Bóng đá với người dân Philippines
Bóng đá luôn được xem là môn thể thao 'vua'. Ở mỗi kỳ SEA Games cũng vậy, mọi sự chú ý đều hướng đến các trận đấu bóng đá. Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng đều xem bóng đá có vị trí hàng đầu trong tất cả môn thể thao. Cụ thể, với nước chủ nhà SEA Games 30 - Philippines, là một ví dụ.
Đến xem trận đấu có tính chất quan trọng để giành vé vào bán kết môn bóng đá nữ tại SEA Games giữa Philippines - Myanmar, quan sát các khán đài Sân vận động Binan, chúng tôi thấy, lực lượng cổ động viên của nước chủ nhà Philippines lại ít hơn rất nhiều so với các cổ động viên đội khách đến từ Myanmar. Điều này cũng hết sức dễ hiểu bởi đa số người dân ở Philippines rất thờ ơ với môn thể thao này. Ngược lại, họ chỉ đam mê boxing, bóng rổ hay các môn võ khác. Đặc biệt là boxing, nếu đề cập đến thì nhiều người dân ở đây có thể ngồi trò chuyện cả ngày. Trong câu chuyện về boxing, chắc chắn họ sẽ nhắc đến cái tên Mamny Pacquiao - niềm kiêu hãnh của Philippines với những chiếc đai vô địch hạng trung, bán trung của thế giới.
Với bóng đá, nhiều thập kỷ qua, nếu không nói đến các cầu thủ nhập tịch trong vài năm gần đây thì Philippines không có danh thủ nào được khu vực biết đến. Từ không đam mê bóng đá như những quốc gia khác nên việc thờ ơ với môn thể thao “vua” của người dân Philippines cũng là điều dễ hiểu. Trò chuyện với anh Norza (30 tuổi), đang sinh sống và làm việc gần Sân vận động Binan để hỏi về môn bóng đá, anh nói rất ngắn gọn: “Bóng đá à, tôi cũng không rành lắm...”.
Trong lúc trận bóng đá nữ của đội chủ nhà đang diễn ra quyết liệt bên trong sân, chúng tôi thử di chuyển ra bên ngoài để trò chuyện với một nhóm phụ nữ bản xứ đang đi dạo quanh sân thì được chị Denilo cho biết: “Tôi cũng biết đang có trận bóng đá nữ của Philippines ở SEA Games trong kia nhưng tôi không thích bóng đá cho lắm. Tôi vẫn thường xem boxing cùng chồng qua tivi”.
Trong khi đó, điều hết sức lạ lùng là Philippines lại có một nền bóng đá được xem là lâu đời nhất của cả châu lục. Từ 112 năm trước (1907), Hiệp hội Bóng đá Philippines đã được thành lập và là một trong những thành viên sáng lập của Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC). Hiện nay ở giải quốc nội, Philippines cũng có giải vô địch quốc gia và cúp quốc gia như một số nước, nhưng chất lượng thì không như mong muốn.
Nhằm cải thiện chất lượng bóng đá nước mình, năm 2009, Philippines tung ra dự án “Project 100” với tham vọng đưa bóng đá Philippines từ “kẻ lót đường” tại các giải đấu trong khu vực, lọt top 100 đội tuyển mạnh nhất trên bảng xếp hạng FIFA. Từ khi “Project 100” hoạt động, rất nhiều người con lưu lạc của bóng đá Philippines đã bày tỏ nguyện vọng được trở về cống hiến cho đội tuyển quốc gia. Trong số đó, có nhiều cái tên từng được đào tạo tại các quốc gia hàng đầu châu Âu như anh em nhà Manuel, Mike Ott, Younghusband hay Michael Falkesgaard, đặc biệt là Neil Etheridge - thủ thành số 1 của Câu lạc bộ Cardiff City tại ngoại hạng Anh. Mới đây, Liên đoàn Bóng đá quốc gia Philippines còn ký hợp đồng với ông Sven-Goran Eriksson, huấn luyện viên tiếng tăm của làng bóng đá thế giới về dẫn dắt tuyển quốc gia.
Dự án “Roject 100” đã mang đến thành quả ngọt ngào cho bóng đá Philippines chỉ 1 năm sau đó. Năm 2010, họ tạo nên cơn địa chấn khi quật ngã đương kim vô địch Việt Nam ngay tại Mỹ Đình với tỷ số 2-0. 2 kỳ AFF Cup sau đó, họ đều lọt tới bán kết trước khi tạm dừng lại với thất bại ngay từ vòng đấu bảng ở kỳ AFF Cup 2016. Đầu tư rất táo bạo nhưng nếu so với nhiều nước trong khu vực thì bóng đá Philippines vẫn chưa xứng tầm. Họ vẫn chưa có hệ thống đào tạo trẻ mang tính đường dài, thậm chí cơ sở vật chất cho bóng đá cũng còn thiếu thốn. Những khiếm khuyết này của bóng đá Philippines xuất phát từ chính sự thiếu ủng hộ của người dân.
Nguyễn Tấn (từ Philippines)
Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/bong-da-voi-nguoi-dan-philippines-8369