Mang 'nghĩa đồng bào' lên vùng lũ: Dân gửi xã tiền hỗ trợ làm nhà
Cầm trên tay khoản tiền hỗ trợ xây nhà, các hộ dân ở Nguyên Bình xúc động khi sắp có nhà mới để ổn định cuộc sống.
Ngay sau đó, dưới sự chứng kiến của nhà tài trợ, lãnh đạo huyện, khoản tiền này đã được dân tin tưởng giao cho UBND các xã, thị trấn cất giữ để chính quyền bắt tay ngay vào việc dựng lại các ngôi nhà mới…
Nhà cửa, tài sản đều trôi theo dòng lũ
Đến xóm Lũng Lỳ, Lũng Súng, xã Ca Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, chúng tôi không cầm được nước mắt khi có những hộ mất sạch nhà cửa sau lũ quét. Nhưng so với những hộ mất cả chồng, con hoặc anh em trong gia đình thì nỗi đau đó vẫn chưa thể so sánh.
Đường vào đây, chỉ vài ngày trước còn sạt lở, đi lại khó khăn. Nhưng sau mấy ngày nắng ráo, xe múc, xe cẩu liên tục san gạt đất lở thì các đoàn cứu trợ đều có thể vào đến tận nhà dân.
Nhiều người đang phải tá túc trong những túp lều tạm, hoặc chen chúc ở nhờ nhà người thân.
Sống cùng vợ, mẹ già và 2 con trong lều bạt dựng tạm cạnh quốc lộ 34, anh Bàn Sành Vần (SN 1985, trú thôn Nặm Sâu, thị trấn Tĩnh Túc) kể, tối 8/9, anh đi làm thuê tại thôn khác, bị nước lũ chia cắt nên không về nhà được.
"Sáng hôm sau, khi về nhà tôi bàng hoàng phát hiện căn nhà cùng mọi tài sản của mình đã bị vùi lấp hoàn toàn. Rất may, mẹ tôi cùng vợ và các con đều đã đến nhà người thân ngủ nhờ từ tối hôm trước", anh kể.
Chị Lý Mùi Xiết (SN 1988, vợ anh Vần) cho biết thêm: "Gia đình tôi nghèo nhất thôn, căn nhà cũng mới được chính quyền và bà con hỗ trợ xây dựng từ năm trước. Không biết đến khi nào mới lại có nhà để ở".
Cách đó không xa, anh Đặng Hữu Chương (SN 2000, ở xóm Lũng Súng, xã Yên Lạc) cũng trắng tay hoàn toàn sau mưa lũ. Đất đá từ sau nhà sạt xuống khiến căn nhà bị sập hoàn toàn, 3 người trong gia đình đều bị thương nặng.
"Bố tôi bị chấn thương sọ não, mẹ tôi gãy 8 xương sườn, tràn dịch màng phổi. Em trai tôi cũng bị chấn thương tại vùng đầu.
Hiện căn nhà và toàn bộ tài sản đã bị vùi lấp hết. Ngay cả đồ ăn, thức uống đều phải nhờ vào các nhà hảo tâm. Hiện tôi chỉ mong có tiền chữa trị cho 3 người thân tại bệnh viện", anh Chương ngậm ngùi.
Theo thống kê, huyện Nguyên Bình có 54 người chết, 2 người vẫn đang mất tích, 18 người bị thương, 28 hộ mất nhà ở, 436 hộ phải di dời.
Những món quà nghĩa tình
Trong các ngày 18-19/9, đoàn công tác của Báo Giao thông do Tổng biên tập Nguyễn Thị Hồng Nga cùng đại diện Tổng công ty Xây dựng số 1 - CTCP (CC1), nhãn hiệu thời trang Torano, Công ty TNHH Infinity Logistics, Công ty Thuốc Long Châu FPT, Sở GTVT Cao Bằng đã trực tiếp về huyện Nguyên Bình thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân.
Bà Nga thay mặt các nhà hảo tâm đã quyên góp qua Báo, trao tặng tiền hỗ trợ xây nhà cho 2 hộ gia đình có nhà bị vùi lấp ở thị trấn Tĩnh Túc.
Số tiền hỗ trợ mỗi ngôi nhà là 70 triệu đồng; trao 100 đèn năng lượng cho các hộ phải di dời, đang phải sống trong lều bạt. Đồng thời, chuyển tới tay người dân 200 suất thuốc men dự phòng từ Công ty Thuốc Long Châu FPT và một số quần áo, sữa, vở học sinh…
Cùng đó, CC1 cũng trao tiền hỗ trợ xây dựng nhà nghĩa tình cho 7 hộ gia đình bị mất nhà hoàn toàn ở thị trấn Tĩnh Túc và xã Ca Thành; trao 200 suất quà, mỗi suất trị giá 1 triệu đồng cho 200 hộ dân của xã Yên Lạc và Ca Thành...
Ngoài ra, nhãn hiệu thời trang Torano đã trao tặng bà con 2.000 áo phông.
Tổng giá trị cả tiền mặt và hàng hóa hỗ trợ bà con khoảng 1 tỷ đồng.
Chia sẻ với những đau thương, mất mát của bà con huyện Nguyên Bình, bà Nga cũng cảm ơn các nhà tài trợ, chính quyền địa phương đã phối hợp hỗ trợ người dân vơi bớt khó khăn.
Cách làm sáng tạo
Bí thư Huyện ủy Nguyên Bình Phạm Xuân Tùng chia sẻ, huyện có rất nhiều trường hợp cần được xây mới nhà để người dân sớm ổn định cuộc sống.
Hiện các trường hợp có người thân mất và nhà bị sạt lở hoàn toàn cơ bản đã nhận được hỗ trợ. Tuy nhiên, các nhà thuộc diện bị di dời vì nhà lún, nứt thì chưa có nguồn lực để xây nhà mới. Do vậy, huyện nỗ lực kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay.
"Nhiều mạnh thường quân muốn trao tận tay cho người dân, trong khi nhiều gia đình hiện không còn chỗ ở, phải đi ở nhờ nên việc cất giữ số tiền lớn gặp khó.
Các hộ đều rơi vào cảnh túng quẫn nên khó bảo đảm số tiền hỗ trợ sẽ sớm xây được nhà. Hơn nữa, nguyên vật liệu, tiền công xây dựng hiện khá cao, số tiền hỗ trợ chưa thể bảo đảm đủ kinh phí xây dựng", ông Tùng lý giải.
Theo ông Tùng, huyện Nguyên Bình đã thuyết phục bà con giao lại tiền cho chính quyền giữ hộ. Huyện, xã cam kết sử dụng tiền đúng mục đích. Đồng thời, sẽ vận động thêm kinh phí, nhân công để đảm bảo người dân có được những căn nhà mới kiên cố.
"Đây là cách làm xuất phát từ nhu cầu thực tế đang diễn ra tại địa phương. Việc này bảo đảm công khai, minh bạch, được lập thành biên bản, được giám sát chặt chẽ", ông Tùng khẳng định và chia sẻ thêm, mong việc làm ý nghĩa này sẽ lan tỏa để các đơn vị, tổ chức, các mạnh thường quân tiếp tục đến hỗ trợ, giúp có thêm nhiều hộ dân sớm ổn định cuộc sống.
Phỏng vấn người dân và chứng kiến cách làm được họ đồng lòng như trên, bà Nguyễn Thị Hồng Nga và các nhà tài trợ có mặt tại rốn lũ quét Nguyên Bình tin tưởng sẽ có nhiều nhà tài trợ biết và trực tiếp đến hỗ trợ bà con nơi đây và mong rằng chính quyền các nơi khác cũng sáng tạo, trách nhiệm để trở thành chỗ dựa tin cậy cho bà con.
Cầu vận chuyển miễn phí đưa 160 tấn hàng đến với vùng lũ
Từ ngày 12/9, Báo Giao thông phối hợp với Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam phát động chương trình lập "Cầu vận chuyển miễn phí hàng cứu trợ nhân dân vùng bão lũ", với sự tham gia đồng hành của các doanh nghiệp vận tải.
Theo đó, các doanh nghiệp vận tải bố trí phương tiện, nhân lực thường trực để kịp thời vận chuyển hàng cứu trợ của các mạnh thường quân, nhà hảo tâm tới các tỉnh, thành đang chịu ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.
Sau 7 ngày triển khai, cầu vận chuyển đã đưa hơn 160 tấn hàng cứu trợ xuyên đêm, vượt mưa lũ tới đồng bào đang gặp khó khăn.
Chương trình nhận được sự tham gia nhiệt tình của Công ty Cổ phần Quốc tế Delta, Công ty TNHH Alphat Việt Nam, nhà xe Sao Việt, Văn Minh, Công ty Đầu tư xuyên Á Khải Long và nhiều doanh nghiệp vận tải khác.