Bơm vốn cho công ty năng lượng, VNDirect tiếp tục 'đặt cược' vào Trung Nam Group?
Ba tháng đầu năm, Tập đoàn Đầu tư I.P.A thuộc hệ sinh thái của VNDirect đã chi ra 850 tỷ đồng để sở hữu 9,36% vốn của Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Trung Nam.
"Cứu" thanh khoản cho Năng lượng Tái tạo Trung Nam?
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, Tập đoàn Đầu tư I.P.A (IPA - doanh nghiệp nhóm VNDirect) vừa thực hiện một thương vụ đầu tư mới vào Công ty Cổ phần Năng lượng Tái tạo Trung Nam - thành viên của Tập đoàn Trung Nam.
Cụ thể, IPA đã rót vào 850 tỷ đồng, tương ứng 9,36% vốn điều lệ của Năng lượng Tái tạo Trung Nam. Trước đây, IPA cũng từng đầu tư vào trái phiếu của thành viên của Trung Nam (Đầu tư Xây dựng Trung Nam) với giá trị 916 tỷ đồng, nhưng đã bán sạch tính tới tháng 6/2023.
Khoản đầu tư lần này của IPA được đặt trong bối cảnh Năng lượng Tái tạo Trung Nam cũng như hệ sinh thái Trung Nam Group đang gặp nhiều vấn đề liên quan đến nguồn vốn thanh toán trái phiếu.
Tính đến cuối năm 2022, Công ty Năng lượng Tái tạo Trung Nam có dư nợ trái phiếu hơn 9.270 tỷ đồng. Trong số đó có hai mã mới nhất là TRECH2224002 phát hành ngày 29/8/2022 thời hạn 2 năm, trị giá 500 tỷ đồng; và lô còn lại mã TRECB2223001 phát hành ngày 30/6/2022 thời hạn 1 năm, trị giá 1.500 tỷ đồng. Tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu là Chứng khoán VNDirect.
Tuy nhiên, theo tài liệu công bố gần đây nhất, Năng lượng Tái tạo Trung Nam đã 2 lần lùi ngày đáo hạn của lô trái phiếu TRECB2223001 đến 31/8/2023. Tổng dư nợ của lô trái phiếu nói trên là 1.586 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp vẫn chưa công bố báo cáo tình hình thanh toán gốc lãi trái phiếu năm 2023.
Theo giải trình từ phía Năng lượng Tái tạo Trung Nam, lý do chậm thanh toán lãi và gốc của lô trái phiếu trên có nhiều nguyên nhân. Đầu tiên là các nhà máy điện thuộc sở hữu của công ty mới COD cuối năm 2021 và vẫn trong giai đoạn cân chỉnh nên chưa vận hành tối đa công suất.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng chịu ảnh hưởng chung của điều kiện khí hậu cả nước, tốc độ gió thực tế trong năm 2022 thấp hơn mức trung bình dự kiến, khiến doanh thu các dự án điện không đạt theo kế hoạch. Thứ ba là tình hình lãi suất tăng cao, làm giảm dòng tiền của Năng lượng Tái tạo Trung Nam. Cuối cùng là EVN chậm thanh toán tiền cho các dự án của công ty.
Đáng chú ý, lô trái phiếu thứ hai có giá trị 500 tỷ đồng (TRECH2224002) của Năng lượng Tái tạo Trung Nam cũng được VNDirect đầu tư với tỷ lệ 79,23%, tương ứng 396, 1 tỷ đồng. Khoản trái phiếu này có ngày đáo hạn là 4 tháng nữa.
Về cơ bản, việc IPA đầu tư 850 tỷ đồng vào thời điểm này được kỳ vọng sẽ phần nào "cứu" Năng lượng Tái tạo Trung Nam về vấn đề thanh khoản và nguồn vốn kinh doanh cũng như thể hiện "sự tất tay" của nhóm bà Phạm Minh Hương với Trung Nam Group.
VNDirect đang "đặt cược" vào trái phiếu Trung Nam Group
Trong những năm gần đây, VNDirect chính là đối tác đóng vai trò quan trọng trong các thương vụ huy động trái phiếu của Trungnam Group cùng đơn vị thành viên. VNDirect là đơn vị bảo lãnh phát hành và cũng là trái chủ lớn nhất của Trung Nam Group ở thời điểm hiện tại.
Thống kê từ HNX cho thấy, VNDirect cung cấp dịch vụ phát hành cho khoảng 16.600 tỷ đồng trái phiếu "họ" Trung Nam.
Nói về quyết định đặt cược vào trái phiếu Trung Nam, bà Phạm Minh Hương, Chủ tịch HĐQT VNDirect, cho biết doanh nghiệp đánh giá Trung Nam Group là đơn vị đại diện cho ngành năng lượng, có tiềm năng về cả năng lực phát triển dự án cho đến tìm kiếm dự án đầu tư.
Những rủi ro của trái phiếu hiện nay chủ yếu mang tính tạm thời về thanh khoản.
Bà Hương cũng thừa nhận, cổ phiếu VND gần như gắn liền với câu chuyện của Trung Nam và doanh nghiệp có thể đang mất lượng lớn vốn vào Trung Nam. Chủ tịch VNDirect từng nhiều lần chia sẻ rằng vụ việc trái phiếu Trung Nam là bài học đắt giá.
Về phía Trung Nam Group, tính đến thời điểm 31/12/2022, tổng dư nợ trái phiếu là khoảng 24.300 tỷ đồng. Số nợ phải trả của doanh nghiệp này là 68.110 tỷ đồng.
Hiện tại hệ sinh thái năng lượng của Trung Nam vẫn đang gặp khó về bài toán thanh khoản cũng như khả năng thanh toán lãi gốc trái phiếu. Trung Nam Group nhiều lần cho biết doanh nghiệp khó khăn do phía EVN chậm thanh toán.
Tuy nhiên, EVN khẳng định, đã thanh toán tiền điện đúng quy định cho Trung Nam, còn phần công suất khi dự án chưa đầy đủ về mặt pháp lý, chưa được cấp giấy phép hoạt động điện lực thì EVN chỉ ghi nhận sản lượng và không thể thanh toán.