Bóng đá SEA Games: Từ lo lắng đến vỡ òa niềm vui
Thắng giòn giã Indonesia 3-0, sau đó là những trận hòa hoặc thắng tối thiểu vào những phút cuối, khỏi nói cũng biết người hâm mộ lo lắng như thế nào khi U23 Việt Nam vào chung kết gặp Thái Lan.
Dù Văn Xuân, Văn Đô có nỗ lực và thành công nhất định nhưng đôi cánh của đội cứ phập phù trận hay, trận dở, đôi lúc lại vô tình đưa bóng vào chân đội bạn. Lý Công Hoàng Anh, Huỳnh Văn Đến, Nguyễn Văn Tùng… làm cho người ta nhớ nhiều đến Trọng Hoàng, Văn Hậu, Tuấn Anh, Xuân Trường…
Ngay cả Tiến Linh, cầu thủ trên 23 tuổi được thầy Park lựa chọn, cứ bỏ qua cơ hội làm người hâm mộ luyến tiếc Anh Đức. May mắn là Hùng Dũng còn xông xáo, Hoàng Đức vẫn vững vàng thoát pressing như thuở nào. Và nhất là hàng phòng thủ Việt Anh, Thanh Bình, Vũ Tiến Long với thủ môn Nguyễn Văn Toản làm cho khán giả yên tâm đôi chút. Với tình hình như vậy, U23 Việt Nam vào chung kết với Thái Lan, đội mà trước đây nghe đến tên, cầu thủ cũng như người hâm mộ Việt Nam luôn kiêng dè, làm cho người xem không khỏi lo lắng.
Từ lúc nước Việt Nam thống nhất đến với sân chơi SEA Games, một sân chơi được xem là “ao làng”, vừa sức với chúng ta, nhưng cũng không phải dễ dàng thi đấu bằng vai phải lứa với các vận động viên từ các quốc gia láng giềng.
Năm 1991, bóng đá tham gia thi đấu với mục đích học hỏi, hòa nhập. Liên tục những năm sau đó chưa lần nào đội bóng đá nam Việt Nam giành được HCV. Có những năm, “bóng ma” bán độ, tiêu cực ám ảnh lên đội, đến nỗi Bộ Công an phải cử cán bộ đi theo để giám sát. Cầu thủ thấp kém nhiều nghĩa: Vừa thấp về thể hình, kỷ luật, đạo đức, vừa kém về chuyên môn, ý thức chiến thuật và đặc biệt thể lực kém. Một số thành tích có được như HCB, HCĐ chủ yếu do tinh thần vì màu cờ sắc áo mà chơi lăn xả hoặc do trình độ kỹ thuật một số cá nhân khá cộng thêm yếu tố may mắn.
Cứ nghe cổ động viên hô vang: “Việt Nam, cố lên” thì biết cả đội phải cố sức mà chơi như thế nào! Người hâm mộ lúc nào cũng cổ vũ vì màu cờ sắc áo quốc gia nhưng họ cũng luôn buồn tủi vì thấy cầu thủ của mình phải hùng hục thi đấu với các cầu thủ đội bạn sung mãn, khéo léo, kỹ thuật điêu luyện, với tư duy chiến thuật chặt chẽ.
Có nhìn lại quá khứ mới thấy bóng đá Việt Nam đã lớn lên như thế nào. Bóng đá Việt Nam hôm nay không phải vụt vươn vai lớn dậy như Phù Đổng, thành công này đã trải qua nhiều trăn trở, đắng cay. Mấy chục năm qua, cả xã hội Việt Nam đã quan tâm dành rất nhiều nguồn lực cho nền bóng đá nước nhà. Dù vậy, vẫn còn rất nhiều bất cập cần phải cải thiện.
Nhưng cũng như bất cứ thiết chế xã hội nào khác, có mâu thuẫn, có đấu tranh mới có tiến bộ. Rồi một mai đây, U23 nói riêng, bóng đá Việt Nam nói chung cũng có thể không dành HCV trong một giải nào đó. Việc đó cũng bình thường, vì chuyện “độc cô cầu bại” chỉ có trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung. Nhưng xem, cổ vũ đội nhà thi đấu đỉnh đạc, các cầu thủ chơi một thứ bóng đá đẹp, không hề e sợ bất cứ đội nào mới thật sự là điều mà chúng ta mong muốn. Xin chúc mừng U23 Việt Nam đoạt HCV SEA Games 31 và chúc các đội bóng Việt Nam luôn thi đấu thành công trong tương lai.