Bộn bề thách thức
Tròn 1 tháng sau khi chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, nhiều người dân Syria đã trở về quê sau nhiều năm tha hương do hậu quả cuộc xung đột kéo dài gần 14 năm.
Một chính phủ lâm thời đã được thành lập, dưới sự điều hành của Thủ tướng Mohammed al-Bashir, nhằm dẫn dắt tiến trình chuyển tiếp chính trị, với những cam kết xây dựng một nền tảng chính trị đại diện cho tất cả các nhóm sắc tộc và phe phái trong xã hội, thực sự mang lại những tia hy vọng về tương lai mới của đất nước. Tuy nhiên, với những thách thức cả bên trong lẫn bên ngoài, con đường đi đến hòa bình và ổn định của quốc gia Trung Đông này vẫn đầy gập ghềnh và bấp bênh.
Không thể phủ nhận những nỗ lực của chính quyền mới tại Syria nhằm thiết lập lại cấu trúc chính trị và khôi phục kinh tế đất nước để gây dựng lòng tin cũng như tìm kiếm sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế. Chính phủ lâm thời Syria đã nhanh chóng khôi phục hoạt động, duy trì trật tự công cộng, tiến hành đàm phán với các thành viên trong chính quyền cũ nhằm tổ chức chuyển giao các thể chế nhà nước, đảm bảo an toàn cho nhân viên nhà nước. Bên cạnh đó, Thủ tướng lâm thời al-Bashir còn cam kết tập trung khôi phục các dịch vụ thiết yếu, giải quyết nhu cầu nhân đạo cho người dân - vốn đang gặp rất nhiều khó khăn.
Đáng chú ý, chính quyền mới tại Syria đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại quốc gia ngay trong những ngày đầu năm 2025 nhằm thúc đẩy môi trường chính trị ổn định hơn. Cuộc đối thoại này được xem là phép thử quan trọng đối với chính quyền mới trong việc thống nhất đất nước sau nhiều năm xung đột, khi dự kiến quy tụ trên 1.000 đại biểu từ nhiều phe phái chính trị và xã hội ở Syria. Dư luận hiện đang đặt nhiều kỳ vọng bởi đây là lần đầu tiên hội nghị được tổ chức sau khi có sự thay đổi quyền lực tại Syria, nhất là khi nhóm Hayat Tahrir Al Sham (HTS) - dẫn đầu các nhóm vũ trang tấn công lật đổ chính quyền của Tổng thống al-Assad, tuyên bố đạt thỏa thuận với thủ lĩnh các phe, nhóm về việc giải tán tất cả các nhóm vũ trang và hợp nhất dưới một bộ quốc phòng thống nhất.
Trước thực trạng kinh tế bị tàn phá nặng nề do xung đột kéo dài, khi Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ước tính giảm hơn 85% kể từ khi xung đột nổ ra vào năm 2011 và lạm phát lên tới 115% trong năm qua, Chính phủ lâm thời Syria đã công bố một loạt cải cách kinh tế sâu rộng, trong đó nổi bật là kế hoạch tăng lương tới 400%, sửa đổi các quy định và giảm thuế nhập khẩu để khôi phục thị trường nội địa. Động thái này đã khẳng định quyết tâm của chính quyền trong việc vực dậy nền kinh tế, đảm bảo sinh kế cho người dân.
Về đối ngoại, Chính phủ lâm thời Syria đã có những bước đi tích cực trong việc thiết lập lại quan hệ với các quốc gia Vùng Vịnh, trong đó có việc kêu gọi Kuwait mở lại đại sứ quán tại Damascus và 3 quan chức trong chính phủ lâm thời là Ngoại trưởng lâm thời Asaad al-Shaibani, Bộ trưởng Quốc phòng Murhaf Abu Qasra, người đứng đầu Cơ quan Tình báo Anas Khattab, lần lượt công du các nước có tầm ảnh hưởng trong khu vực gồm Saudi Arabia, Qatar và Các Tiểu vương quốc Arập thống nhất (UAE). Qua đây có thể thấy chính quyền mới tại Syria đang rất nỗ lực tìm kiếm sự công nhận từ các nước trong khu vực, cũng như thu hút đầu tư và hỗ trợ kinh tế từ các quốc gia láng giềng.
Các nỗ lực nêu trên đã thu được những kết quả tích cực khi ngày càng nhiều nước và tổ chức muốn tiếp cận, đưa ra các điều kiện hỗ trợ và công nhận chính phủ lâm thời Syria. Bằng chứng là ngoại trưởng Pháp và người đồng cấp Đức vừa có chuyến thăm chính thức Syria đầu tiên kể từ khi chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ, trong khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và người đồng cấp Anh David Lammy thừa nhận đã có những liên lạc trực tiếp với HTS, bất chấp nhóm này vẫn nằm trong danh sách khủng bố.
Bộ Tài chính Mỹ mới đây tuyên bố sẽ nới lỏng các biện pháp trừng phạt bổ sung đối với một số hoạt động ở Syria trong 6 tháng tới để tạo điều kiện tiếp cận các dịch vụ cơ bản. Trong khi đó, một loạt nước, như Thổ Nhĩ Kỳ, CH Séc và Qatar đã mở lại đại sứ quán tại Syria, còn Nga, Iran - 2 nước hậu thuẫn mạnh mẽ cho chính quyền trước đây - cũng tuyên bố sẽ thích nghi với tình hình mới và để ngỏ khả năng hợp tác với chính quyền tương lai của quốc gia Arập này.
Thế nhưng, với một đất nước chìm trong xung đột suốt hơn 1 thập kỷ, luôn là nơi tranh giành ảnh hưởng, cùng sự chia rẽ sâu sắc từ bên trong lẫn bên ngoài, những thách thức mà Syria phải đối mặt là vô cùng lớn. Ông Fawaz Gerges, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Trường Kinh tế London (Anh) đánh giá thách thức xây dựng một Syria mới từ đống tro tàn lớn đến mức "những rủi ro và bất trắc lấn át bất kỳ kỳ vọng hay lời hứa nào" và "khả năng chuyển đổi chính quyền diễn ra suôn sẻ và hòa bình là rất thấp".
Trên thực tế, hàng loạt nhóm vũ trang, với những mục tiêu và chiến lược khác nhau, đã và đang ra sức tranh giành việc kiểm soát các vùng lãnh thổ chiến lược, cùng sự can thiệp từ các cường quốc khu vực và quốc tế khiến tình hình Syria trở nên hết sức rối ren. Trong khi HTS tham vọng giải tán các nhóm vũ trang để hợp nhất vào quân đội quốc gia, đồng thời bác bỏ mọi hình thức chia cắt lãnh thổ hay liên bang, thì các nhóm gồm Quân đội Quốc gia Syria (SNA), được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), do người Kurd lãnh đạo và được Mỹ hỗ trợ, lại phản đối. Sau khi các nhóm đạt được mục tiêu chung là lật đổ chính quyền cũ, thì SNA - kiểm soát nhiều khu vực Tây Bắc Syria, thường xuyên xung đột với HTS - hoạt động trải dài từ Tây Bắc xuống phía Nam về quyền kiểm soát lãnh thổ và ảnh hưởng chính trị. Trong khi đó, SDF, đang chiếm giữ miền Đông Bắc, lại là rào cản lớn không chỉ đối với các lực lượng trung thành với chính quyền cũ mà còn với SNA và các nhóm vũ trang do Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ. Những cuộc giao tranh ác liệt gần đây tại thành phố Manbij giữa SDF và SNA là minh chứng rõ nét cho sự phức tạp này. Chưa kể, các cuộc tấn công tranh giành ảnh hưởng của các phe nhóm khác cũng đang khiến an ninh của Syria càng trở nên mong manh hơn.
Ngay cả kế hoạch tổ chức hội nghị đối thoại quốc gia, được kỳ vọng sẽ đại diện cho "tất cả các thành phần và tầng lớp của người dân Syria" ngay đầu năm 2025, cũng khá mịt mờ khi các bên vẫn chưa thể đưa ra lịch trình và kế hoạch cụ thể. Việc ông Ahmed Al-Sharaa, thủ lĩnh HTS, người đang nắm quyền trên thực tế ở Syria, tuyên bố quá trình bầu cử có thể mất đến 4 năm, cho thấy dù hội nghị có đạt kết quả thì vẫn cần có thời gian để hiện thực hóa những kế hoạch đã đề ra.
Với những lợi ích riêng, cùng việc tranh giành ảnh hưởng, không ai dám chắc quá trình đối thoại ở Syria sẽ "xuôi chèo, mát mái". Một khi các bên không đạt được sự đồng thuận, nguy cơ xảy ra xung đột nội bộ là rất lớn. Là một quốc gia đa dạng với nhiều nhóm sắc tộc và tôn giáo khác nhau, việc đảm bảo tất cả các nhóm đều có đại diện cũng là một thách thức không nhỏ. Do đó, nếu không có sự công bằng trong phân phối quyền lợi giữa các nhóm sắc tộc khác nhau, tình trạng xung đột sắc tộc hoàn toàn có thể tái diễn.
Với bộn bề thách thức, tương lai của Syria hiện được ví như "một bài toán khó" và lời giải không chỉ phụ thuộc vào nỗ lực của quốc gia Trung Đông này mà còn từ cả phía cộng đồng quốc tế. Để có thể thực sự đạt được hòa bình và ổn định như người dân mong đợi, hơn lúc nào hết các bên cần hài hòa các lợi ích riêng, cùng thương lượng nhằm xây dựng một nền tảng chính trị bền vững cho tất cả các nhóm sắc tộc và phe phái trong xã hội Syria. Chỉ khi nào đạt được sự đồng thuận giữa các bên thì tương lai hòa bình cho đất nước này mới trở nên khả thi. Còn "nếu Syria không đạt được mô hình chia sẻ quyền lực, xung đột sắc tộc sẽ tiếp tục leo thang và nhà nước sẽ chỉ là một tập hợp rời rạc của các vùng lãnh thổ do các lực lượng khác nhau kiểm soát", như cảnh báo của Giáo sư Nir Boms - Chủ tịch Diễn đàn Nghiên cứu Syria, thuộc Trung tâm Moshe Dayan về Trung Đông và châu Phi của Đại học Tel Aviv - khi chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Israel.
Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bon-be-thach-thuc-20250108112356130.htm