Bốn đột phá cho Trung tâm tài chính quốc tế ở Đà Nẵng

Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng có thể khai thác nhu cầu tài chính xanh, tài chính thương mại, fintech của khu vực ASEAN để tạo lợi thế khác biệt.

Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng có nhiều lợi thế chuyên biệt để phát triển. Ảnh: Hoàng Anh

Trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng có nhiều lợi thế chuyên biệt để phát triển. Ảnh: Hoàng Anh

Đánh giá cao tiềm năng xây dựng trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng, ông Andy Khoo, Giám đốc điều hành quỹ Terne Holdings, cho biết, việc xây dựng thành công trung tâm tài chính quốc tế tại thành phố biển này sẽ đóng góp thêm khoảng 3 – 5 tỷ USD vào GDP hàng năm của Việt Nam.

Lý giải cho nhận định này, ông Andy Khoo đánh giá, Đà Nẵng là thành phố trực thuộc trung ương nằm ở miền Trung, đóng vai trò kết nối trung tâm hoạch định chính sách và quản lý nhà nước Hà Nội với trung tâm tài chính trọng điểm TP. HCM.

Bên cạnh đó, nếu trung tâm tài chính tại TP.HCM tập trung vào thị trường vốn thì trung tâm tài chính tại Đà Nẵng có thể khai thác chuyên sâu những thế mạnh chuyên biệt để hoàn thiện hệ sinh thái tổng thể tại Việt Nam và khu vực. Cụ thể, có bốn lĩnh vực chuyên biệt có thể tạo ra sự đột phá cho trung tâm tài chính tại Đà Nẵng.

Thứ nhất, tập trung cung cấp các dịch vụ tài chính xanh. Theo ông Andy Khoo, cơ hội cung cấp các dịch vụ tài chính xanh tại ASEAN là rất lớn khi khu vực này có nhu cầu 1 nghìn tỷ USD cho tài chính xanh vào năm 2030.

Đón đầu cơ hội này, Đà Nẵng có thể tập trung vào các công cụ như phát hành trái phiếu xanh, tạo điều kiện cho giao dịch tín chỉ carbon và phát triển các sản phẩm tài chính riêng biệt cho những nhà đầu tư quan tâm đến yếu tố bền vững. Bằng cách đó, Đà Nẵng sẽ trở thành trung tâm tài chính xanh của ASEAN.

Thứ hai, đổi mới công nghệ tài chính (fintech). Việt Nam là quốc gia dẫn đầu khu vực và nằm trong top 10 toàn cầu về việc áp dụng tiền điện tử, là nền tảng tốt để Đà Nẵng phát triển lĩnh vực fintech.

Lãnh đạo quỹ Terne Holdings nhận định, Đà Nẵng có thể tạo cơ chế thử nghiệm (sandbox) cho các dự án khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ chuỗi khối (blockchain), thanh toán kỹ thuật số, các giải pháp tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo thế hệ mới.

“Với các chính sách khuyến khích đổi mới, trung tâm tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể thu hút các nhà đầu tư và các công ty công nghệ tài chính toàn cầu, đưa Đà Nẵng trở thành trung tâm đổi mới fintech trong khu vực”, ông Andy Khoo nhấn mạnh.

Ngoài ra, việc tạo cơ chế thử nghiệm các công nghệ mới tại Đà Nẵng cũng phát huy hiệu quả tổng thể của trung tâm tài chính này, với vai trò là một phòng thí nghiệm cho các giải pháp mới trước khi được tích hợp vào hệ sinh thái đã phát triển của TP.HCM.

Thứ ba, với vị trí gần các tuyến thương mại quan trọng trong khuôn khổ Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Đà Nẵng có thể trở thành một trung tâm tự nhiên cho tài chính thương mại.

Trong đó, Đà Nẵng có thể tập trung khai thác nhu cầu tài chính thương mại trị giá đến 200 tỷ USD cho nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn chưa được đáp ứng đủ về dịch vụ tài chính tại khu vực ASEAN. Tận dụng điều này, Đà Nẵng sẽ đóng vai trò là cầu nối giúp dòng vốn được luân chuyển xuyên biên giới một cách liền mạch cho ASEAN.

Cuối cùng là những dịch vụ tạo điểm nhấn khác biệt, bao gồm cảng tự do (le freeport) để lưu trữ an toàn các sản phẩm như vàng thỏi, tác phẩm nghệ thuật, đồ có giá trị sưu tầm; cung cấp cơ sở trọng tài cho các tranh chấp thương mại; ưu đãi thuế trong đặc khu kinh tế.

Quản trị trung tâm tài chính

Khẳng định quản trị là nền tảng cho sự vận hành thành công của trung tâm tài chính, ông Andy Khoo khuyến nghị, cần thiết lập một cơ quan quản lý tự chủ cho trung tâm tài chính ở Đà Nẵng với mô hình tương tự của Du bai.

“Đây là yêu cầu bắt buộc đối với bất kỳ trung tâm tài chính nào muốn cạnh tranh trên trường quốc tế”, ông Andy Khoo nói.

Ngoài ra, cần thiết thiết lập một khung trọng tài chuyên biệt để tạo sự an tâm cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư hoạt động tại trung tâm tài chính.

Đồng quan điểm về yêu cầu quản trị minh bạch cho trung tâm tài chính, ông Rich McClellan, Giám đốc quốc gia, Viện Tony Blair tại Việt Nam, bổ sung, cơ chế quản trị cần tạo ra sự cân bằng, hợp lý giữa vai trò điều tiết kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Ông Rich McClellan đề xuất thiết lập cơ chế cho phép các chuyên gia trong khu vực tư nhân và chuyên gia quốc tế tham gia vào quản trị và vận hành trung tâm tài chính, có thể tham gia trực tiếp cơ cấu tổ chức của trung tâm tài chính hoặc thành lập một hội đồng cố vấn.

Hội đồng cố vấn có thể phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý trung tâm tài chính, qua đó hướng dẫn phát triển các chính sách đảm bảo phù hợp với tiêu chuẩn toàn cầu.

“Cách tiếp cận này giúp tăng cường năng lực địa phương, đảm bảo sự tự chủ về lâu dài”, ông Rich McClellan nhấn mạnh.

Phạm Sơn

Nguồn Nhà Quản Trị: https://theleader.vn/bon-dot-pha-cho-trung-tam-tai-chinh-quoc-te-o-da-nang-d38765.html