Chiến thuật của ông Trump khi đưa ra loạt đề xuất đáng chú ý về Tây Bán cầu

Những phát biểu gần đây của Tổng thống đắc cử Donald Trump dường như đang khiến khẩu hiệu 'nước Mỹ trên hết' nổi tiếng của ông chuyển thành 'nước Mỹ mở rộng'.

Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Tổng thống đắc cử Donald Trump. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Trong cuộc họp báo ngày 7/1, Tổng thống đắc cử Trump cho biết ông không loại trừ khả năng sử dụng lực lượng quân đội để giành quyền kiểm soát Greenland và kênh đào Panama.

Ngoài ra, ông Trump cũng đề cập sẽ dùng tác động kinh tế để sáp nhập Mỹ với Canada. Ông còn cảnh báo đánh thuế Đan Mạch ở "mức rất cao" nếu nước này không từ bỏ quyền kiểm soát Greenland, vùng lãnh thổ tự trị có nhiều khoáng sản giá trị.

Khi Tổng thống đắc cử phát biểu, con trai ông là Donald Trump Jr. đang ở Greenland cùng 2 thành viên của chính quyền sắp tới là ông Sergio Gor, người sẽ đứng đầu Văn phòng Nhân sự Tổng thống, và James Blair dự kiến giữ chức phó Chánh văn phòng Nhà Trắng. Một nguồn thạo tin cho biết ông Trump Jr. không gặp bất kỳ quan chức Greenland nào mà có mặt tại vùng lãnh thổ này để quay nội dung cho một podcast sắp tới. Tuy nhiên, ông Trump Jr. đã tạo dáng chụp ảnh với người dân Greenland đội mũ đỏ có dòng chữ “Khiến nước Mỹ vĩ đại trở lại".

Tờ The Hill (Mỹ) đánh giá, ông Trump từ lâu đã sử dụng ngôn từ làm công cụ đàm phán và thể hiện sức mạnh. Và điều này có thể lặp lại qua phát biểu ngày 7/1, đặc biệt là khi đề cập đến lực lượng vũ trang.

Greenland là lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Việc sử dụng vũ lực quân sự chống lại một thành viên NATO sẽ tạo ra sự hỗn loạn trong khối.

Trong khi đó, việc sáp nhập Canada thành tiểu bang thứ 51 cũng khó có thể xảy ra. Chia sẻ trên trang cá nhân ngày 7/1, Thủ tướng Canada Justin Trudeau khẳng định: "Không có cơ hội nào, kể cả nhỏ nhất, để Canada trở thành một phần của Mỹ”. Nhà lãnh đạo Canada nêu rõ rằng người lao động và các cộng đồng ở cả hai quốc gia đều hưởng lợi từ việc là đối tác thương mại và an ninh lớn nhất của nhau. Người thay thế tiềm năng của ông Trudeau, lãnh đạo Đảng Bảo thủ Pierre Poilievre, khẳng định rằng Canada "sẽ không bao giờ là tiểu bang thứ 51 của Mỹ".

Tàu chở hàng di chuyển qua kênh đào Panama. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

Tàu chở hàng di chuyển qua kênh đào Panama. Ảnh tư liệu: THX/TTXVN

The Hill cho rằng, các phát biểu của Tổng thống đắc cử Trump là nhằm chiều lòng người ủng hộ ông, bởi họ chấp nhận quan điểm về chủ nghĩa ngoại lệ và Mỹ có ảnh hưởng lớn ở nước ngoài.

Với tinh thần đó, Tổng thống đắc cử Trump đã tuyên bố hôm 7/1 rằng ông sẽ sớm đổi tên Vịnh Mexico thành "Vịnh Mỹ". Nghị sĩ Marjorie Taylor Greene nhanh chóng ủng hộ và cho biết bà sẽ đưa ra luật để chính thức hóa sự thay đổi này trên các bản đồ của chính phủ.

Tổng thống Panama José Rául Mulino đã bác bỏ đề xuất của ông Trump về việc Mỹ tiếp quản kênh đào. Mỹ sử dụng kênh đào Panama nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác, đồng thời cũng là nước dành phần lớn nguồn lực để xây dựng công trình lịch sử này. Quyền kiểm soát kênh đào đã được chuyển giao từ Mỹ sang Panama vào năm 1999 theo một thỏa thuận năm 1979 dưới thời Tổng thống Jimmy Carter.

The Hill cho rằng ông Trump không phải là người dễ dàng chấp nhận sự từ chối công khai hoặc chê trách từ các nhà lãnh đạo thế giới. Phản ứng ngược từ họ chỉ càng khiến ông thêm quyết tâm gây sức ép kinh tế.

Hà Linh/Báo Tin tức (Theo The Hill)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-thuat-cua-ong-trump-khi-dua-ra-loat-de-xuat-dang-chu-y-ve-tay-ban-cau-20250108153315317.htm