Bóng đá nữ Việt Nam: Nhìn lại để vững tiến

Bộ phim 'Bóng đá nữ Việt Nam - Chuyện lần đầu kể' vừa được công chiếu giúp người hâm mộ hiểu và cổ vũ nhiều hơn cho các nữ cầu thủ

Muộn 1 năm so với kế hoạch ban đầu, bộ phim tài liệu "Bóng đá nữ Việt Nam - Chuyện lần đầu kể" của đạo diễn Nguyễn Thị Thắm vừa ra mắt tại TP HCM tối 17-10 và chính thức ra rạp sau đó 1 ngày. Chọn dịp kỷ niệm ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20-10) để công chiếu, bộ phim như góp thêm lời tôn vinh những nỗ lực thầm lặng mà can trường của phụ nữ Việt Nam trong lĩnh vực thể thao, cụ thể là ở môn bóng đá.

Nước mắt xen lẫn niềm vui

Với thời lượng 78 phút, những nhà làm phim không giấu tham vọng phác họa toàn cảnh về sự phát triển của bóng đá nữ Việt Nam từ những ngày đầu. Rất nhiều rào cản, định kiến xã hội bủa vây, ngăn cản nỗ lực của bao thế hệ cầu thủ nữ và cả những người làm bóng đá vì niềm vui, lòng nhiệt huyết và cả niềm tin một ngày nào đó được chứng kiến bóng đá nữ thăng hoa.

Tuyển Việt Nam (áo sậm) tại World Cup 2023 (Ảnh: REUTERS)

Tuyển Việt Nam (áo sậm) tại World Cup 2023 (Ảnh: REUTERS)

Phần mở đầu của bộ phim chưa được ấn tượng do nguồn tư liệu hạn chế, đoạn giới thiệu về hai "cha đẻ" bóng đá nữ Trần Thanh Ngữ và Hoàng Vĩnh Giang cũng không đầy đủ, chắc chắn chưa giúp người hâm mộ có cái nhìn đầy đủ về buổi đầu gian khó của 2 đội nữ TP HCM và Hà Nội - nơi cung cấp dàn tuyển thủ chủ lực trong suốt chiều dài lịch sử đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam.

Bộ phim gồm nhiều lát cắt khá vụn khiến nỗ lực tạo cốt truyện xuyên suốt không như mong đợi. May là càng về sau, hình ảnh và video càng phong phú, rồi cách dẫn dắt câu chuyện duyên dáng, dí dỏm của các "nhân vật chính" là những tuyển thủ đã đưa người xem đến nhiều cao trào mà nhóm làm phim mong muốn.

Khán giả lắng đọng với câu chuyện của Lưu Ngọc Mai, Phùng Minh Nguyệt thuộc thế hệ cầu thủ đã giành cúp vô địch giải tiền SEA Games 1997, mở ra bước hội nhập của bóng đá nữ Việt Nam tại đấu trường khu vực. Sự hình thành giải vô địch quốc gia, những chuyến chinh phục sân cỏ SEA Games của các cầu thủ nữ khiến dòng cảm xúc của người xem cứ man mác về thuở ban đầu dù chưa xa nhưng cũng kịp trở thành dòng lịch sử.

Huỳnh Như kể về những ngày đầu lên CLB Nữ TP HCM học bóng đá. Chủ tịch LĐBĐ Việt Nam (VFF) Trần Quốc Tuấn nói đến lần thất bại trên sân nhà ở chiến dịch vòng loại World Cup 2014. Cách toàn đội nhớ lại những ngày u ám của đại dịch COVID-19 suýt khiến tuyển nữ Việt Nam không đủ cầu thủ ra sân thi đấu tại Asian Cup 2022 tại Ấn Độ, cơ hội cuối cùng để tranh chấp suất vé tham dự World Cup nữ 2023 đã thật sự lấy đi rất nhiều nước mắt của người xem.

Khoảnh khắc trung vệ Chương Thị Kiều ghi bàn rồi vỡ òa niềm vui cùng toàn đội sau khi giành vé dự World Cup nữ 2023 nhanh chóng bị thay thế bởi những dòng nước mắt nức nở của cô gái quả cảm này. Cô hay tin ông ngoại mất ở quê nhà nhưng chỉ được gia đình thông báo sau khi trận đấu kết thúc chính là một trong những nút thắt tạo nên mạch phim tràn đầy cảm xúc.

Những câu chuyện lần đầu tiên

Lần đầu tiên đưa câu chuyện một đội thể thao lên phim, ê-kíp sản xuất đã phải xem tư liệu khoảng 300 trận đấu của tuyển nữ Việt Nam, theo chân đội tuyển đến 4 quốc gia, 16 thành phố, phỏng vấn nhân vật trong 30 giờ, thực hiện 100 giờ quay để từ đó chắt lọc nên những thước phim.

Quốc thiều Việt Nam lần đầu tiên vang lên tại đấu trường World Cup và được chính các nữ tuyển thủ Việt Nam hát vang đầy tự hào, sôi trào trong lồng ngực tuổi đôi mươi. Lần đầu tiên những cầu thủ nữ như Huỳnh Như, Chương Thị Kiều, Nguyễn Bích Thùy, Kim Thanh hay xa hơn là Lưu Ngọc Mai, Phùng Thị Minh Nguyệt, Nguyễn Thị Kim Hồng, Đoàn Thị Kim Chi… kể câu chuyện của bản thân, về ước mơ, hành trình đến với bóng đá cũng như quá trình biến giấc mơ thành hiện thực.

Với sự hỗ trợ của VFF, lần đầu tiên những câu chuyện nội bộ của một đội tuyển được chia sẻ đầy chân thực, nơi HLV trưởng - ông Mai Đức Chung - một người thầy tận tụy, thấu hiểu và giàu kinh nghiệm. Các cầu thủ đến từ mọi miền đất nước cư xử như chị em một nhà, cùng vui, cùng buồn và luôn động viên nhau cùng tiến bộ, cùng chạm tay vào cột mốc lịch sử.

Sự cạnh tranh khốc liệt

2023 là năm đáng nhớ của bóng đá nữ Việt Nam. Giành chức vô địch SEA Games 32 vào tháng 5, tuyển nữ Việt Nam khẳng định vị thế "nữ hoàng" Đông Nam Á với 4 lần liên tiếp đăng quang ở đấu trường khu vực và lần thứ 8 chạm tay đến kỳ tích này. Vài tuần lễ sau, Huỳnh Như và đồng đội lần đầu tiên góp mặt tại vòng chung kết World Cup 2023 trong sự quan tâm của đông đảo người hâm mộ Việt Nam.

Với một nền bóng đá chỉ có khoảng hơn 200 cầu thủ chuyên nghiệp kèm theo chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, lương thưởng còn rất thấp, việc đội tuyển Việt Nam giành quyền tham dự những ngày hội lớn nhất hành tinh của bóng đá nữ đáng được xem là một kỳ tích.

Tất nhiên, việc đội thua cả 3 trận ở World Cup 2023 trước đương kim vô địch Mỹ, đương kim á quân Hà Lan và Bồ Đào Nha là kết quả đã được dự báo, mang lại cơ hội học hỏi, cọ xát để chuẩn bị cho tương lai.

Tuyển Việt Nam sau nhiều năm thống trị đấu trường Đông Nam Á, nay có phần lép vế trước đội tuyển Philippines tích cực kêu gọi dàn cầu thủ "Phi kiều" đang thi đấu trên khắp thế giới trở về đóng góp cho quê nhà.

Ở cấp độ châu lục, Việt Nam sẽ phải đối mặt sự cạnh tranh khốc liệt hơn nữa khi bóng đá nữ nhiều khu vực đã bắt đầu "thức tỉnh".

Cộng thêm sự tái xuất của tuyển CHDCND Triều Tiên, đội giành ngôi á quân Asian Games 19 và vào đến bán kết vòng loại Olympic, cơ hội cho bóng đá Việt Nam sẽ hẹp lại rất nhiều. Vì thế, chúng ta không được phép bằng lòng với chính mình...

"Bóng đá nữ Việt Nam ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Nếu làm tốt khâu tổ chức sân chơi từ cấp học đường cũng như xã hội hóa các CLB bóng đá nữ, chắc chắn chất lượng bóng đá nữ Việt Nam sẽ được cải thiện.

ĐÀO TÙNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/bong-da-nu-viet-nam-nhin-lai-de-vung-tien-196241018195854129.htm