Bóng đá Malaysia trong công cuộc 'xây nhà từ nóc'
Thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ Việt Nam và Thái Lan đầu tư bóng đá một cách căn cơ. Hầu hết các quốc gia đều mong muốn tiến đến những thành công nhanh chóng và bỏ qua các yếu tố cốt lõi. Malaysia đang lựa chọn cách làm phản khoa học này, dấy lên sự nghi ngờ trong người hâm mộ.
Thời điểm hiện tại, có lẽ chỉ Việt Nam và Thái Lan đầu tư bóng đá một cách căn cơ. Hầu hết các quốc gia đều mong muốn tiến đến những thành công nhanh chóng và bỏ qua các yếu tố cốt lõi. Malaysia đang lựa chọn cách làm phản khoa học này, dấy lên sự nghi ngờ trong người hâm mộ.
Trong những năm trở lại đây, nhờ sự nỗ lực và cố gắng của các liên đoàn, bóng đá Đông Nam Á đã có những tín hiệu khởi sắc. Chất lượng các giải vô địch quốc gia giờ đây được nâng cao. Thậm chí, các nước như Thái Lan hay Malaysia còn biết cách khai thác khía cạnh thương mại khi giá trị bản quyền truyền hình của các quốc gia này tương đối lớn.
Theo thông báo của Liên đoàn Bóng đá Thái Lan, gói bản quyền truyền hình của Thai League trong giai đoạn từ 2021 cho đến 2028 sẽ có giá trị lên tới gần 400 triệu USD. Đây quả thực là con số đáng mơ ước với bất cứ giải đấu nào trong khu vực Đông Nam Á. Malaysia cũng không chịu kém cạnh khi MP & Silva đã mua gói bản quyền truyền hình giải vô địch quốc gia này với tổng giá trị lên tới 1,26 tỷ ringgit kéo dài 15 năm, tương đương với hơn 300 triệu USD.
Ngoài việc có sự đột phá trong khâu bản quyền truyền hình cũng như marketing, các quốc gia Đông Nam Á đã nâng cao chất lượng chuyên môn cầu thủ. Không ít những ngôi sao đã được thi đấu ở môi trường đẳng cấp hàng đầu châu Á và thậm chí, họ còn từng trải nghiệm sự khắc nghiệt của bóng đá châu Âu. Hai ngôi sao nổi bật của bóng đá Thái Lan cũng như Đông Nam Á là Chanathip Songkrasin và Theerathon Bunmathan còn để lại những dấu ấn đặc biệt ở J1 League, hạng đấu cao nhất trong các giải bóng đá chuyên nghiệp ở Nhật Bản. Trong tương lai gần, các cầu thủ Việt nam sẽ có cơ hội để sang các giải vô địch quốc gia hàng đầu châu Á như những gì mà Đặng Văn Lâm đã làm mới đây.
Nhưng sự kiên nhẫn của Malaysia cũng có giới hạn và “Harimau Malaya” bắt đầu nôn nóng tìm kiếm thành công. Học theo cách nhập tịch cầu thủ ồ ạt của những Singapore hay Indonesia trong quá khứ, giờ đây Malaysia bắt đầu nhập tịch cầu thủ. Những Mohamadou Sumareh, Liridon Krasniqi hay Guilherme De Paula dù không có gốc gác Malaysia nhưng do họ sinh sống tại Malaysia trong vòng năm năm nên việc nhập tịch của họ trở nên dễ dàng.
Nhưng điều này cũng khiến cho những cầu thủ bản địa mất đi cơ hội lên tuyển mặc cho có phong độ cao và khát khao. Điều này nảy sinh nhiều mâu thuẫn khi trong danh sách triệu tập của đội tuyển Malaysia cho các trận đấu của vòng loại thứ hai World Cup 2022 có tới 10 cầu thủ nhập tịch hoặc có gốc gác nước ngoài.
Những tia sáng lé loi
Cho dù các cuộc tranh cãi vẫn liên tục nổ ra nhưng không thể phủ nhận được những gì mà bóng đá Malaysia đã đạt được. Khởi nguồn từ thành tích bết bát tại các giải khu vực như SEA Games hay AFF Cup, Liên đoàn Bóng đá Malaysia tạo ra cuộc cách mạng quy mô nhất từ trước tới nay.
Thay vì nỗ lực phát triển bóng đá trẻ hay nâng cấp chất lượng cho giải vô địch quốc gia, họ lựa chọn giải pháp nhanh chóng, nhập tịch những ngôi sao có gốc gác Malaysia hoặc các cầu thủ thi đấu nổi bật tại Malaysia Super League. Nhưng việc làm này khiến cho giới chuyên môn cũng như các cầu thủ bản địa cảm thấy không hài lòng khi giờ đây cánh cửa đội tuyển quốc gia ngày một hẹp đi.
Tuy vậy, nhập tịch những cầu thủ có chất lượng chuyên môn cao giúp cho quốc gia này cải thiện rất nhiều. Dưới sự dẫn dắt của HLV Tan Cheng Hoe, người hâm mộ Malaysia bắt đầu có hy vọng về một sự vươn lên của nền thể thao nước này. Ngôi vị á quân AFF Cup 2018, là kẻ ngáng đường khó chịu tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 là minh chứng cho sự trở lại của Malaysia. HLV Tan Cheng Hoe cũng góp công không nhỏ khi ông đã định hình được lối chơi cho đội tuyển với thứ bóng đá tấn công tốc độ. Với sự đi lên trong một thời gian ngắn, các cổ động viên dần có niềm tin về sự trỗi dậy của Malaysia và dành cho họ sự kỳ vọng lớn lao.
Tác động tiêu cực về lâu dài
Nhưng những thành công ban đầu này có thể sẽ không kéo dài được lâu, khi những cầu thủ nhập tịch đã chạm ngưỡng tuổi băm. Liridon Krasniqi năm nay 29 tuổi, Brendan Gan hay Guilherme De Paula đều vượt quá 30 tuổi và thời gian thi đấu đỉnh cao của họ không còn lâu. Họ chỉ có thể phục vụ bóng đá Malaysia trong một khoảng thời gian nhất định và để lại nỗi lo cho huấn luyện viên cũng như lãnh đạo liên đoàn nước này.
Hơn thế nữa, nhóm cầu thủ này chưa thực sự có khát khao cống hiến như những người bản địa. Trên lý thuyết, những Mohamadou Sumareh, Liridon Krasniqi hay Guilherme De Palua không mang trong mình dòng máu Malaysia và họ chắc chắn không có sự máu lửa như các cầu thủ gốc gác Malaysia.
Ngoài ra, việc nhập tịch có thể sẽ gây ra những ảnh hưởng xấu đến những cầu thủ bản địa. Có một nghịch lí là mặc cho họ có phong độ ấn tượng đến mấy thì cầu thủ đó vẫn sẽ phải hi sinh cho các ngôi sao nhập tịch. Trong trận thua 0-4 trước Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất, HLV Tan Cheng Hoe cho ra sân với đội hình có tới sáu cầu thủ nhập tịch và gây tranh cãi nhất có lẽ là Mohamadou Sumareh. Phong độ của anh trong năm 2021 là khá thất vọng khi anh chỉ có duy nhất một bàn thắng và thi đấu vô cùng vật vờ. Nhưng anh vẫn được tin tưởng mặc cho những cầu thủ có phong độ ổn định như sao trẻ Akhyar Rasid hay Syafiq Ahmad. Điều này khiến cho các cầu thủ nội có thể cảm nhận nỗi bất công khi họ chẳng thể nhận được những gì họ xứng đáng.
Một vấn đề vô cùng nghiêm trọng với chính sách nhập tịch lại làm gián đoạn công tác đào tạo trẻ. Liên đoàn Bóng đá Malaysia quá chú tâm vào công cuộc nhập tịch và quên đi những cầu thủ trẻ và tài năng của mình. Những cầu thủ nhập tịch luôn được quan tâm hơn và tạo cơ hội xuất ngoại. Những Junior Edstal, Dominic Tan thi đấu ở Thai League hay Liridon Krasniqi thậm chí còn được trải nghiệm môi trường bóng đá ở Australia trong màu áo của Newcastle Jets, CLB hiện đang chơi tại A-league, giải vô địch bóng đá danh giá nhất của “xứ sở chuột túi”.
Tại SEA Games 31, Malaysia bị loại ngay từ vòng bảng. Còn ở vòng chung kết U23 châu Á 2020 trên đất Thái Lan, họ còn không thể vượt qua vòng loại. Lục khắp Malaysia, chỉ có mình Luqman Hakim, tài năng sinh năm 2002 là có tương lai sáng lạn khi anh hiện được ăn tập ở CLB K.V. Kortrijk tại đất nước Bỉ xa xôi.
Con đường mà Malaysia đang đi theo cũng tương tự như Singapore, đội hiện tại đang đi xuống trầm trọng vì thiếu tài năng, mà hậu quả lớn nhất lại đến từ chính những cầu thủ nhập tịch. Trong những năm đầu của thế kỉ 21, Singapore là một thế lực đáng gờm tại Đông Nam Á và khiến Thái Lan, Indonesia e sợ với những cầu thủ nhập tịch mang trong mình nguồn thể lực dồi dào cũng như kĩ năng chơi bóng điêu luyện. Nhưng sau đó, Singapore dần đi lệch hướng và hệ quả là bóng đá nước này ngày càng lún sâu trong thất vọng và họ hiện cũng phải chật vật để kiếm tìm ánh hào quang đã mất.
Có thể nói, bóng đá Malaysia đang trong giai đoạn khởi sắc nhưng nếu không phát triển song song công tác đào tạo trẻ và đầu tư bài bản, nền bóng đá nước này cũng sẽ nếm trái đắng với cách làm “ăn xổi ở thì”.