Bốn tỉnh miền Tây thay đổi biện pháp giãn cách xã hội
Vĩnh Long, Đồng Tháp, Tiền Giang và Sóc Trăng đã có thông báo thay đổi biện pháp giãn cách xã hội đối với các địa phương trong tỉnh.
Chiều 15/9, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Lữ Quang Ngời ra quyết định về việc áp dụng biện pháp giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long quyết định nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 15 tăng cường xuống Chỉ thị 15, thời gian từ 0h ngày 16 đến 30/9.
Riêng khóm 4, phường 3 (TP Vĩnh Long); xã Ngãi Tứ (huyện Tam Bình) và xã Hiếu Nhơn (huyện Vũng Liêm) áp dụng giãn cách theo Chỉ thị 16 từ 0h ngày 16 đến hết 21/9.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Vĩnh Long yêu cầu người dân không ra đường từ 20h hôm trước đến 4h hôm sau. Người từ vùng dịch về Vĩnh Long phải cách ly tập trung 14 ngày, chi phí tự trả. Các các sở kinh doanh dịch vụ ăn uống chỉ được bán mang về, không phục vụ tại chỗ; mỗi hộ gia đình được đi chợ 2 lần/tuần.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa quyết định tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 đối với TP Sa Đéc, huyện Châu Thành, Lấp Vò, đến khi kiểm soát tốt tình hình dịch trên địa bàn.
Hai TP Cao Lãnh, Hồng Ngự và các huyện Cao Lãnh, Tháp Mười, Hồng Ngự, Thanh Bình, Tháp Mười, Tam Nông nới lỏng giãn cách xã hội từ Chỉ thị 16 xuống Chỉ thị 15,
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh ban hành quyết định áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16 và Chỉ thị 15 trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, TP Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, Châu Thành, tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16, từ 0h ngày 16 đến 20/9.
Áp dụng Chỉ thị 15 từ 0h ngày 16/9 đến khi có thông báo mới đối với thị xã Cai Lậy, Gò Công và các huyện Cai Lậy, Gò Công Tây, Gò Công Đông, Tân Phước, Cái Bè, Tân Phú Đông.
Lãnh đạo UBND tỉnh Sóc Trăng cũng vừa họp vào thống nhất, từ 0h ngày 16/9, tỉnh sẽ chuyển sang phương án phòng, chống dịch và sản xuất kinh doanh theo trạng thái bình thường mới.
Lãnh đạo, tỉnh Sóc Trăng cho biết, qua 1 tháng triển khai phòng, chống dịch theo mức độ nguy cơ 4 vùng, trong đó, siết chặt, thu hẹp “vùng đỏ”, chuyển hóa “vùng cam” và “vùng vàng”, mở rộng “vùng xanh” đã mang lại những kết quả phấn khởi.
Tỉnh không còn xã có "nguy cơ rất cao" (vùng đỏ), hơn 100 xã đã "bình thường mới" (vùng xanh)...
Tính từ ngày đầu tiên tỉnh ghi nhận ca mắc đầu tiên trong cộng đồng, đến nay toàn Sóc Trăng có 1.014 ca mắc, trong đó có hơn 600 ca đã điều trị khỏi.