Bóng dáng Trung Quốc trong thảm họa kinh tế của Sri Lanka
Sri Lanka trải qua cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất 7 thập kỷ qua, khi Tổng thống bỏ đi lánh nạn giữa làn sóng biểu tình chống đối và gửi email xin từ chức từ nước ngoài, buộc quốc hội phải bầu người thay thế.
Sự trốn chạy đầy hoảng loạn của Tổng thống Gotabaya Rajapaksa và Thủ tướng Mahinda Rajapaksa, hai anh em trai đóng vai trò quan trọng ở chính trường Sri Lanka trong hơn 1 thập kỷ, diễn ra trong bối cảnh kinh tế sụp đổ, dẫn đến các cuộc biểu tình rầm rộ. Giờ đây, người chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín tại quốc hội sẽ chủ trì một chính phủ đoàn kết đang lung lay, mở đường cho các cuộc bầu cử mới.
Chính khách Ranil Wickremesinghe, người từng giữ chức Thủ tướng tới 6 lần và vừa được bầu kế nhiệm Tổng thống Rajapaksa, đang phải đối mặt với nhiệm vụ vô cùng khó khăn, kể cả vạch ra con đường phía trước với các nhà đàm phán đến từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF).
Thảm cảnh
Sri Lanka đã vỡ nợ. Đất nước không có khả năng chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu, bao gồm thực phẩm, thuốc men và nhiên liệu, một phần vì không thể thanh toán các khoản nợ bằng kho dự trữ ngoại tệ về cơ bản trống rỗng.
Lạm phát tăng vọt khiến phần lớn trong số 22 triệu dân của Sri Lanka cần hỗ trợ lương thực. Các trường học và nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đóng cửa, trong khi người dân phải xếp hàng dài hàng km để mua khí đốt.
Đối với thế giới, Sri Lanka đã trở thành một câu chuyện cảnh báo về quản trị sai lầm và vận rủi. Sự trác táng của anh em nhà Rajapaksa cùng với một kế hoạch sai lầm nhằm chuyển đổi ngành nông nghiệp thành một doanh nghiệp hữu cơ duy nhất đã va chạm với một loạt yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của đất nước.
Tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, vốn làm sụp đổ ngành du lịch thiết yếu và sau đó là cuộc xung đột Nga - Ukraine, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và đẩy nhanh vòng xoáy lạm phát kéo nền kinh tế Sri Lanka xuống vực sâu.
Nhiều chuyên gia quốc tế cảnh báo, những quốc gia vay nợ khác, từ ở Đông Nam Á đến Đông Phi, đang có xu hướng đối mặt với số phận tương tự.
“Các quốc gia có mức nợ cao và không gian chính sách hạn chế sẽ phải đối diện thêm căng thẳng. Hãy nhìn Sri Lanka như một dấu hiệu cảnh báo”, Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva phát biểu trong cuộc họp của các bộ trưởng Tài chính G20 cuối tuần trước.
Cảnh báo về "bẫy nợ"
Theo báo Washington Post, một trong những tác nhân chính trong thảm họa ở Sri Lanka là Trung Quốc. Bắc Kinh là chủ nợ đơn lẻ lớn nhất với khoảng 10% tổng nợ nước ngoài của nước này.
Từ năm 2000 - 2020, Bắc Kinh đã mở rộng các khoản cho vay lên gần 12 tỷ USD dành cho chính phủ Sri Lanka, phần lớn liên quan đến một loạt dự án cơ sở hạ tầng, kể cả một dự án xây cảng tốn kém ở quê hương Hambantota của ông Rajapaksas. Chính phủ Sri Lanka đã nhượng lại quyền quản lý cảng này cho người Trung Quốc từ cách đây nửa thập kỷ, sau khi thừa nhận không thể trả hết các khoản vay.
Song, sau khi chi những khoản tiền khổng lồ để trở thành chủ nợ trên thực tế của phần lớn các nước đang phát triển, các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc những năm gần đây đã quan tâm hơn đến việc thu hồi nợ. Nền kinh tế trong nước đang tăng trưởng chậm lại đã hạn chế mong muốn theo đuổi rủi ro ở nước ngoài của Bắc Kinh.
Trung Quốc thay đổi chính sách đối ngoại, hướng mạnh tới châu PhiXem ngay
Tuy nhiên, Sri Lanka đã lún sâu vào cái mà những người chỉ trích Bắc Kinh gọi là ngoại giao "bẫy nợ". Năm 2020, quốc gia Nam Á nhận được một dòng tín dụng dễ dàng trị giá 3 tỷ USD từ Trung Quốc để giúp trả các khoản nợ lúc bấy giờ của họ.
Sri Lanka chọn con đường này thay vì thực hiện các bước khó khăn hơn trong việc tái cơ cấu các khoản nợ trong cuộc đàm phán với IMF và thúc đẩy các biện pháp thắt lưng buộc bụng để xoa dịu Câu lạc bộ Paris - nhóm quy tụ 22 quốc gia giàu có là những chủ vay lớn của thế giới. Việc Trung Quốc không phải là thành viên của Câu lạc bộ Paris được tin phản ánh tham vọng của họ cũng như việc họ không thích các quy tắc do các cường quốc khác đặt ra.
Đó dường như là một sai lầm. Tờ Wall Street Journal dẫn lời Ali Sabry, quyền Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka từ tháng 4 đến tháng 5 thừa nhận: “Thay vì tận dụng nguồn dự trữ hạn chế mà chúng tôi có và tái cấu trúc khoản nợ trước, chúng tôi tiếp tục thanh toán nợ cho đến khi hết tất cả các khoản dự trữ của mình. Thực tế, chúng tôi đáng lẽ nên tìm tới IMF ít nhất 12 tháng trước đó".
Các khoản vay do Trung Quốc cung cấp cũng chiếm tỷ lệ lớn ở các quốc gia nợ nần chồng chất khác.
Phản biện
Quan chức Trung Quốc và các nhà bình luận ủng hộ đại lục phản đối những chỉ trích của phương Tây. “Đó chỉ đơn giản là một trường hợp điển hình khác phản ánh tâm lý chua ngoa của thế giới phương Tây do Mỹ lãnh đạo, không muốn thấy bất kỳ sự hợp tác có lợi nào giữa Trung Quốc và các nước khác. Và họ biết rõ họ đã mất lợi thế khi theo đuổi những kiểu hợp tác như vậy", Thời báo Hoàn cầu, một ấn phẩm của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc phản bác.
Trong trường hợp của Sri Lanka, Trung Quốc không phải là chủ nợ duy nhất. Ấn Độ và Nhật Bản nằm trong số các quốc gia cung cấp một phần đáng kể các khoản vay của Sri Lanka và cũng đang vướng vào các cuộc đàm phán phức tạp về việc trả nợ và viện trợ thêm. Song, chuyên gia Alan Keenan thuộc Nhóm Khủng hoảng quốc tế (ICG) lập luận rằng, sự gắn kết của Trung Quốc với Sri Lanka dễ thấy và có vấn đề hơn.
Di sản Bắc Kinh để lại ở Colombo sẽ là dấu ấn trong những năm tới. Cây bút Peter Hartcher của tờ Sydney Morning Herald viết: “Đây là vụ sụp đổ lớn đầu tiên, không kiểm soát được mà Trung Quốc là nước cho vay chi phối. Điều này đặt ra những câu hỏi lớn về cách họ xử lý quyền lực mới của mình đối với số phận của các quốc gia đang ở giai đoạn dễ bị tổn thương nhất”.