Bốn cách giúp bạn giảm lượng carbon kỹ thuật số khi sống 'trên mạng' hằng ngày

Chúng ta hầu như không để ý rằng khi chúng ta sử dụng hoặc tạo ra 'hàng tá' dữ liệu trong cuộc sống 'online' hằng ngày, chúng sẽ được lưu trữ tại những trung tâm dữ liệu ngốn năng lượng khổng lồ.

Một quán cafe Internet ở Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Một quán cafe Internet ở Bắc Kinh (Trung Quốc). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Có một nhược điểm vô hình đối với cuộc sống “trên mạng” của chúng ta, đó là các dữ liệu được lưu trữ tại những trung tâm dữ liệu ngốn năng lượng khổng lồ. Chúng được biết đến như những “cỗ máy chạy bằng than lớn nhất trên Trái Đất” và hầu hết chúng ta đều sử dụng chúng vô số lần trong ngày.

Người ta ước tính mạng Internet và ngành công nghiệp kỹ thuật số liên quan tạo ra lượng khí thải hằng năm tương đương với ngành hàng không. Nhưng chúng ta hầu như không nghĩ đến tình trạng ô nhiễm mỗi khi chụp hàng tá bức ảnh trùng lặp về thú cưng của mình - những bức ảnh ngay lập tức được tải lên “đám mây.”

Trong bài viết đăng tải mới đây trên trang The Guardian, cây viết tự do Koren Helbig chỉ ra rằng dữ liệu chúng ta tạo ra được lưu trữ và xử lý trong các trung tâm dữ liệu khổng lồ nằm rải rác trên khắp thế giới.

“Trong năm qua, tôi đã ‘đào sâu’ về rác thải kỹ thuật số và học được những cách quan trọng để chúng ta có thể giảm lượng khí thải carbon kỹ thuật số” - Helbig viết. Tác giả đề cập một số điểm dưới đây:

Hãy suy nghĩ trước khi nhấp chuột

Mọi văn bản, ảnh và email, thậm chí mọi lượt “like” hay bình luận trên mạng xã hội đều truyền qua nhiều lớp hạ tầng Internet ngốn điện, bao gồm cả các máy chủ đặt trong những trung tâm dữ liệu cực lớn.

Nhà báo người Pháp Guillaume Pitron từng viết trong cuốn sách “The Dark Cloud: How the Digital World Is Costing the Earth” (Tạm dịch: “Đám mây đen: Thế giới kỹ thuật số đang khiến Trái Đất phải trả giá như thế nào”) - xuất bản năm 2021 - rằng: “Trung tâm dữ liệu lớn nhất hành tinh… phía Nam Bắc Kinh… có diện tích mặt bằng là 600.000m2, tương đương với 110 sân bóng đá.”

Việc xử lý dữ liệu trong những “nhà máy của kỷ nguyên số” này sinh nhiệt, đòi hỏi phải có hệ thống điều hòa không khí hoặc nước lạnh - chủ yếu chạy bằng than - để duy trì nhiệt độ ổn định.

“Tôi bắt đầu với những thay đổi nhỏ để giảm mức ‘tiêu thụ’ dữ liệu của mình như hủy đăng ký nhận những email không mong muốn và xóa các ứng dụng không dùng đến trên điện thoại” - tác giả Helbig viết.

“Tôi cũng tránh kích hoạt AI tạo sinh để tìm những câu trả lời đơn giản - nó sử dụng năng lượng ước tính gấp 4-5 lần so với việc tìm kiếm trên web thông thường.”

Xóa bớt những thứ “bừa bãi” trên mạng

Hầu hết chúng ta đều tích trữ hàng nghìn email cũ hoặc chưa đọc và vô số ảnh trùng lặp. Thường xuyên xóa chúng có thể giúp giảm lượng khí thải kỹ thuật số của bạn.

“Nhiều hòm thư đến cho phép bạn tìm kiếm theo cỡ file. Tôi đã hình thành thói quen tìm kiếm định kỳ ‘1MB hoặc lớn hơn’ và xóa bất kỳ email nào có tệp đính kèm lớn mà tôi không còn cần nữa. Tìm kiếm qua tên người gửi cho phép bạn xóa hàng loạt hàng trăm email tiếp thị chỉ bằng một cú nhấp chuột” - tác giả gợi ý.

 Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ảnh minh họa. (Ảnh: THX/TTXVN)

“Tôi thường chụp hàng trăm bức ảnh ở dạng RAW - một định dạng file lớn hơn JPG từ 2-6 lần. Vì vậy tôi rất ‘chăm’ xóa những bức ảnh trùng lặp gần như ngay lập tức.”

“Những chiếc điện thoại Android và iPhone có chức năng xóa hàng loạt ‘giải phóng dung lượng’ cho ảnh và file. Hoặc dùng thử GetSorted - ứng dụng này có thể chia các tác vụ dọn dẹp ảnh thành từng phần.”

Giảm thiểu lưu trữ “đám mây”

Theo Helbig, vào năm tới, ngành công nghiệp kỹ thuật số sẽ trở thành ngành tiêu thụ điện cao thứ tư trên thế giới, sau mức tiêu thụ điện của Trung Quốc, Ấn Độ và Mỹ.

“Để bớt phụ thuộc vào bộ nhớ ‘đám mây’ tiêu tốn nhiều năng lượng, tôi lưu tất cả ảnh và tập tin của mình trên ổ cứng được bảo vệ bằng mật khẩu. Cứ ba tháng một lần, tôi sao lưu dữ liệu thành hai bản, một bản tôi gửi nhờ ở nhà bạn bè đề phòng trường hợp hỏa hoạn hoặc mất cắp ở nhà mình.

Với mọi người, việc lưu dữ liệu vào ổ cứng có thể hơi rắc rối, vì vậy việc thường xuyên dọn dẹp file lưu trữ trên ‘đám mây’ trở nên quan trọng hơn.

Giữ các thiết bị càng lâu càng tốt

Việc liên tục nâng cấp lên thiết bị mới nhất thật hấp dẫn, nhưng thêm thiết bị mới đồng nghĩa với nhiều chi phí hơn cho môi trường. Ví dụ, theo Chương trình Môi trường Liên hợp quốc, việc sản xuất một chiếc smartphone chiếm tới 80% lượng khí thải carbon trong “vòng đời” chiếc điện thoại.

Vì vậy, chúng ta sử dụng thiết bị càng lâu thì càng tốt. Điện thoại và máy tính “tân trang” đang trở nên phổ biến hơn và các website của cộng đồng công nghệ thông tin như ifixit.com có thể giúp bạn tự sửa chữa thiết bị của mình.

McLean, người đã viết một cuốn sách về tác động môi trường của hoạt động kỹ thuật số, cho rằng gánh nặng ô nhiễm kỹ thuật số không thể chỉ là vấn đề đối với mỗi cá nhân.

Cô nói: “Chúng ta cần trở thành một phần của sự thay đổi cấu trúc mang tính hệ thống. Điều đó có nghĩa là tận dụng các cơ hội của từng cá nhân để can thiệp nhưng cũng yêu cầu và mong đợi Chính phủ quản lý các tập đoàn tốt hơn và chuyển sang những lựa chọn trung hòa carbon.”

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bon-cach-giup-ban-giam-luong-carbon-ky-thuat-so-khi-song-tren-mang-hang-ngay-post954786.vnp