Bốn nước NATO vung tay 'tậu' 1.000 tên lửa Patriot, kéo luôn về châu Âu sản xuất
Reuters dẫn thông báo của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ngày 3/1 cho hay, liên minh quân sự này sẽ hỗ trợ 4 thành viên Đức, Hà Lan, Romania và Tây Ban Nha trong hợp đồng mua 1.000 tên lửa phòng không Patriot của Mỹ.
Theo thông báo, NATO đã trao hợp đồng sản xuất và giao hàng cho cơ sở sản xuất tên lửa COMLOG ở Đức, vốn là liên doanh giữa tập đoàn quốc phòng Raytheon của Mỹ và nhà sản xuất tên lửa MBDA của châu Âu .
Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Kajsa Ollongren cho hay, với hợp đồng này, châu Âu sẽ là nơi sản xuất ra 1.000 tên lửa phòng không Patriot.
NATO nêu rõ: “Hợp đồng mua sắm đa quốc gia thống nhất, theo tinh thần của Sáng kiến Lá chắn bầu trời châu Âu (ESSI), mang lại lợi thế về giá cả và hỗ trợ mở rộng năng lực sản xuất tên lửa GEM-T mới để đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng”.
NATO cũng cho biết, việc bổ sung tên lửa Patriot là nhằm tăng khả năng phòng không của liên minh.
Ước tính, mỗi tên lửa Patriot có trị giá khoảng 4 triệu USD. Theo các nguồn tin trong ngành, hợp đồng trên có thể trị giá khoảng 5,5 tỷ USD, bao gồm cả các thiết bị thử nghiệm và phụ tùng thay thế để bảo trì trong tương lai.
Các đồng minh trong NATO bao gồm Mỹ và Đức đã gửi các hệ thống Patriot do Mỹ sản xuất tới Ukraine nhằm giúp Kiev ứng phó chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga.
Tuy nhiên, việc chuyển giao tên lửa cho Kiev đã làm cạn kiệt nguồn dự trữ của phương Tây và buộc Mỹ phải chuyển sang các đồng minh như Nhật Bản để giúp bổ sung kho dự trữ.
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ từ lâu đã được NATO đánh giá là một trong những hệ thống phòng thủ tên lửa hiệu quả nhất thế giới. Tổ hợp này bao gồm các radar phát hiện và giám sát tên lửa, thiết bị điều khiển và bệ phóng tên lửa đánh chặn có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao và khoảng cách xa.
Patriot cũng được kỳ vọng là vũ khí có thể thay đổi đáng kể cục diện trên bầu trời Ukraine, nhờ năng lực chiến đấu vượt trội so với các hệ thống phòng không mà Washington từng chuyển cho Kiev.