Bốn dự án điện gió gặp khó ở Quảng Trị
Nhiều dự án điện gió ở tỉnh Quảng Trị đang xin gia hạn tiến độ hoàn thành do gặp nhiều khó khăn trong quá trình triển khai.
Các dự án bị ảnh hưởng bao gồm LIG Hướng Hóa 1, Hải Anh, Hướng Linh 5, Hướng Linh 4 và Hướng Phùng 1. Được phê duyệt đầu tư từ 3-4 năm trước, các dự án này đã gặp phải những trở ngại như đại dịch Covid-19, vấn đề giải phóng mặt bằng, quy định mới về Luật Đất đai và thời gian chờ đợi cơ chế giá của nhà nước kéo dài.
Khó khăn nổi bật là việc chờ đợi hướng dẫn đàm phán giá điện.
Sau khi kết thúc cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió theo Quyết định 39/2018 của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 15/2022 vào tháng 10/2022, quy định phương pháp xác định khung giá phát điện cho các dự án điện gió và điện mặt trời chuyển tiếp.
Tháng 1/2023, Bộ Công Thương ban hành Quyết định 21, thiết lập khung giá phát điện cho các dự án này để làm cơ sở cho Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các nhà đầu tư đàm phán giá điện và đưa nhà máy vào vận hành.
Tuy nhiên, giá này không được các nhà đầu tư đồng ý, dẫn đến việc Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương sửa đổi Thông tư 15/2022 và Quyết định 21 vào tháng 5/2023.
Các dự án đã hoàn thành thủ tục đầu tư và có trong quy hoạch điện VII điều chỉnh sẽ được xem xét điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Tại Quảng Trị, Công ty CP Điện gió Hướng Linh 4, chủ đầu tư dự án điện gió Hướng Linh 4, cho biết đã nộp đủ hồ sơ và hoàn thành họp đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện với Công ty Mua bán điện (EPTC). Theo đó, giá mua điện chính thức sẽ được thống nhất theo hướng dẫn/quyết định của cấp thẩm quyền.
Chủ đầu tư đánh giá cơ chế giá bán điện cũng như việc đàm phán thống nhất giá hiện vẫn còn bất cập. Thời gian hoàn thành đàm phán dự kiến sẽ kéo dài, ảnh hưởng lớn tới quá trình triển khai và vay vốn ngân hàng của dự án.
Với mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng, dự án điện gió cần nhập khẩu 100% thiết bị turbine gió từ nước ngoài với chi phí đầu tư cao. Phần lớn nguồn vốn đến từ vay các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, tiếp cận nguồn vốn vay rất khó do cơ chế đàm phán giá điện còn nhiều bất cập, khiến ngân hàng chưa thể đánh giá hết các yếu tố rủi ro của dự án, theo Công ty CP Điện gió Hướng Linh 4.
Đây là lý do chính khiến chủ đầu tư kiến nghị gia hạn tiến độ đưa nhà máy vào vận hành thương mại đến tháng 12/2024, tức lùi 12 tháng so với lần điều chỉnh gần nhất hồi tháng 5/2023.
Nếu được gia hạn, chủ đầu tư cam kết đưa nhà máy vào vận hành thương mại với giá mua điện tạm thời bằng 50% giá trần của khung giá phát điện gió trong đất liền tại Quyết định 21 của Bộ Công Thương, tức khoảng 794 đồng/kWh.
Tương tự, Công ty Cổ phần Phong điện Hải Anh - Quảng Trị đề xuất giãn tiến độ thực hiện dự án điện gió Hải Anh đến tháng 9/2025 để hoàn thành nghiệm thu và phát điện thương mại.
Tuy nhiên, đề xuất này bị bác bỏ do dự án vẫn còn thời hạn đến tháng 12/2024 theo điều chỉnh gần nhất của UBND tỉnh, để thực hiện theo tiến độ quy định. Dự án này có công suất 40MW, tổng mức đầu tư khoảng 1.570 tỷ đồng.
Trường hợp đáng chú ý là dự án điện gió LIG Hướng Hóa 1 do Công ty CP LIG - Hướng Hóa 1 đảm nhận. Với công suất 48MW, tổng mức đầu tư trên 2.100 tỷ đồng, LIG Hướng Hóa 1 được bổ sung vào quy hoạch điện VII điều chỉnh từ 4 năm trước. Theo điều chỉnh chủ trương lần 2, dự án dự kiến hoàn thành vào tháng 4/2025.
Điểm thắt lớn nhất của dự án là đền bù và giải phóng mặt bằng. Gần 11 tháng kể từ khi có quyết định phê duyệt kinh phí bồi thường, tổng diện tích thu hồi chỉ đạt khoảng 58%.
Chủ đầu tư cho biết tổ công tác tháo gỡ khó khăn giải phóng mặt bằng vẫn chưa được thành lập, mặc dù Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng đã chỉ đạo cụ thể hơn một tháng trước đó.
Ngoài ra, khó khăn còn đến từ các hộ dân không đồng thuận và yêu cầu mức giá bồi thường quá cao, cùng việc Ban Quản lý rừng phòng hộ Hướng Hóa - Đăkrông và đơn vị khai thác rừng chưa ký hợp đồng, dẫn đến việc không bàn giao mặt bằng sạch cho chủ đầu tư như yêu cầu của UBND tỉnh.
Những vấn đề trên ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ dự án, rõ nhất là thời điểm khởi công dự án đã chậm khoảng bốn tháng và có thể kéo dài thêm, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả kinh tế của dự án.
Chủ đầu tư cho biết tổng thầu và nhà thầu tư vấn giám sát đã rút khỏi dự án vì không có mặt bằng sạch để triển khai. Phần lớn đơn đặt hàng và mua sắm thiết bị bị tạm dừng giao hàng, có thể vi phạm điều khoản hợp đồng và bị phạt tới 10% giá trị gói thầu EPC.
Từ tháng 5 vừa qua, với một số thiết bị chính đã sản xuất, chủ đầu tư dự tính sẽ phải đối diện với chi phí lưu kho tại cảng, có thể lên tới vài chục tỷ đồng cho 15 ngày chậm rời kho bãi.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/bon-du-an-dien-gio-gap-kho-o-quang-tri-1718432003432.htm