Bóng đá Việt Nam và chuyện xuất ngoại
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng nhiều khả năng sẽ chọn ở lại Yokohama FC thay vì về thi đấu tại V-League. Điều này một lần nữa khiến khán giả đặt tò mò về hành trình xuất ngoại của các cầu thủ Việt Nam. Liệu nó có phải là 'giấc mơ' đẹp để họ rèn chân? Nhưng từ quá khứ cho đến hiện tại, điều ta thấy rõ - mỗi cầu thủ là một đại sứ và những chuyến đi tới mỗi miền đất là một cơ hội để đưa hình ảnh đất nước Việt Nam, bóng đá Việt Nam tới thế giới.
"Toàn cầu hóa" - xu hướng tất yếu của bóng đá thế giới
Trong số những thay đổi mà bóng đá thế giới đã tạo ra trong thời gian qua, có lẽ xu thế toàn cầu hóa là đáng chú ý nhất. Sự góp mặt của các cầu thủ nước ngoài đã xóa dần ranh giới giữa các nền bóng đá khác nhau ở châu lục, đồng thời tạo ra sự giao thoa giữa con người và các nền văn hóa bóng đá.
Điều này đã được các CLB, quốc gia bóng đá tại châu Âu thực hiện từ rất lâu. Năm 1989, Arsenal giành chức VĐQG Anh bằng một đội hình toàn những cầu thủ đến từ Liên hiệp Anh và CH Ireland thì ở mùa giải 2003/04, chỉ tính riêng ở các CLB tham dự Premiership, đã có tới 79 cầu thủ đến từ các nước không thuộc Liên hiệp Anh.
Tại Nga, những ai yêu bóng đá Anh đều không hề xa lạ với cái tên Moscow Reds, CLB những CĐV trung thành của MU được thành lập vào năm 2001 bởi một nhóm thanh niên hiện sống tại Moscow, đứng đầu là Vadim Vasiliyev, một cựu cầu thủ của CLB Dynamo Moscow: “Chúng tôi bắt đầu yêu thích MU từ năm 1995, khi trong đội hình đội bóng này có Andrei Kanchelskis, một cầu thủ người Nga và đó cũng là thời điểm truyền hình Nga khởi chiếu các trận đấu tại Championship”.
Không phải chỉ có những CLB lớn tại châu Âu mới thu hút được sự hâm mộ từ những CĐV ngoại quốc, mà hiện tượng này cũng diễn ra với các đội bóng nhỏ hơn tại Anh. Newcastle là đội bóng như vậy. Họ được ưa chuộng tại Macedonia, trong khi những người Bulgaria biết tiếng CLB Colchester cũng chỉ vì một người đồng hương của họ đã nhận được huân chương cao quý của Hiệp hội Bóng đá Anh.
Rõ ràng, trong những năm qua, sự giao thoa giữa các nền văn hóa bóng đá khác nhau đã khiến bóng đá Anh không còn bị “mang tiếng” là nặng về thể lực, bóng đá Italia cũng mất dần tính chiến thuật và tư tưởng thực dụng hay giờ đây, các cầu thủ Hà Lan cũng chẳng phải chỉ thiên về lối chơi kỹ thuật. Có thể dễ dàng nhận thấy rằng, văn hóa bóng đá giữa các châu lục đã có sự đồng nhất.
Những cuộc "viễn chinh" của cầu thủ Việt Nam
Neil Etheridge người Philippines là cái tên được nhắc tới nhiều nhất ở Đông Nam Á khi trở thành đại diện đầu tiên của bóng đá khu vực này góp mặt tại giải Ngoại hạng Anh. Còn với bóng đá Việt Nam thì cái tên Lê Huỳnh Đức lại vinh dự là cầu thủ đầu tiên được ra nước ngoài chơi bóng. Sau đó là các cựu cầu thủ Lương Trung Tuấn, Lê Công Vinh…
Ở những lứa sau này là Nguyễn Công Phượng, Đoàn Văn Hậu, Tuấn Anh, Xuân Trường… họ từng rời khỏi mảnh đất hình chữ S để tìm thử thách mới. Lực lượng khá nhiều nhưng kết quả lại không như chúng ta mong đợi.
Mẫu số chung là các cầu thủ cũng chỉ thi đấu được không quá nổi nửa trận, thời gian ngồi trên hàng ghế dự bị nhiều hơn thời gian họ tập luyện. Nhiều người đã không tìm được cơ hội đều phải quay về Việt Nam thi đấu.
Có rất nhiều nguyên nhân để lý giải cho thất bại của những cầu thủ Việt Nam xuất ngoại: Lựa chọn sai điểm đến, không thể thích nghi với môi trường, hay đơn giản là chưa đủ trình độ cạnh tranh. Một mặt nào đó, việc đã trở thành những ngôi sao có tên tuổi ở Việt Nam cũng là rào cản lớn bởi tại đội bóng mới, các cầu thủ phải bắt đầu từ con số 0. Họ có thể phải thay đổi hoàn toàn phong cách chơi đã được định hình, điều đó tạo ra thêm những khó khăn trong quá trình hòa nhập.
Những cuộc "viễn chinh" của cầu thủ Việt Nam trước đây mang tính nhỏ lẻ, không tạo thành xu thế hay hiệu ứng đủ mạnh để thay đổi tư duy cũ. Nhưng bên cạnh đó cũng đã có những tấm gương gặt hái những thành công lớn khi ra nước ngoài thi đấu.
Là cầu thủ nữ duy nhất của bóng đá Việt Nam xuất ngoại, nhưng Huỳnh Như lại là người thành công nhất. Nữ tiền đạo 31 tuổi luôn thi đấu đầy tự tin. Chỉ cần đánh giá về số bàn thắng và kiến tạo, Huỳnh Như là cầu thủ Việt Nam thành công nhất khi ra nước ngoài chơi bóng. Số bàn thắng của cô gần bằng những Huỳnh Đức, Công Vinh, Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Hậu hay Quang Hải (tổng cộng 8 bàn) cộng lại.
Tất nhiên, so sánh giữa bóng đá nam và bóng đá nữ sẽ có sự khập khiễng, nhưng về bản chất là giống nhau. Khi cầu thủ Việt Nam bước ra sân chơi có trình độ cao hơn, môi trường mới, hoàn toàn xa lạ nên một yếu tố khác để đánh giá về mức độ thành công của từng cá nhân là khả năng hòa nhập.
Dù thành công hay thất bại, mỗi cầu thủ là một đại sứ và những chuyến đi tới mỗi miền đất khác nhau chính là thời cơ để đưa hình ảnh đất nước Việt Nam, bóng đá Việt Nam tới thế giới. Điều đó không chỉ mang lại cho bóng đá chúng ta vị thế mới, mà còn thu hẹp đáng kể khoảng cách về cả tâm thức và trình độ của cầu thủ Việt Nam với cầu thủ quốc tế.
Những niềm tin ở tương lai
Tiền đạo Nguyễn Công Phượng nhiều khả năng không trở lại Việt Nam sau khi Yokohama FC rớt hạng cũng sẽ là một thử thách, nhưng cũng có những cơ hội rất đáng trân trọng. Theo đó, việc Yokohama xuống hạng phần nào là tin vui đối với cầu thủ Việt Nam. Lúc này, các cầu thủ trụ cột của đội nhiều khả năng sẽ ra đi tìm bến đỗ mới, từ đó Công Phượng sẽ có nhiều cơ hội ra sân hơn.
Hay cái tên Hoàng Vĩnh Nguyên đang được quan tâm nhất của bóng đá Việt Nam những ngày qua, sau khi cầu thủ trẻ sinh năm 2002 chính thức gia nhập đội bóng Cadiz của Tây Ban Nha. So với các tên tuổi đã từng xuất ngoại thi đấu, Vĩnh Nguyên là một cái tên còn tương đối xa lạ. Nhưng cũng chính bởi điều đó, cơ hội để tài năng trẻ này có thể đạt được những bước tiến lớn lại có vẻ sáng sủa hơn những người đàn anh.
Chưa phải là cái tên nổi bật đối với người hâm mộ, song Hoàng Vĩnh Nguyên là một trong những cầu thủ đã có những màn trình diễn xuất sắc ở các giải trẻ. Không có được thể hình ấn tượng (chỉ cao 1m70), cầu thủ thuận chân trái này thường được so sánh với đàn anh Lương Xuân Trường. Cùng chơi ở vị trí tiền vệ trung tâm như Xuân Trường, Vĩnh Nguyên được đánh giá cao ở khả năng cầm bóng, phân phối và thực hiện những đường chuyền dài với nhãn quan tốt cùng độ chuẩn xác rất cao.
Đó là những “quả ngọt” cho sự nỗ lực không ngừng nghỉ. Với các cầu thủ thì đây không phải giấc mơ mà là mục tiêu. Không phải lý thuyết, mà phải hành động. Cầu thủ Việt Nam cần mạnh dạn bước ra nước ngoài để trưởng thành hơn, thay vì cứ mãi gói mình trong "tổ ấm" V-League.
Nguồn Công Lý: https://congly.vn/bong-da-viet-nam-va-chuyen-xuat-ngoai-408322.html