Bốn nguyên tắc xử lý tài sản mua, tiếp nhận của DATC
Có hiệu lực từ ngày 10/12/2020, Nghị định số 129/2020/NĐ-CP, ngày 27/10/2020 của Chính phủ quy định về chức năng, cơ chế hoạt động của Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC) đã nêu rõ 04 nguyên tắc xử lý tài sản mua, tiếp nhận
Cụ thể, theo Điều 19 Nghị định 129/2020/NĐ-CP quy định nguyên tắc xử lý tài sản mua, tiếp nhận như sau:
Thứ nhất, tài sản phải được đánh giá lại giá trị thông qua tổ chức tư vấn có chức năng thẩm định giá theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp và làm cơ sở để xử lý theo quy định tại Điều 18 Nghị định này. Trường hợp sử dụng tài sản, dự án để hợp tác kinh doanh, góp vốn cổ phần, liên doanh, liên kết thì giá trị góp vốn thực hiện theo nguyên tắc đồng thuận giữa các bên nhưng không thấp hơn giá trị được tổ chức tư vấn định giá lại.
Thứ hai, tổ chức bán đấu giá công khai, chào giá cạnh tranh hoặc thỏa thuận trực tiếp theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ ba, đối với tài sản tiếp nhận được DATC sử dụng vào mục đích kinh doanh thì DATC nộp tiền về ngân sách nhà nước theo quy định của Chính phủ về quản lý, sử dụng nguồn thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp tương ứng với giá trị tài sản định giá lại sau khi trừ (-) đi chi phí chuyển trả cho doanh nghiệp giữ hộ tài sản trước khi bàn giao cho DATC và các chi phí liên quan đến việc DATC tiếp nhận, định giá tài sản.
Thứ tư, đối với tài sản mua, tiếp nhận theo chỉ định, DATC căn cứ vào phương án mua, bán, xử lý tài sản chỉ định đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt (nếu có) và các hình thức, nguyên tắc xử lý tài sản quy định tại Điều 18 và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 19 Nghị định này để xử lý.
Trường hợp DATC tiếp nhận tài sản theo chỉ định để xử lý, thu hồi cho Nhà nước thì được hưởng phí xử lý tài sản theo hướng dẫn của Bộ Tài chính trên nguyên tắc bù đắp đủ chi phí xử lý tài sản cộng (+) một phần chi phí quản lý.