Bóng đá Việt Nam 'ngủ đông', tài năng của Quang Hải, Hoàng Đức bị lãng phí
Guồng quay bóng đá Việt đóng băng gần nửa năm đã ảnh hưởng không nhỏ đến đà thăng tiến của ĐTQG, mà 5 trận thua liên tiếp ở vòng loại World Cup 2022 chỉ là bề nổi.
Vị trí cuối bảng của tuyển Việt Nam ở vòng loại thứ ba World Cup 2022 sau 4 lượt trận không khiến giới mộ điệu bất ngờ. Thầy trò HLV Park Hang Seo đứng ở nhóm hạt giống số sáu, chỉ dự vòng loại cuối với mục tiêu học hỏi, cọ xát.
Tuy nhiên, vấn đề của Nguyễn Quang Hải cùng đồng đội không phải thành tích. Mà trên chặng đường rất dài hướng đến, với đích ngắm là World Cup 2026, bóng đá Việt Nam đang có một khoảng chững lại.
Video: Oman 3-1 Việt Nam
Lãng phí hay không?
Chiều 15/10, ký giả Gabriel Tan (chuyên gia phân tích bóng đá Đông Nam Á) có bài viết trên ESPN với tiêu đề: "Việt Nam đang lãng phí tài năng của Quang Hải". Ông nêu luận điểm: V-League 2021 bị hủy bỏ vì ảnh hưởng của đại dịch. Điều đó có nghĩa là Nguyễn Quang Hải và các đồng đội ở tuyển Việt Nam thiếu môi trường cạnh tranh.
Đây là thiếu sót lớn mà thua thiệt về đẳng cấp, kinh nghiệm, những pha phạm lỗi vụng về trong vòng cấm hay sự bế tắc ở khâu tấn công, chỉ là bề nổi của vấn đề.
Thực tế, tuyển Việt Nam không có quá trình chuẩn bị chu toàn cho vòng loại thứ ba vì nhiều nguyên nhân, chủ yếu là khách quan.
Do V-League đóng băng vì đại dịch, các tuyển thủ quốc gia chỉ chơi khoảng 10-13 trận ở cấp CLB trong suốt năm 2021, gồm 12 trận ở giải vô địch quốc gia và 1 trận tại Cúp Quốc gia. CLB Viettel, đội dự AFC Champions League, là ngoại lệ duy nhất với thêm 6 trận cọ xát.
Tính trong năm 2020, các tuyển thủ Việt Nam chỉ đá 20 trận ở V-League (với các đội thuộc nhóm đua vô địch), bị rút ngắn 6 trận cũng do đại dịch. Tính thêm Cúp Quốc gia, số trận tăng thêm từ 2 đến 4 trận tùy đội.
Như vậy, một tuyển thủ chỉ chơi trung bình 36 trận cấp CLB trong 2 năm qua, hầu hết ở đấu trường trong nước, trung bình 18 trận/năm, giảm từ 50-70% so với năm 2018, 2019. Đó là con số quá thấp.
Số trận giảm xuống đột ngột ảnh hưởng trực tiếp đến phong độ cầu thủ. Không được thi đấu, cạnh tranh thường xuyên, sức ì bắt đầu xuất hiện ở cả thể chất và tâm lý cầu thủ.
Một thành viên đội tuyển chia sẻ: "So với Asian Cup 2019, tuyển Việt Nam hiện tại không đá được như thế. Các cầu thủ không còn tự tin chuyền bóng, cầm bóng phối hợp, đá thanh thoát".
Nhìn lại những giải đấu thành công của thầy trò Park Hang Seo để thấy sự chuẩn bị đóng vai trò quan trọng thế nào. U23 Việt Nam vào chung kết U23 châu Á 2018 một phần nhờ giải M-150, nơi HLV Park Hang Seo tìm thấy sơ đồ 3-4-3 cùng sự tin tưởng của học trò sau trận thắng U23 Thái Lan.
Giải giao hữu Tứ hùng giúp Olympic Việt Nam tìm thấy mảnh ghép Đỗ Hùng Dũng, sau đó vào bán kết ASIAD 2018. 4 tháng sau, tuyển Việt Nam vô địch AFF Cup 2018, sau đó mang sự tự tin ra châu Á, rồi vào tứ kết Asian Cup 2019, có màn trình diễn để đời với Nhật Bản.
Tuyển Việt Nam đã sử dụng giải này làm nền tảng gối đầu để giải khác có thành công lớn hơn. Nhưng từ năm 2020 đến nay, sự đứt quãng đã xuất hiện.
Điều đáng lo với tuyển Việt Nam không phải những trận thua mà là cách thua, khi nhiều cầu thủ không giữ được phong độ, chưa nói đến tiến bộ.
Quang Hải, Công Phượng, Duy Mạnh... đang chững lại ở độ tuổi 24-26 - thời điểm đáng lẽ các cầu thủ phải thể hiện sự bứt phá, thay vì sớm chạm ngưỡng.
Tuyển Việt Nam cần đá giao hữu
V-League bị hoãn, khiến cơ hội thi đấu chính thức cho các tuyển thủ chỉ còn là các trận đấu cấp ĐTQG. Dù vậy, từ năm 2020 đến nay, tuyển Việt Nam chỉ có 1 trận giao hữu quốc tế (từ tháng 5). Ả Rập Xê Út, Nhật Bản, Oman đều có trên 3 trận giao hữu.
Tuyển Trung Quốc nghỉ đá suốt năm 2020, nhưng trước trận gặp Việt Nam, thầy trò HLV Li Tie đã làm mọi cách để xếp được trận đấu làm nóng với Syria. Dù đối thủ chỉ tung ra sân nửa đội hình chính (theo Sina Sports), nhưng Trung Quốc cũng có một trận làm nóng để khắc phục điểm yếu.
Australia không đá giao hữu, nhưng hai phần ba đội hình của HLV Graham Arnold đang chơi tại châu Âu, nơi nhịp sống bóng đá diễn ra bình thường.
Tuyển Việt Nam tập liên tục, tuy nhiên, thầy trò HLV Park Hang Seo chỉ đá giao hữu với U22 Việt Nam. Đó là những trận đấu không thể giúp cầu thủ nâng cao trình độ.
"Ở bất kỳ giai đoạn nào trong sự nghiệp cầu thủ, việc không thi đấu trong một thời gian dài sẽ mang lại ảnh hưởng tiêu cực, đặc biệt là với những cầu thủ trẻ. Tuyển Việt Nam đã hội quân, tổ chức các trận đấu tập. Trong các trận nội bộ, các bạn thường thi đấu với những cầu thủ có trình độ tương đương nhưng cường độ thấp hơn.
Những vấn đề như thể lực, nhịp độ, hay việc đưa ra những quyết định nhanh khi chịu áp lực lớn, bạn có thể tập luyện nhưng nó không thề giống với lúc thi đấu chính thức", Rhysh Roshan Rai, một cựu cầu thủ Singapore từng tham dự AFC Champions League, chia sẻ.
HLV Park Hang Seo bị chê trách là bảo thủ, không chịu thay đổi, nhưng phải thay đổi thế nào khi không nhiều cầu thủ bật hẳn lên, đội tuyển không có trận giao hữu để "thử bài", buộc ông phải trung thành với công thức cũ?
Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, tuyển Việt Nam cần được thi đấu giao hữu thường xuyên, ít nhất 1 - 2 trận trước các trận lớn để ban huấn luyện tìm ra công thức tối ưu.
Đây cũng là giải pháp tạm thời giúp cầu thủ không bị gián đoạn quá trình phát triển. Được chơi liên tục, dù bằng hình thức nào, cũng là cách để Quang Hải, Công Phượng... không lãng phí quãng thời gian sung sức nhất sự nghiệp vào những buổi tập triền miên và chỉ được chơi vỏn vẹn 2 trận mỗi tháng.
Sự phát triển của cầu thủ, suy cho cùng, mới là điều quan trọng nhất.