Thông tin về việc Không quân Ấn Độ đã tích hợp bom lượn SPICE-2000 có độ chính xác cao của Israel vào máy bay chiến đấu Su-30MKI được sản xuất theo giấy phép của Nga. Đây không phải là lần đầu tiên, vũ khí tấn công của nước ngoài được lắp đặt thành công trên các máy bay do Liên Xô/ Nga sản xuất.
Máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30MKI được Tập đoàn Sukhoi của Nga phát triển cho Không quân Ấn Độ vào giữa thập niên 1990 và được tập đoàn quốc phòng Hindustan Aeronautics Limited (HAL) của Ấn Độ sản xuất theo giấy phép. Su-30MKI kết hợp đồng thời các công nghệ của Nga, Ấn Độ, Pháp và Israel; nhưng được chế tạo theo thông số kỹ thuật của Ấn Độ.
Máy bay chiến đấu Su-30MKI hiện là xương sống của lực lượng Không quân Ấn Độ. Cũng trên cơ sở chương trình máy bay Su-30MKI, Su-30SM được phát triển cho Không quân Nga, vì Bộ Quốc phòng Nga rất ấn tượng trước khả năng xuất khẩu của Su-30MKI.
Trong phiên bản Su-30SM của Nga, máy bay được trang bị động cơ AL-41F1S mới từ Su-35S với điều khiển vectơ lực đẩy, radar hiện đại hóa và một phần hệ thống điện tử hàng không được thống nhất với hệ thống điện tử hàng không của Su-35S.
Điều gây “ngạc nhiên” là sự “kết hôn” giữa máy bay Su-30MKI gốc của Nga và bom dẫn đường SPICE-2000 của Israel có rất nhiều điều “thú vị”. Trước hết, SPICE là bộ công cụ chuyển đổi bom rơi tự do thông thường thành bom có độ chính xác cao sử dụng dẫn đường vệ tinh EO/GPS.
Các kỹ sư người Israel đã kết hợp trong một mô-đun hiệu chỉnh, nhằm lái một quả bom thường một cách chính xác vào mục tiêu, bằng hệ thống vệ tinh và quang điện. Kỹ thuật này cho phép bom sử dụng mô-đun SPICE, có thể thực hiện các cuộc tấn công theo kiểu “thả và quên”, hoặc được người điều khiển lái trực tiếp vào các mục tiêu đang di chuyển, thông quang quang tuyến truyền hình.
Phạm vi bay của bom sử dụng mô-đun SPICE có thể đạt tới 60 km và độ chính xác của việc tiêu diệt các mục tiêu đang di chuyển của bom gắn mô-đun SPICE được ghi trong bộ nhớ ở 12 vị trí, như mũi xe, khoang trung tâm và phía sau.
Bộ nhớ của mô-đun SPICE có thể lưu trữ đến 100 hình ảnh của các mục tiêu tiềm năng. Trước khi phóng, dữ liệu dưới dạng hình ảnh hoặc tọa độ sẽ được nhập vào quả bom. Nếu sau khi lập kế hoạch, cảm biến của mô-đun SPICE không thể phát hiện trực quan một mục tiêu nhất định, nó sẽ chuyển sang chế độ hoạt động thông qua hệ thống dẫn đường vệ tinh GPS.
Tuy nhiên, người điều khiển vẫn có thể chuyển sang điều khiển bom bằng tay, thông qua cần điều khiển bất cứ lúc nào vì kết nối giữa bom và máy bay vẫn được duy trì. Bộ sản phẩm này có thể được trang bị bom thường loại 450 kg, hoặc SPICE-1000 (900 kg), SPICE-2000.
Còn mô-đun SPICE-250 là một hệ thống mới hoàn toàn, được Israel mới phát triển, là loại điều khiển vũ khí chính xác cho bom thường. Bom lượn SPICE-250 vẫn sử dụng phương pháp dẫn đường quán tính với hiệu chỉnh GPS (INS/GPS) ở phần giữa của quỹ đạo bay và quang điện với thuật toán so sánh hình ảnh tự động ở phần cuối.
Đồng thời, các nhà phát triển Israel đã nâng cấp SPICE-250 để nó có khả năng chống lại hệ thống gây nhiễu GPS tốt hơn và tăng tầm bay từ 60 lên 100 km; độ lệch tâm là 3 mét, xác suất trúng mục tiêu đã tăng lên 95%. Kích thước tương đối nhỏ của bom, giúp có thể lắp tới 16 quả bom như vậy trên máy bay chiến đấu F-16 và lên tới 28 quả trên F-15.
Cách đây 10 năm, Oren Uriel, Phó Chủ tịch phụ trách tiếp thị và phát triển kinh doanh tập đoàn quốc phòng Rafael của Israel, đã giải thích lý do tại sao cần tăng phạm vi bay của loại bom này, đó là do các hệ thống phòng không tầm xa được trang bị rộng rãi như S-300/400 của Nga hay Hồng Kỳ của Trung Quốc. Cũng do hình dáng tương đối nhỏ so với các loại bom như Spice-1000 và Spice-2000. SPICE-250 nhỏ, nên SPICE-250 cũng khó bị các hệ thống phòng không phát hiện hơn.
Ngoài ra, một máy bay F-16 có khả năng mang theo 16 quả bom Spice-250, ngoài khả năng tiêu diệt đồng thời nhiều mục tiêu, nó còn có khả năng cản trở hoạt động của radar đối phương, bằng cách thả một số lượng lớn bom cùng một lúc. Hệ thống phòng không như S-300 hay Patriot cũng sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối phó với những khả năng này.
Chương trình Spice-250 được công ty Rafael phát triển chung với Không quân Israel và Không quân Israel hiện là khách hàng duy nhất của loại bom này. Spice-250 cho phép Không quân Israel hoạt động cách xa khu vực có nhiều hệ thống phòng không của đối phương.
Nhưng đó chưa phải là tất cả. Vào năm 2021, người Israel đã trình làng phiên bản cập nhật của bom lượn SPICE 250 ER (ER: tầm bay mở rộng). Việc tăng tầm bay đạt được nhờ trang bị cho nó một động cơ phản lực nhỏ sử dụng nhiên liệu JP-8/10.
Nhờ có động cơ phản lực nhỏ này, bom SPICE 250 ER có thể bay không phải 100 km như người tiền nhiệm mà là 150 km. Tức là, một quả bom hàng không thường, thực sự đã được biến thành một tên lửa hành trình không đối đất thu nhỏ với chi phí thấp.
Tờ Reporter của Nga cho rằng, nếu Không quân nước này có loại bom như SPICE 250 ER, có thể tiêu diệt chính xác mục tiêu từ khoảng cách 100-150 km, sẽ làm tăng đáng kể khả năng chiến đấu của Không quân Nga tại chiến trường Ukraine; nhất là tại khu vực mặt trận phía bắc.
Hiện Không quân Nga cũng đã đạt được những thành công thực tế nhất định, trong việc phát triển các mô-đun hiệu chỉnh trên các loại bom 250, 500, 1000 và 1500 kg; nhưng tầm bay tối đa chỉ là 80 km. Nhưng nếu cải tiến được như bom SPICE 250 ER của Israel, Không quân Nga sẽ có nhiều phương án lựa chọn tấn công hơn, mà vẫn bảo đảm an toàn cho máy bay chiến đấu của họ.
Video bom lượn có điều khiển tầm xa SPICE 250 ER của Israel. Nguồn Rafael
Tiến Minh (theo Reporter)