Bốn tháng phụ hồ

Anh làm thợ phụ 3 năm/ bàn tay anh cầm em tưởng khúc cây - những lúc giải lao hoặc rượu vào ba mớ, ông anh làm chung tôi lại đọc câu thơ để than cho cái phận mình. Anh nói chẳng sai, bởi người làm hồ có thâm niên, da bàn tay thô ráp, dày cộm. Lại có người nói: 'Cùng đường mới chọn nghiệp culi (phụ hồ)' bởi xã hội quan niệm nghề này rất 'bòn' sức trong khi thu nhập đôi lúc bấp bênh và nguy hiểm cận kề.

Tôi chọn làm hồ bởi xin việc rất đơn giản. Biết nghề này cần sức khỏe, tôi phơi nắng mấy bữa cho da đen, kiếm chỗ hít đất vài hơi cho cơ bắp nở nang rồi mới vào gặp ông thầu. Gọi là ông nhưng anh này chưa đến 40, bởi "dãi nắng dầm sương" nên già trước tuổi. Nhìn tướng tôi khỏe khoắn, dáng “chịu làm” nên anh chỉ hỏi vài ba câu là "chốt sổ".

Nghề nào cũng có sự vất vả riêng. Nghề phụ hồ cũng vậy nhưng thu nhập đủ trang trải cuộc sống

Nghề nào cũng có sự vất vả riêng. Nghề phụ hồ cũng vậy nhưng thu nhập đủ trang trải cuộc sống

Nghe tôi phụ hồ ở xã Bình Đức (huyện Bến Lức, tỉnh Long An), má bỏ theo cái mùng trong giỏ cơm, sợ muỗi. Trong trí nhớ má, xứ này lùm bụi rậm rạp, cây cối um tùm. Ngày xưa, mỗi lần má theo ba lên đây mua khoai mì là phải đi xuồng vì cầu chưa có, cực khổ trần ai nhưng giờ, từ nhà tôi lên chỗ làm đường nhựa phẳng lì, 2 chiếc xe ben mấy chục tấn chạy ngược chiều nhau không cần giảm tốc. Ai đi Đường tỉnh 816, gần cầu Bà Thiện có con đường bêtông rộng thênh thang là gần chỗ tôi làm.

Anh Cao Hoàng Thanh là thầu kiêm luôn chủ nhà. Quê anh ở đất Gò Công (tỉnh Tiền Giang), lên đây làm rồi lấy vợ, sinh con. Long An trở thành quê hương thứ 2 của anh. Mọi người quen gọi anh là ba Khía, con anh là thằng Cua. Anh nói, vậy cho gần gũi, nhưng lúc ngà ngà say, anh khai thiệt, số là lúc mới quen chị, anh nghèo xác xơ, lấy nhau rồi cũng chưa khá mấy, bắt cá, mò cua đắp đổi qua ngày. Thằng Cua ra đời, trở thành ngọn lửa thắp sáng đời anh chị, tiếp thêm động lực để họ vươn lên, cất nhà cửa khang trang, để tôi có việc làm.

Chú Năm Mập hỏi: “Đó giờ có làm đâu chưa?”. Tôi đáp “dạ chưa”. Nghe tôi dạ thưa, chú tủm tỉm cười, coi như chuyện lạ đời, bởi xưa giờ có ai mần hồ mà ăn nói vậy đâu. Tôi cũng chẳng khai có bằng đại học, vì có khi nó trở thành bức tường vô hình giữa tôi và họ. Người làm hồ ăn nói gọn lỏn, đôi lúc bửa củi phang ngang. Dù tâm lý sẵn sàng nhưng giai đoạn đầu tôi vẫn chưa chấp nhận được.

Chú Năm Mập vui thì cười hề hề chứ mệt lên là nói chuyện như chửi. Nhưng dần dần tôi cũng “nhiễm” tính cách đó. Giữa cái nắng gần 40 độ, làm việc nặng, mồ hôi đổ ròng ròng, hơi sức đâu mà nói “có dây có nhợ”, phải tập trung vô chủ đề, nói những điều cần nói.

Sau này, tôi hiểu ra, bởi điều kiện, tính chất công việc hình thành nên tính cách bộc trực, thẳng thắn của họ. Người có tánh tự ái vào công trường lúc ai cũng vã mồ hôi, nghe “chửi” đôi ba câu là hậm hực bỏ về. Bởi vậy, công trường với tôi là nơi rèn luyện, nơi dằn bớt cái tính ngạo mạn, nơi tôi hiểu (rồi thương) những người chịu xấu mình cho đời thêm đẹp.

Nghề phụ hồ vất vả nhưng nếu biết tiết kiệm, vun vén thì cuộc sống cũng ổn

Nghề phụ hồ vất vả nhưng nếu biết tiết kiệm, vun vén thì cuộc sống cũng ổn

Tôi vô ngay đợt đổ móng nhà, hôm ấy chúng tôi trộn gần 50 cối bêtông. Mỗi cối gồm 7 thùng đá, 5 thùng cát, 1 bao ximăng và khoảng 2 thùng nước. Tôi đẩy xe rùa trên con đường sình lầy lót ván ép, té ạch đụi không biết bao nhiêu lần. Chiều hôm ấy, chủ nhà cho nghỉ sớm, anh vỗ vai tôi hỏi “ổn không?”. Tôi nhìn đôi mắt đầy sự cảm thông kia rồi khẽ gật đầu.

Anh nói: “Xưa tao cũng vậy, mà hồi đó tao đẹt chét chứ đâu được như mày. Ráng lên!”. Làm lâu, lân la hỏi chuyện các chú, các anh, tôi mới biết xưa anh Thanh khổ lắm. Nhà nghèo, ít chữ, từ quê lên xứ lạ không biết làm gì ngoài phụ hồ. Lúc đó, họ trả anh ngày 30.000 đồng. Anh đi làm bị người ta ăn hiếp. Trong nghề này, hễ bị “đì” là khổ lắm, vì công việc rất nặng nhọc. Giờ tôi trộn bêtông còn có người phụ, chứ xưa chẳng ai phụ anh, lại phải trộn tay chứ làm gì có máy. Bàn tay anh phồng rộp, nhiều chỗ tươm máu, trên người đụng vô chỗ nào cũng đau. Nhưng vì manh áo chén cơm, anh cắn răng chịu. Một mình trong phòng trọ, anh tự động viên cố gắng vươn lên.

Phụ hồ mấy năm, anh lên thợ chính. Lúc anh em có chút men, anh tâm sự: “Tao ráng làm không phải để hơn người ta mà tao không muốn nhìn vợ con tao khổ”. Bởi vậy, chiều thứ bảy lãnh lương xong là anh kiếm cớ về hoặc chỉ uống vài ly lấy lệ vì anh biết mình còn nghèo, lỡ uống rượu say, nổi hứng “tứ đổ tường” là khó rút chân ra. Thực tế, tôi biết nhiều người làm hồ như vậy. Mặc dù lương khá cao (lương phụ hồ hiện nay khoảng 400.000 đồng/ngày) nhưng lại đổ vào những thú vui không lành mạnh. Tôi phụ hồ 4 tháng, mỗi tháng dư 8 triệu đồng. Nói vậy để thấy chỉ cần chịu làm, đừng vướng vào tệ nạn thì chẳng có nghề nào bạc cả.

Anh lại kể, khi thằng Cua ra đời, anh mướn thêm đất trồng mai. Ban ngày, anh làm hồ, chiều lại quảy bình xịt thuốc, nhổ cỏ, tới đỏ đèn mới về. Ai làm nhà đều biết có lúc không thi công liên tục được vì phải đợi bêtông khô hoặc chờ thợ ráp cửa,... Những lúc vậy, anh lại thuê chúng tôi rải phân bón, nhổ cỏ, xịt thuốc cho mai. Dù việc nhẹ hơn nhưng anh vẫn trả bằng giá làm hồ, có khi làm một buổi vẫn tính trọn ngày.

Nhiều phụ nữ chọn nghề phụ hồ. Lương họ thấp hơn nam từ 50.000-100.000 đồng/ngày

Nhiều phụ nữ chọn nghề phụ hồ. Lương họ thấp hơn nam từ 50.000-100.000 đồng/ngày

Dành dụm đủ tiền, anh mua đồ nghề lãnh nhà làm riêng và căn nào cũng có lời, bởi tính anh kỹ lưỡng, làm việc nào dứt việc đó, không phải sửa đi, sửa lại. Các loại đồ nghề được bảo quản tốt nên tiết kiệm được rất nhiều chi phí. Theo lời những anh thợ lành nghề, người thầu lúc còn làm thợ nếu bị “đì” thì sau này hay “giận cá chém thớt”, ăn hiếp lại lính của mình. Nhưng anh Thanh lại có cái nhìn thông cảm, không "rút" sức người làm. Đôi khi, anh cũng bỏ qua cho những người làm “bữa đực, bữa cái”, bởi anh biết ngoài mình ra ít ai mướn người như họ, anh tạo cho họ cơ hội kiếm tiền nuôi vợ con. Sau này, khi bất động sản gặp khó, nhà cửa xây ít, những người thợ này vẫn sát cánh bên anh, dù đôi khi chỉ làm những công trình lặt vặt.

Nhìn căn nhà mái Thái gần 2 tỉ đồng nổi bật giữa đồng chanh, ai cũng xuýt xoa, nói anh gặp thời, chứ làm hồ sao mà giàu dữ vậy. Nhưng không ai thấy 10 đầu ngón tay anh bị xi măng “ăn” nứt nẻ, có ngón chỉ còn chút xíu móng.

4 tháng phụ hồ, tôi trải qua nhiều cảm xúc. Tôi nhìn thấy ở họ, sau những câu nói như chửi là nụ cười hiền queo; sau những chén rượu say là câu chuyện đời thầm kín; sau chiếc áo lấm lem là nét dễ thương, chân chất, thiệt thà. Đối với nhiều người, công trường là nơi trui rèn ý chí, nơi của tình thương, niềm vui và những ước mơ.

Hôm nọ, chiều thứ bảy, tôi đạp xe dừng cạnh một công trình gần chốn cũ. Nhìn những người thợ xếp hàng nhận lương, vừa nói, vừa cười, tôi nhớ lại mình 3 năm trước. Lúc đó, trên xe tôi thế nào cũng có vài mục măng hoặc mớ chanh, vài củ gừng còn vương đất. Ba tôi nói, xưa ông tới xứ này mua củ mì cũng vậy, lúc nào họ cũng cho thêm.

Tôi đứng lặng yên, nhìn tình người vươn cao theo những công trình./.

Nhọc nhằn đời bán muối dạo

“Ai muối không?” - tiếng rao khắc khoải của bà Quách Thị Út (66 tuổi, ngụ thị trấn Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An) vang lên, len lỏi từng con đường, ngõ hẻm của khu vực thị trấn Đức Hòa...

Huỳnh Thông

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/bon-thang-phu-ho-a182694.html