Bóng đá Thái Lan: Khủng hoảng từ… sự ảo tưởng

Bóng đá Thái Lan luôn dẫn đầu Đông Nam Á về nhiều mặt.

HLV danh tiếng người Nhật Bản - Akira Nishino bị sa thải.

HLV danh tiếng người Nhật Bản - Akira Nishino bị sa thải.

Tuy nhiên, bên cạnh sự vươn lên mạnh mẽ của các đội tuyển Việt Nam, những năm gần đây bóng đá xứ chùa Vàng đi sai đường và sa lầy vào cuộc khủng hoảng chưa có lối thoát.

Trong cơn mê dài

Sau thời gian dài cân nhắc, Liên đoàn bóng đá Thái Lan (FAT) chính thức sa thải HLV Akira Nishino. Trước đó, vào tháng 7/2019, FAT trải thảm đỏ đưa Akira Nishino về nắm đội tuyển U23 và đội tuyển quốc gia với nhiều tham vọng, trong đó bao gồm việc lấy lại vị thế số 1 Đông Nam Á từ Việt Nam và tiến ra đạt thành tích cao tại châu Á.

Tuy nhiên, chiến lược gia người Nhật Bản liên tục gây thất vọng. Đầu tiên là thất bại ê chề của U22 Thái Lan tại SEA Games 30, bị loại ngay từ vòng bảng. Tiếp đến là kết quả dưới yêu cầu tại VCK U23 châu Á 2020, giải đấu mà Thái Lan làm chủ nhà.

Trước đó, ở vòng loại, U23 Thái Lan tham dự với mục đích cọ xát đã thua thảm 1-4 trước U23 Việt Nam tại Mỹ Đình. Trận đấu cho thấy sự khác biệt rất lớn về chuyên môn giữa 2 lứa trẻ của 2 nền bóng đá đang cạnh tranh quyết liệt cho vị trí số 1 khu vực Đông Nam Á.

Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, Akira Nishino luôn loay hoay trong việc xây dựng bộ khung cho “Voi chiến”. Tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á hồi tháng 6, ông triệu tập đến 46 cầu thủ và mang tất cả đến UAE thi đấu.

Kết quả, Thái Lan bị Indonesia cầm hòa 2-2 trước khi thua cả UAE và Malaysia. Kết thúc vòng loại thứ 2, Thái Lan đứng thứ 4 bảng G, dưới cả Malaysia và bị loại trong cay đắng. Thầy trò Akira Nishino giành 9 điểm, ghi 9 bàn, thông số chỉ hơn đội bét bảng Indonesia.

Nhưng động thái “trảm” Akira Nishino của FAT không thể xoa dịu dư luận và né tránh trách nhiệm về sự yếu kém của bóng đá Thái Lan. Truyền thông xứ chùa Vàng những ngày qua liên tục gây áp lực lên FAT. Như tờ Siam Sport bình luận, trong 5 năm qua, Thái Lan đã thay 4 HLV nhưng liên tục thất bại.

Vì thế, bóng đá Thái Lan cần có cuộc cải tổ mạnh mẽ. Trên các diễn đàn còn nóng bỏng hơn rất nhiều. Người hâm mộ kêu gọi Chủ tịch FAT Somyot Poompanmoung từ chức nếu bóng đá Thái Lan tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng.

Sự tức giận của người Thái Lan cũng là điều dễ hiểu. 5 năm qua họ đã phải hứng chịu quá nhiều thất bại của các đội tuyển quốc gia, đồng thời phải chấp nhận thực tế, Thái Lan không còn giữ được vị thế lá cờ đầu Đông Nam Á.

Thành tích nghèo nàn ở vòng loại World Cup 2022 chỉ là giọt nước tràn ly của cơn khủng hoảng được bắt đầu từ năm 2017, thời điểm Kiatisak từ chức bởi không đáp ứng được sự kỳ vọng của FAT và “đám đông”. Lúc đó, Kiatisak khẳng định FAT “ảo tưởng” khi đánh giá Thái Lan có thể chơi tốt ở vòng loại cuối cùng World Cup 2018.

Trong tâm thế của nền bóng đá số 1 Đông Nam Á, FAT và khán giả Thái Lan không để ý đến phát biểu của Kiatisak. FAT chuyển hướng vung tiền dùng thầy ngoại thay cho thầy nội. Milovan Rajevac là cái tên được lựa chọn.

Một năm sau, Thái Lan bị loại ở bán kết AFF Cup 2018, lần đầu tiên sau 2 chức vô địch liên tiếp, trước khi thua thảm ở trận ra quân Asian Cup 2019 (1-4 trước Ấn Độ). Rajevac bị sa thải. Nên nhớ, Milovan Rajevac là HLV kỳ cựu có kinh nghiệm dẫn dắt hơn 15 đội bóng khác nhau trên khắp thế giới. Ông là người giúp Ghana trở thành hiện tượng tại World Cup 2010.

Trợ lý Sirisak Yodyardthai ngồi ghế huấn luyện tạm quyền, nhưng sau thất bại ở King's Cup 2019 với lần đầu trong lịch sử ở vị trí cuối cùng, thua đội tuyển Việt Nam 0-1, FAT một lần nữa thay đổi. Akira Nishino, người đưa Nhật Bản vào vòng 1/8 World Cup 2018 là cái tên được chọn với mức lương cực khủng, gần 1 triệu USD/năm.

Tuy nhiên, 11 trận dưới thời ông thầy Nhật Bản, Thái Lan thắng 2, hòa 4, thua 5, đạt tỷ lệ chiến thắng thấp kỷ lục: 18,1%. Akira Nishino phải ra đi, song cũng như việc cắt hợp đồng với Rajevac, quyết định của FAT chỉ là thay đổi ở phần ngọn, không cứu được tập thể đã chạm đáy về nhiều mặt.

Đội tuyển Việt Nam (bên trái) vượt qua Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á.

Đội tuyển Việt Nam (bên trái) vượt qua Thái Lan đứng đầu Đông Nam Á.

Những gì bóng đá xứ chùa Vàng đang trải qua giống như một cơn ác mộng, và nỗi đau đó như nhân lên nhiều lên trước thành công rực rỡ của đại kình địch là các đội tuyển Việt Nam. Hơn 3 năm dưới tay HLV Park Hang Seo, bóng đá Việt Nam gặt hái hàng loạt chiến tích.

Không chỉ là chức vô địch AFF Cup 2018 sau 10 năm, tấm HCV lịch sử tại SEA Games 30, thầy trò ông Park còn ghi dấu ấn tại các giải đấu châu lục, như bán kết Asiad 2018, tứ kết Asian Cup 2019 và mới đây trở thành đại diện duy nhất của Đông Nam Á lọt vào vòng loại thứ 3 World Cup 2022.

Điều đặc biệt, ông thầy người Hàn và các học trò luôn ra sân với niềm tự hào dân tộc mạnh mẽ, quyết tâm chiến thắng. Chính điều đó thổi bùng tình yêu, khát vọng của hàng triệu người Việt Nam.

Dưới thời HLV Park Hang Seo, chưa có bất cứ một câu chuyện không hay nào xảy ra trong phòng thay đồ của các đội tuyển… Đó là điều mà nhiều đời HLV của đội tuyển Thái Lan trong những năm gần đây không thể làm được.

Ẩn số từ Kiatisak

Kiatisak đang là HLV trưởng CLB HAGL của Việt Nam.

Kiatisak đang là HLV trưởng CLB HAGL của Việt Nam.

Trong cơn “bĩ cực”, người Thái nhớ về cố nhân. Cũng đúng thôi! Dưới thời Kiatisak (2014 - 2017), bóng đá Thái Lan duy trì được vị thế số 1 khu vực Đông Nam Á, đồng thời giành được thành tích ấn tượng ở các sân chơi lớn.

U23 Thái Lan dễ dàng giành HCV SEA Games 2013, đội tuyển Thái Lan vô địch AFF Cup hai lần (2014 và 2016) và vào đến bán kết Asiad 2014. Đỉnh cao của triều đại “Zico” Thái trong giai đoạn này là suất tham dự vòng loại cuối cùng World Cup 2018 khu vực châu Á.

Tuy nhiên, đây cũng là bước ngoặt khiến bóng đá Thái Lan bắt đầu lao dốc vì ảo tưởng và sự ra đi đầy cay đắng của Kiatisak.

Rơi vào bảng B với các đội bóng hàng đầu châu lục như Nhật Bản, Saudi Arabia, Australia, UAE và Iraq, Thái Lan không thắng trận nào, hòa 2 và thua đến 8 trận, ghi 6 bàn thắng nhưng thủng lưới đến 24 lần. Nếu chỉ nhìn vào bảng điểm và những con số thống kê, đó là kết quả “xấu hổ” với Thái Lan.

Nhưng nhìn vào thực tế, đó là kết cục được dự đoán trước với một đội bóng từ “vùng trũng” Đông Nam Á khi bước lên sàn đấu đỉnh cao châu lục. Nếu người Thái Lan tỉnh táo hơn, họ nên đánh giá cao hai trận hòa mà đội bóng của Kiatisak giành được, 2-2 trước Australia, và 1-1 trước UAE.

Đằng này, FAT và cả người hâm mộ Thái Lan rơi vào trạng thái… đội tuyển quốc gia sẽ đi… World Cup. FAT cho rằng, bóng đá Thái Lan chỉ cần có ông thầy danh tiếng sẽ tiến lên đẳng cấp mới mà quên đi nhìn vào thực tế, chất lượng cầu thủ Thái Lan không còn ở mức hàng đầu khu vực. Có nhiều cầu thủ ra nước ngoài chơi bóng, nhưng không phải ai cũng tiến bộ và thành công như mong muốn.

Thai-League lạm dụng ngoại binh khiến cho chất lượng cầu thủ Thái Lan đi xuống. Trong tốp 10 ghi bàn tốt nhất Thai-League 2020 - 2021, chỉ có một cầu thủ Thái Lan là Philip Roller, song anh này cầu thủ gốc Đức.

Một vấn đề khác mà người hâm mộ Thái Lan tranh cãi trước thềm các trận đấu ở UAE gần đây: Sự thiếu tôn trọng với màu cờ sắc áo quốc gia. Theerathon - một trong những hậu vệ trái xuất sắc nhất bóng đá châu Á, từ chối lên tuyển để tập trung cho CLB.

Ngay cả ngôi sao sáng nhất hiện nay Chanathip cũng đá không hết sức khi trở về khoác áo Thái Lan. Những cầu thủ chơi bóng ở nước ngoài dường như ở vào tâm lý bảo vệ đôi chân và vị trí của họ ở CLB vì lợi ích tiền lương, nên đội tuyển quốc gia bị xem nhẹ.

Kiatisak đang thể hiện tài cầm quân của mình tại Việt Nam khi dẫn dắt HAGL đứng đầu V-League 2021 sau nhiều năm… đua trụ hạng. Ngoài vấn đề con người, Kiatisak thấu hiểu bóng đá Thái Lan hơn ai khác. Ông biết cách phát huy tài năng của các cầu thủ.

Vậy nên, truyền thông Thái Lan đánh giá cao tài cầm quân của Kiatisak và đặt kỳ vọng vào ông nếu trở lại trong vai trò thuyền trưởng của Voi chiến là điều tất yếu. Tờ Siam Sport đặt kỳ vọng nếu Kiatisak trở lại dẫn dắt đội tuyển Thái Lan thì họ sẽ lấy lại vị trí số 1 Đông Nam Á từ tay đội tuyển Việt Nam.

Cũng theo Siam Sport, với sự hiểu biết và danh tiếng, Kiatisak sẽ làm tốt công việc của mình và nhận được nhiều sự ủng hộ nếu quay lại dẫn dắt Voi chiến. Kiatisak là huấn luyện viên có tỉ lệ thắng cao nhất Đông Nam Á thời điểm ông còn dẫn dắt tuyển Thái Lan với 51,2%.

SiamSport còn nhấn mạnh, đội tuyển Thái Lan mất phương hướng do FAT quá trọng danh tiếng của những HLV từng dự World Cup, xem nhẹ nguồn nhân lực trong nước và phá vỡ cấu trúc phát triển của bóng đá xứ chùa Vàng. Zico Thái đang có mặt tại Thái Lan do V-League 2021 tạm nghỉ, dự kiến đến tháng 2/2022 sẽ trở lại.

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện tại chính là việc Kiatisak đang dẫn dắt HAGL theo bản hợp đồng có thời hạn 2 năm, đến hết năm 2022. Tương lai của Kiatisak hiện tại phục thuộc vào quyết định của Chủ tịch đội bóng phố Núi, ông Đoàn Nguyên Đức.

Trong những diễn biến gần đây, bầu Đức dường như sẵn sàng để Kiatisak trở lại Thái Lan nếu phía FAT có thiện chí. Ông nói rằng: Kiatisak vẫn còn hợp đồng với HAGL. Về nguyên tắc thì cậu ấy cứ làm việc xong rồi đi đâu thì đi chứ tôi làm sao giữ được. Nếu FAT muốn có Kiatisak thì phải nói chuyện với HAGL.

Thất bại của bóng đá Thái Lan trong 4 năm qua đơn giản chỉ nằm trong 4 chữ: Không biết chính mình. Vì không biết thực lực đến tầm nào, bóng đá xứ chùa Vàng đã đốt cháy giai đoạn. Sự vươn lên của các đội tuyển Việt Nam càng khiến Thái Lan nóng ruột và lún sâu hơn vào khủng hoảng.

Ngay cả có được Kiatisak thì thời điểm này, ngày trở lại của đội bóng giàu thành tích nhất Đông Nam Á vẫn rất xa xôi và nhiều chông gai. Bóng đá Việt Nam đã vươn lên trở thành thế lực vững vàng, cánh chim đầu đàn của Đông Nam Á.

Theo kế hoạch, AFF Cup 2020 sẽ diễn ra từ ngày 5/12/2021 tới 1/1/2022. Tuy nhiên, Giải đấu gần như không thể diễn ra theo thể thức cũ (đá đan xen sân nhà - sân khách ở vòng bảng và lượt đi - lượt về kể từ bán kết) bởi nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn đang áp dụng nghiêm quy định cách ly với các trường hợp nhập cảnh để phòng chống dịch bệnh. Vì vậy, AFF đang xem xét kế hoạch tổ chức tập trung giải đấu ở 1 hoặc 2 quốc gia và Thái Lan được cho đã sẵn sàng đứng ra đăng cai toàn bộ giải đấu. Thái Lan từng tổ chức các trận đấu ở AFC Champions League theo quy tắc “bong bóng” của AFC nên nếu quốc gia này đăng cai AFF Cup, AFF nhiều khả năng sẽ đồng ý bởi đây là giải pháp gần như tốt nhất.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/bong-da-thai-lan-khung-hoang-tu-su-ao-tuong-q6x8eAn7R.html