Bốn nhà khoa học nữ thế giới có đóng góp lớn cho công nghệ quân sự

Nhiều nhà khoa học nữ nổi danh trong lĩnh vực công nghệ quân sự - lĩnh vực mà có vẻ như không dành cho 'phái đẹp'.

Jeanne Beadle - "Quý bà Ắc quy"

Người phụ nữ có biệt danh "Quý bà Ắc quy", sinh ra ở Philadelphia năm 1915. Cha bà là một kỹ sư luyện kim. Khi còn nhỏ, cô bé Jeanne cùng cha mẹ chuyển đến Thủ đô nước Mỹ - nơi cô đã tốt nghiệp Đại học, trở thành kỹ sư hóa học. Sau khi kết hôn, Jeanne cùng chồng về tiểu bang quê hương sống một thời gian. Tại đây, Beadle đã được ghi danh học Thạc sĩ, đồng thời làm việc tại Phòng thí nghiệm Peacock. Trở thành góa phụ vào năm 1946, người phụ nữ đã dành sức lực của mình cho khoa học và trở thành một nhà hóa học tại Phòng thí nghiệm Nghiên cứu Hải quân (Naval ResearchLaboratory - NRL).

J. Beadle làm việc tại NRL; Nguồn: militaryexp.com

J. Beadle làm việc tại NRL; Nguồn: militaryexp.com

Joan Clark - Nhà mật mã tài năng

Joan Clark sinh ra ở thủ đô của Vương quốc Anh năm 1917 - là đứa con thứ năm trong gia đình giáo sĩ, trở nên nổi tiếng trong lĩnh vực giải mã, góp phần rất lớn vào chiến thắng của Anh trong cuộc chiến với nước Đức phát xít. Để mã hóa các bức điện của quân đội và hải quân, người Đức đã sử dụng một máy quay đặc biệt có tên là Enigma. Với mục đích giải mã, họ đã tạo ra một thiết bị có tên là “bom phân tích mật mã”. Để tăng tốc độ giải mã, “bom” cần được hỗ trợ bằng cách điều chỉnh một cách thích hợp. Nhằm mục đích này, dựa trên phân tích các tin nhắn trong quá khứ, cần phải dự đoán nội dung có khả năng nhất của tin nhắn tiếp sau.

Chuyên gia mật mã J. Clark; Nguồn: militaryexp.com

Chuyên gia mật mã J. Clark; Nguồn: militaryexp.com

Joan đã vượt trội so với các nhà phân tích mật mã khác trong lĩnh vực này. Bằng cách giải mã các thông điệp quân phát xít, kể từ cuối mùa thu năm 1941, người Anh đã có thể giảm trọng tải tàu bị phá hủy hơn bốn lần - từ 282.000 xuống còn 62.000 tấn mỗi tháng. Năm 1946, Clark trở thành chủ nhân Huân chương Đế chế Anh. Sau chiến tranh, bà làm việc tại một cơ quan nhà nước (bảo vệ các kênh thông tin nhà nước và quân đội). Tại đây Joan đã gặp người chồng tương lai của mình - Trung tá J. Murray, họ sống một cuộc đời đầy biến cố; bà qua đời vào năm 1996.

Mary Sherman – “Cô gái tên lửa”

Mary Sherman được biết đến như là "cô gái tên lửa" - nhà khoa học nữ đầu tiên ở Mỹ làm việc trong lĩnh vực chế tạo tên lửa. Tiểu sử của cô khá điển hình: sinh năm 1921 trong một gia đình nông dân đông con, tốt nghiệp trung học, và trở thành sinh viên tại một trường đại học công lập. Trong chiến tranh, ngành công nghiệp quân sự đã trưng dụng tất cả những người có kiến thức hóa học, Mary học đại học, vì vậy, được điều chuyển về một nhà máy thuốc nổ với nhiệm vụ tạo ra các loại chất nổ mới.

M. Sherman trong một buổi họp báo; Nguồn: militaryexp.com

M. Sherman trong một buổi họp báo; Nguồn: militaryexp.com

Sau đó, Sherman có việc làm trong một công ty chuyên sản xuất động cơ tên lửa và nhiên liệu. Mary là người phụ nữ duy nhất trong số 900 kỹ sư, không những thế, bà thậm chí còn chưa tốt nghiệp đại học. Chính Mary Sherman là người đã tạo ra nhiên liệu Hydyn, cho phép tên lửa Jupiter-S phóng vệ tinh đầu tiên của Mỹ trên quỹ đạo thấp của Trái Đất vào năm 1958.

Sinh ra để làm ngọn lửa

Tessi Thomas - người tạo ra các hệ thống điều khiển tên lửa - sinh năm 1963 tại bang Kerala (Ấn Độ), trong một gia đình Kitô giáo Syria. Mẹ của cô là giáo viên phổ thông - nơi con gái bà đã thể hiện kết quả học tập tuyệt vời, đặc biệt là đối với toán điều, khiến gia đình quyết định vay một khoản tiền tại tổ chức tín dụng nhà nước Ấn Độ để cô theo học đại học. Năm 1988, ở tuổi 25, cô gia nhập DRDO - một Trung tâm chuyên nghiên cứu trong lĩnh vực quốc phòng, bao gồm phát triển các tên lửa đạn đạo mới nhất.

Chân dung T. Thomas; Nguồn: militaryexp.com

Chân dung T. Thomas; Nguồn: militaryexp.com

Thomas là người phụ trách tạo ra các tên lửa mới nhất cho Ấn Độ - phiên bản thứ tư và thứ năm của Agni - và tiếp tục hoạt động trong lĩnh vực này. Trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ, cô có biệt danh là "Agniputri" - "sinh ra để làm ngọn lửa". Tổ chức khoa học nữ quốc gia IWSA đã vinh danh Tessi là hình mẫu cho những người phụ nữ Ấn Độ khác - cống hiến cả cuộc đời mình cho khoa học. Thomas đã đạt được thành công xuất sắc trong lĩnh vực chuyên môn và đồng thời làm tốt vai trò một người vợ và người mẹ.

Theo Lê Ngọc/VOV

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/quoc-te/bon-nha-khoa-hoc-nu-the-gioi-co-dong-gop-lon-cho-cong-nghe-quan-su/20200316104057143