Bốn góc nhìn và đề xuất của chuyên gia

Trong chi tiêu bình quân của hộ gia đình, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 3,3%; lương thực ăn uống: 40%; nhà ở, vật liệu xây dựng: 10%; đi lại: 8,8%; giáo dục: 5,7%.

Phải có lộ trình tăng giá điện, nước

Việc tăng giá điện cũng như một số giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến lạm phát tăng cao, tạo nên gánh nặng tiêu dùng của người dân là điều chắc chắn. Cho nên việc tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước phải có một lộ trình tăng như thế nào hợp lý, đưa ra mục đích cuối cùng là tăng bao nhiêu, công khai minh bạch thì dân mới rõ, tránh tâm lý đẩy giá các mặt hàng khác tăng ăn theo.

Việc nâng tỉ giá đồng đô trên thực tế không ảnh hưởng nhiều bằng việc tăng giá điện và giá cả một số mặt hàng thiết yếu. Lâu nay trên thị trường, tỉ giá đồng đôla đã ở mức như vừa điều chỉnh rồi. Việc điều chỉnh vừa rồi chỉ để hợp thức hóa với thực tế lâu nay.

Ông LÊ ĐÌNH ÂN, nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia

Chắc chắn có mặt bằng giá mới

Trong chi tiêu bình quân của hộ gia đình, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 3,3%; lương thực ăn uống: 40%; nhà ở, vật liệu xây dựng: 10%; đi lại: 8,8%; giáo dục: 5,7%.

Sắp tới, một loạt các mặt hàng thiết yếu đầu vào của sản xuất như điện, giá nước sạch… sẽ tăng. Chắc chắn mặt bằng giá mới sẽ được thiết lập, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân.

Về mức tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong tháng 1 là 1,74% chưa thể nói lên nhiều điều về bức tranh kinh tế của cả năm. Hiện Tổng cục Thống kê đang tổng hợp số liệu về CPI của tháng 2. Dự báo mà Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đưa ra con số 1,8%-2% cho thấy mức tăng giá khá cao. Ước tính, mức tăng giá hai tháng đầu năm sẽ là khoảng 3,5%, chiếm 50% chỉ tiêu của cả năm vì mục tiêu tăng giá năm 2011 chỉ 7%. Như thế, nguy cơ lạm phát rình rập. Tuy nhiên, việc thắt chặt tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước cho thấy chúng ta đang quyết tâm chống lạm phát. Chính sách có độ trễ, khi thắt chặt tiền tệ thì 4-6 tháng sau mới phát huy tác dụng.

Ông NGUYỄN ĐỨC THẮNG, Vụ phó Vụ Thống kê Thương mại, Dịch vụ và Giá cả (Tổng cục Thống kê)

Điều chỉnh mức đánh thuế thu nhập cá nhân

Thủ tướng vừa có quyết định tăng giá điện 15,28% so với trước, thay vì tăng 18% theo đề xuất của Bộ Công Thương hay 40% theo đề nghị của ngành điện. Như vậy rõ ràng là Thủ tướng đã có cân nhắc rất kỹ trước khi có quyết định tăng giá để không làm xáo trộn kinh tế vĩ mô và ảnh hướng nhiều tới đời sống người dân.

Việc tăng giá xăng dầu trong thời gian tới là điều không thể tránh khỏi, tuy nhiên cần phải cân nhắc tăng lúc nào, tăng bao nhiêu. Nghĩa là Chính phủ phải tính toán hiệu ứng sự tăng giá đó như thế nào đối với doanh nghiệp, người dân.

Chính phủ cũng cần đưa ra giải pháp tổng thể nhằm ổn định kinh tế vĩ mô. Như cuộc họp chính phủ vừa rồi, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp như cắt giảm 10% ngân sách. Tuy nhiên, việc cắt giảm 10% ngân sách ở khu vực nào mới là điều đáng nói. Cần phải rà soát lại toàn bộ khu vực đầu tư và cương quyết cắt giảm những dự án có quy mô đầu tư lớn nhưng không hiệu quả để không làm ảnh hưởng nền kinh tế.

Chính phủ cũng nên thông báo đầy đủ hơn về việc tăng giá này ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế, doanh nghiệp và đời sống người dân. Hiện nay cơ quan chức năng mới chỉ thông tin với việc tăng giá điện thì người dùng dưới 50 kWh sẽ bị tăng thêm khoảng 5.000 đồng. Nhưng đấy là giá tăng trực tiếp từ điện chứ chưa nói đến việc tăng giá điện sẽ gây phản ứng tăng giá các mặt hàng khác như thế nào. Sự thật thì khi giá điện tăng, ngoài tiền trả thêm cho điện thì hằng tháng người thu nhập thấp phải trả thêm rất nhiều khoản từ việc tăng giá điện nữa.

Một mặt khác, Chính phủ nên đưa ra cam kết về lộ trình giá của các mặt hàng thiết yếu. Liệu đây có phải là lần duy nhất tăng giá điện trong năm nay hay không, hay là vài tháng nữa khi giá than tăng lên, Nhà nước lại điều chỉnh giá tiếp? Nếu không có sự cam kết trên thì doanh nghiệp, người dân còn sống trong tâm trạng bất an, từ đó dẫn tới mất niềm tin về đồng tiền Việt Nam và góp phần đẩy giá các mặt hàng lên.

Trong lúc này ta cũng cần điều chỉnh Thuế Thu nhập cá nhân (TNCN). Quy định người có thu nhập từ 4 triệu đồng trở lên phải chịu thuế không còn phù hợp và không tính tới sự trượt giá của đồng tiền. Điều này gây ra khó khăn cho người thu nhập thấp hoặc trung bình. Nên nhớ Thuế TNCN chỉ đánh vào những đối tượng có thu nhập khá trở lên. Còn trong tình hình kinh tế của nước ta hiện nay, người thu nhập trung bình và thấp vẫn cần nhiều sự giúp đỡ.

Bà PHẠM CHI LAN, Chuyên gia kinh tế

Giảm bội chi, bớt nhập siêu

Nhằm bảo đảm cuộc sống của người dân, Nhà nước phải giải quyết cái gốc đó chính là sự mất cân đối của kinh tế vĩ mô. Theo đó, Nhà nước phải giảm bội chi ngân sách, có chính sách phù hợp về tiền tệ, bớt nhập siêu… Khi kinh tế vĩ mô ổn định thì tất yếu lạm phát sẽ được kiềm chế, từ đó đời sống của người dân mới được cải thiện. Những biện pháp như hoãn hay giảm Thuế TNCN sẽ là nhất thời và tình thế mà thôi…

Ông NGÔ TRÍ LONG, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

T.HẰNG - L.THANH - T.HIẾU

Nguồn PLO: http://www.phapluattp.vn/20110222123937890p0c1014/bon-goc-nhin-va-de-xuat-cua-chuyen-gia.htm