Bồng bềnh Vi Rơ Ngheo

Chông chênh trên bảng lảng sương mờ, ngôi làng Vi Rơ Ngheo vẫn giữ được nếp sống bao đời, vẫn những mái nhà cũ và cả muôn ngàn sắc hoa lan rừng trải khắp quanh làng.

Bồng bềnh sương núi

Sương chập chờn xuống sớm sau cơn mưa chiều trên ngôi làng cổ Vi Rơ Ngheo (xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông, Kon Tum) khiến những cây lá như được gột rửa sạch sẽ hơn sau một ngày gió bụi cao nguyên. Cả không gian như trong vắt sau cơn mưa và lập tức bồng bềnh sương núi như chốn bồng lai. Thấp thoáng trong những ngôi nhà cũ bốc lên những đụn khói của bữa cơm chiều. Xa xa, trên những mảnh ruộng bậc thang quanh làng, từng tốp người đi làm đồng về giữa tiếng chim rừng ríu rít gọi nhau về tổ. Sự yên bình và vẻ đẹp thôn dã khiến nhiều người tìm tới nơi này khi ngôi làng vẫn còn lưu giữ những nếp nhà sàn cổ hoang sơ, mộc mạc.

Một góc làng Vi Rơ Ngheo.

Một góc làng Vi Rơ Ngheo.

Sự hồn nhiên là nét đẹp và rất cuốn hút của trẻ em làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo. Sự xa xôi, địa hình đồi núi và cuộc sống gần gũi với thiên nhiên tạo nên bối cảnh độc đáo nuôi dưỡng sự hồn nhiên của những đứa trẻ này, cho phép chúng trải nghiệm một thế giới khác xa với sự phức tạp của xã hội hiện đại.

Chưa kể, vùng đất này còn được mẹ thiên nhiên ban tặng các loại hoa rừng khoe hương sắc bốn mùa. Chẳng thế mà tháng 5 vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã có quyết định công nhận làng Vi Rơ Ngheo là làng du lịch cộng động thứ 2 của tỉnh với nhiều loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch văn hóa bản địa, sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng. Làng cổ này là nơi cư ngụ của 63 hộ dân với khoảng 300 nhân khẩu, tất cả đều là người Xơ Đăng. Đây được xem là ngôi làng nguyên sơ, bình yên, khí hậu trong lành và sạch đẹp nhất Kon Tum.

Anh A Kiểu cùng một số người khác là người bản Xơ Đăng thời gian qua đã trở thành hướng dẫn viên du lịch bất đắc dĩ. Nói vậy là bởi dù không qua trường lớp đào tạo nào nhưng A Kiểu vẫn hướng dẫn rất nhiệt tình cho khách đến làng mình. Sinh ra và lớn lên ở làng, làm bạn với những ngôi nhà nằm lọt thỏm trong một lòng chảo, bao quanh bởi dãy núi Ngọc Ruông với nhiều ngọn núi cao, từng cái kèo cái cột, từng gốc gây ngọn cỏ, từng mảnh ruộng bậc thang... đều gắn với A Kiểu. Anh tự hào bảo, có những câu chuyện cổ gắn với sự tích từ thuở lập làng. Bà con Xơ Đăng ở đây còn bản sắc dân tộc, tính cộng đồng, sự đoàn kết, gắn kết trong buôn làng. Khoe về làng, A Kiểu tự hào rằng nơi đây còn lưu giữ, bảo tồn nguyên vẹn những nếp nhà sàn cổ từ xa xưa, không có sự pha trộn của bê tông, cốt thép. Bên cạnh đó, bà con tận dụng cây gỗ lũa, gỗ mục trôi từ trên thượng nguồn về để dựng những chiếc cổng nhà đơn sơ, mộc mạc.

Cuộc sống gắn bó với trồng trọt, chăn nuôi và đi rừng có thể khiến làn da của họ trở nên đen đi nhưng nét mặt vẫn toát lên một tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Cuộc sống gắn bó với trồng trọt, chăn nuôi và đi rừng có thể khiến làn da của họ trở nên đen đi nhưng nét mặt vẫn toát lên một tinh thần lạc quan, vui vẻ.

Điều đặc biệt nhất, đó là trong làng, từ cổng vào đến nhà, gia đình nào cũng sở hữu một vườn lan rừng tỏa sắc tỏa hương. Trên những hàng rào gỗ của từng ngôi nhà, bà con trồng đầy hoa lan. Hàng rào bao quanh các căn nhà là hàng loạt chậu địa lan. Chậu lan được làm bằng gỗ tận dụng, cao khoảng 40 cm, khoét rỗng ruột, bỏ trấu, phân để trồng lan. Không gian toàn hoa lan được bao phủ quanh từng ngôi nhà trong làng tạo cho Vi Rơ Ngheo sự cuốn hút kỳ lạ. Những cây lan rừng này đều được bà con hái từ những cây rừng bị ngã.

Anh A Hiền - một người dân trong làng cho biết, hiện nay, cả làng Vi Rơ Ngheo trồng được khoảng 1.000 chậu hoa lan. Hoa thường nở từ cuối năm trước, kéo dài cho đến tháng 4, tháng 5 năm sau. Vì vậy, đến Vi Rơ Ngheo sẽ thấy hoa lan khoe sắc khắp làng. Không chỉ cho hoa đẹp, các hàng rào bằng địa lan trở thành điểm, mảng xanh cho từng nhà.

Sống với rừng, sinh tồn nhờ rừng nên khi tận hưởng vẻ đẹp của hoa rừng, đến lúc mùa mưa đến, bà con lại mang lên cổng trời Ngọc Ruông để trồng, trả lại loài hoa này cho rừng. Hơn 30 năm nay, A Hiền cùng người dân trong làng đã chung tay bảo vệ từng cây gỗ, cây lan trên cổng trời Ngọc Ruông. A Kiểu bảo, từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau, khắp dãy núi Ngọc Ruông này phủ kín các loại hoa địa lan, phong lan. Dân trong làng không dám nhổ lan vì sợ Yàng phạt. Nhiều du khách mê hoa lan và xin hái nhưng dân làng quả quyết không cho. Mỗi mùa mưa, người dân lại mang lan từ nhà lên rừng trồng nhằm nhân rộng các giống lan. Có lẽ, vì thế mà ngôi làng cổ này đặc biệt đến thế.

Những phong tục độc đáo cùng lễ hội truyền thống vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.

Những phong tục độc đáo cùng lễ hội truyền thống vẫn được lưu giữ nguyên vẹn.

Giữ nếp xưa để làm du lịch

Ở ngôi làng cổ Vi Rơ Ngheo này khi được công nhận là làng du lịch cộng đồng, UBND huyện Kon Plông cũng chọn ra gần 20/60 căn rộng rãi, kiên cố để sửa chữa, nâng cấp thành những homestay phục vụ khách lưu trú. Đây là những hộ có nhà sàn truyền thống đủ điều kiện để đón khách du lịch bằng cách làm homestay. Các nhà đều có cảnh quan, tầm nhìn đẹp. Nhà thiết kế theo phong cách truyền thống của đồng bào Xơ Đăng, có cửa sổ mở ra ruộng, nhìn ra những khu cánh đồng, sông suối.

Tất cả 63 hộ dân nơi đây đều dựng cổng bằng các cây gỗ tận dụng trên rừng. Cổng dựng bằng gỗ rất đơn sơ, không cầu kỳ mà lại rất đẹp và bắt mắt. Các thanh gỗ không đều, cong, thẳng khác nhau, được người dân bản địa sáng tạo xếp chồng lên nhau thành chiếc cổng vào nhà, vừa đơn giản nhưng cũng rất đặc biệt, độc đáo và lạ. Không chỉ cổng nhà, xung quanh các ngôi nhà, bà con dân làng còn tận dụng cây gỗ chết trên rừng mang về cưa thành từng đoạn ngắn xếp xung quanh ngôi nhà cũng rất đặc biệt và ấn tượng, tạo vẻ đẹp riêng cho các ngôi nhà ở làng. Ngoài những kiến trúc độc đáo, con người thân thiện, văn hóa phong phú và ẩm thực đa dạng, thiên nhiên cũng là một điểm thu hút du khách đến với làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo.

Nằm lọt thỏm giữa những ngọn núi và rừng nguyên sinh xung quanh, làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo với vẻ đẹp thơ mộng của những căn nhà gỗ mộc mạc được bao bọc bởi những đồng lúa xung quanh. Ngoài ra, ngôi làng cũng được bao bọc bởi một dòng suối chảy quanh, tạo nên một cảnh tượng bình yên. Và, ở phía Tây của ngôi làng là những ngọn đồi mang những vẻ đẹp tiềm ẩn của rừng thông 5 lá, rừng nguyên sinh và những đồi hoa rực rỡ. Bên cạnh đó, có những khu rừng nguyên sinh với hệ thực vật phong phú, những khu rừng thông 5 lá với những thân cây 2 người ôm không xuể, những đồi hoa địa lan, hoa đỗ quyên, hoa sim và hoa mua rực rỡ cùng tiếng rì rào của thác Vi Rơ Ngheo trong vắt có dòng chảy bắt nguồn từ rừng sâu.

Ở làng cổ này, có những điều khác lạ, cũng như các dân tộc khác, Tết Nguyên đán cũng là một ngày lễ lớn đối với người đồng bào dân tộc Xơ Đăng tại Vi Rơ Ngheo. Mặc dù cách ăn Tết của người dân làng có hơi khác một chút, nhưng đó cũng được coi là lễ lớn trong năm. Mọi người cũng chuẩn bị, trang trí nhà cửa và dự trữ lương thực cho những ngày này. Sau Tết âm lịch khoảng một tuần, vào khoảng ngày mùng 5 đến mùng 10 tháng Giêng, dân làng sẽ tổ chức lễ làm chuồng trâu. Lễ này nghe có vẻ kì lạ nhưng là một sự kiện trọng đại của làng bởi trâu được xem là tài sản lớn nhất của họ. Sau khi gặt lúa vào tháng 6, trâu được thả đi ăn tự do. Cho đến đầu tháng 2 năm sau, để chuẩn bị cho việc trồng lúa mới, dân làng sẽ làm mới hoặc sửa lại chuồng trâu để gom trậu vào chuồng. Sự kiện này lớn đến nỗi, con cháu đi học hoặc đi làm xa cũng trở về để tham dự. Vào dịp này, dân làng sẽ tập trung tại nhà rông để tổ chức nấu nướng và ăn uống cùng nhau rất nhộn nhịp và vui vẻ.

Dùng cơm chung với đồng bào Xơ Đăng sẽ khám phá được nhiều điều thú vị.

Dùng cơm chung với đồng bào Xơ Đăng sẽ khám phá được nhiều điều thú vị.

Sau lễ làm chuồng trâu, vào khoảng ngày 16, 17 tháng Giêng âm lịch, dân làng sẽ gieo mạ, làm đất và ngâm ruộng để chuẩn bị cho việc cấy lúa. Sau khi gieo mạ, người làng cũng tổ chức ăn uống cùng nhau ở nhà rông. Sau 40 đến 45 ngày gieo mạ và ngâm ruộng, vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4, dân làng sẽ “đổi công” cho nhau để cấy lúa. Tiếp đó, vào khoảng ngày 20 đến 25/7, sau khi đã gặt xong lúa, dân làng Vi Rơ Ngheo sẽ tổ chức ăn lúa mới. Lễ này được tổ chức ăn từng nhà, nhà nào gặt xong lúa trước thì ăn trước. Những người làng khác cũng được mời để tham dự các bữa tiệc này. Và, tất nhiên khách du lịch cũng sẽ được chào đón tham gia.

Đặc biệt, ở Vi Rơ Ngheo còn có lễ Đại đoàn kết vào cuối tháng 11, đây là dịp để dân làng nhìn lại đã làm được gì trong một năm qua và đề ra mục tiêu, kế hoạch cho năm tiếp theo. Sau sự kiện tổng kết này, dân làng sẽ tổ chức thi đấu thể thao và ăn uống tại nhà rông. Ngoài ra, nhiều lễ nghi truyền thống như: Mừng lúa thừa, mừng nhà rông, lễ đâm trâu, lễ cúng giọt nước... đây chính là những lễ hội cùng với thiên nhiên hoang sơ, cảnh sống yên bình là tài nguyên phục vụ phát triển du lịch mà ít nơi nào có được.

Ông Phạm Văn Thắng - Phó Chủ tịch UBND huyện Kon Plông cho biết: Với sự giúp đỡ từ chính quyền và nỗ lực của người dân, làng Vi Rơ Ngheo đã hình thành các đội múa xoang, đánh cồng chiêng, từ trẻ em đến người có tuổi đều có thể tham gia. Người dân Vi Rơ Ngheo còn xây dựng từng nhóm hộ trồng rau, nuôi gà, heo, bắt cá suối và tổ chức nấu ăn phục vụ du lịch khi có khách đến tham làng. Huyện kết nối các tour du lịch khám phá hồ, thác quanh làng Vi Rơ Ngheo. Đồng thời, sắp tới, chúng tôi đưa vào quy chế để tất cả người dân địa phương ở đây làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch. Dân Vi Rơ Ngheo sống, giữ nguyên bản về giá trị văn hóa, con người để phát triển du lịch”.

Tiêu Dao

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bong-benh-vi-ro-ngheo-i698040/