro, Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ gần 9 tỷ đồng, tỉnh đối ứng một phần kinh phí. Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ, Lê Xuân Định cho biết: Kết quả triển khai công trình bơm nước không dùng điện tại Đồng Văn – Dự án KawaTech mở ra sự đột phá về cấp nước ở nước ta, là giải pháp hiệu quả, bền vững trong cung cấp nước cho Hà Giang và cả nước. Đây là dự án trọng điểm về lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, tận dụng thế mạnh tiên tiến của Đức ứng dụng vào Việt Nam. Bộ đang nghiên cứu để triển khai pha 2 của dự án, nhân rộng mô hình ở các tỉnh khác. Đây sẽ là 1 trong 10 sự kiên tiêu biểu về Khoa học và công nghệ của nước ta trong năm 2019.
Sau nhiều năm thi công, cuối năm 2019, Dự án hoàn thành với các hạng mục như: Hệ thống bơm không dùng điện với 2 tổ bơm, tổng công suất 19 lít/s. Có thể bơm cấp 1.800m3 nước/ngày, phục vụ khoảng 10.000 dân sử dụng; đường ống áp lực có khả năng chịu được áp lực nước, tương đương cột nước cao 800m, với chiều dài khoảng 2,5km; tuyến ống thép áp lực tổng chiều dài gần 2,4km, bơm nước lên bể chứa tại thôn Ma Ú, xã Thài Phìn Tủng với độ chênh cao 540m so với điểm đặt hệ thống bơm nước. Công trình đã được vận hành thử nghiệm thành công với công suất đạt 1.600m3/ngày đêm, đảm bảo cấp đủ nước cho toàn bộ thị trấn Đồng Văn hiện tại và tương lai.
Tháng 11.2019, Dự án KawaTech giai đoạn 1 đã được các bộ, ngành chức năng nghiệm thu bàn giao tạm thời cho tỉnh ta để đưa vào sử dụng. Để đảm bảo nguồn nước được bơm tự nhiên hiện nay đảm bảo hợp vệ sinh cấp cho các hộ dân sử dụng. Ngoài ra, để có thể cấp được cho một số làng bản xa xôi hẻo lánh, các đối tác tham gia Dự án đã chuẩn bị giai đoạn 2 với các nhiệm vụ như xử lý nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh trước khi cấp cho người dân sử dụng; thử nghiệm công nghệ bơm dùng năng lượng mặt trời để cấp nước cho một số làng bản xa xôi hẻo lánh trên địa bàn. Hiện tại, các nội dung trên đang được phía đối tác Đức và phần đối ứng phía Việt Nam chuẩn bị trình Bộ KH&CN và UBND tỉnh Hà Giang phê duyệt để sớm đưa nguồn nước hợp vệ sinh đến người dân thị trấn Đồng Văn và một số thôn của xã Thài Phìn Tủng.
Có thể khẳng định, với công nghệ bơm nước không dùng diện thực sự là bước đột phá về công nghệ, rất phù hợp với Cao nguyên đá Đồng Văn. Trên cơ sở đó, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Sơn khẳng định, tỉnh sẽ quan tâm, nghiên cứu để tiếp tục mở rộng, triển khai công nghệ này tại thị trấn Mèo Vạc trong thời gian tới. Qua đó, sẽ từng bước góp phần giải khát cho Cao nguyên đá Đồng Văn, tạo thêm động lực cho sự phát triển KT – XH vùng Cao nguyên đá.
Mộc Lan