Bốn dự án BOT 'khơi thông' cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh

Bốn dự án BOT 'khơi thông' cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng vừa được Hội đồng nhân dân thành phố thông qua tại kỳ họp mới đây, vừa tạo tiền đề cho chính quyền thực hiện chủ trương đầu tư theo Nghị quyết số 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội, vừa tạo điều kiện để nhà đầu tư rót vốn đẩy nhanh tiến độ chỉnh trang hạ tầng giao thông đô thị.

Quốc lộ 22 là một trong bốn tuyến đường kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT nhằm xây dựng, mở rộng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh đi tỉnh Tây Ninh.

Quốc lộ 22 là một trong bốn tuyến đường kêu gọi đầu tư theo hình thức BOT nhằm xây dựng, mở rộng giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông ở cửa ngõ Thành phố Hồ Chí Minh đi tỉnh Tây Ninh.

Ngân sách thành phố chi đến 70% vốn đầu tư dự án

Bốn dự án BOT cửa ngõ thành phố bao gồm dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, 13, 22 và đường trục bắc nam có tổng vốn đầu tư khoảng 60.000 tỷ đồng. Thành phố chọn bốn dự án này để kêu gọi đầu tư bằng hình thức đối tác công-tư (PPP) vì các dự án đều nằm ở cửa ngõ ra vào thành phố, có mật độ phương tiện lưu thông cao, là trục đường chính từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh miền tây, miền đông.

Cụ thể, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 (từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình) sẽ xây dựng 10 làn xe; trong đó, có 3,2 km được xây dựng đường trên cao với bốn làn xe, tổng mức đầu tư khoảng 20.900 tỷ đồng.

Quốc lộ 22, đoạn từ nút giao An Sương đến đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh sẽ đầu tư mở rộng lên 10 làn xe, với mức đầu tư khoảng 10.424 tỷ đồng. Dự án nâng cấp trục đường bắc-nam (từ đường Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức-Long Thành) dài 8,6 km, đầu tư mở rộng thành 10 làn xe, có tổng mức đầu tư 9.894 tỷ đồng.

Dự án Quốc lộ 1 (từ đường Kinh Dương Vương đến ranh tỉnh Long An) có chiều dài gần 10 km, được đầu tư mở rộng lên 10-12 làn xe, tổng mức đầu tư hơn 16.285 tỷ đồng. Theo Sở Giao thông Công chính Thành phố Hồ Chí Minh, sau khi chủ trương được thông qua, bước đầu tiên thành phố sẽ tiến hành khảo sát sự quan tâm và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phù hợp, phấn đấu khởi công trước một, hai dự án trong năm 2025.

Giám đốc Sở Giao thông Công chính thành phố Trần Quang Lâm chia sẻ: Đây là các dự án giao thông được đầu tư bằng hình thức BOT trên đường hiện hữu, là cách làm mới dựa theo quy định của Nghị quyết số 98. Trong đó, thành phố được sử dụng vốn ngân sách đầu tư cho mỗi dự án lên đến 70%, còn lại là 30% nguồn vốn của nhà đầu tư.

Đơn cử, dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 có mức đầu tư khoảng 20.900 tỷ đồng, là dự án có nguồn vốn lớn nhất trong bốn dự án thì ngân sách thành phố bỏ ra khoảng 14.619 tỷ đồng (chiếm 69,95% tổng mức đầu tư bao gồm lãi vay).

Dự án mở rộng nâng cấp Quốc lộ 13 cũng được xem là trục đường huyết mạch từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Bình Dương, Đồng Nai, song việc đầu tư nâng cấp kéo dài hơn 10 năm qua do chi phí đền bù giải phóng mặt bằng quá lớn; ngoài ra, lộ giới được mở rộng tối đa bao nhiêu cũng là vấn đề thành phố chậm "chốt" nên dự án kéo dài thời gian thực hiện, kể cả chủ trương kêu gọi đầu tư.

Được lựa chọn miễn hoặc trả phí

Theo Phòng Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giao thông Công chính thành phố, điểm đặc biệt của các dự án BOT cửa ngõ này là chỉ thu phí phần đường chính-làn trên cao (làn đường đi nhanh), còn đường song hành được mở rộng và miễn thu phí; qua đó, tạo điều kiện cho người lưu thông được lựa chọn việc sử dụng công trình tương xứng với nhu cầu và túi tiền của mình.

Trong bốn dự án BOT, hai dự án được thiết kế đường trên cao là Quốc lộ 13 và trục đường bắc-nam; ngoài ra các dự án đều được đầu tư, mở rộng lên đến 12 làn xe, đáp ứng nhu cầu về hạ tầng giao thông tốc độ cao. Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết số 98 Thành phố Hồ Chí Minh ủng hộ làm đường trên cao với các dự án BOT cửa ngõ vì tránh ùn tắc.

Đồng thời, làm đường trên cao sẽ tạo sự công bằng khi sử dụng công trình, vì ai có tiền thì đi trên cao trả phí để lưu thông nhanh, ai không có tiền thì đi bên dưới không phải lo lắng. Tuy nhiên, ông Lịch mong muốn thành phố chỉ giải tỏa để làm dự án Quốc lộ 13 khi thật cần thiết nhằm giảm chi phí và thời gian bởi đụng đến công tác giải tỏa sẽ tác động không nhỏ đến đời sống của người dân.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh: "Về mặt lợi, chi phí giải phóng mặt bằng đối với các dự án thi công trên cao có thể được giảm bớt so với các dự án thi công dưới thấp; tuy nhiên, đối với cả hai phương án thi công (trên cao và dưới thấp) đều phải có chuẩn bị kỹ càng nhằm bảo đảm trật tự giao thông công cộng và bảo đảm đời sống người dân không bị xáo trộn".

Ông Hậu cũng nêu quan điểm: Liên quan phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, Thành phố Hồ Chí Minh đang trong giai đoạn gấp rút cập nhật bảng giá đất nhằm đưa giá đất về sát giá thị trường và giải quyết các vấn đề về đầu cơ đất đai, ngăn chặn trường hợp giá bất động sản tăng mạnh trong thời gian qua gây ảnh hưởng đến thị trường kinh tế, đời sống xã hội. Do đó, chính sách bồi thường cần sát với thị trường nhằm khuyến khích người dân ủng hộ chủ trương, đồng tình chính sách của nhà nước.

Ông Nguyễn Văn Long, ngụ Quốc lộ 13, phường Hiệp Bình Phước, thành phố Thủ Đức cho rằng: Việc đầu tư nâng cấp Quốc lộ 13 là việc bức bách vì lâu nay người dân sinh sống hai bên quốc lộ hằng ngày phải lưu thông giữa các dòng xe tải, xe khách nườm nượp. Nay thành phố có chủ trương đầu tư thì nên triển khai nhanh, sớm công bố quy hoạch lộ giới cũng như việc thu hồi đất để người dân biết sớm...

Theo tính toán của Ủy ban nhân dân Thành phố, tổng kinh phí dự kiến thực hiện công tác đền bù giải tỏa đối với bốn dự án BOT giao thông cửa ngõ là 31.800 tỷ đồng trên tổng mức đầu tư khoảng 57.500 tỷ đồng.

QUÝ HIỀN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/bon-du-an-bot-khoi-thong-cua-ngo-thanh-pho-ho-chi-minh-post861499.html