Bỗng dưng… thấy những thương hiệu Việt ở nước ngoài
Chuyện thương hiệu siêu thị lâu năm của Việt Nam Co.opmart gần đây bỗng dưng xuất hiện tại Úc, dù nhà bán lẻ này chưa nhượng quyền hay đầu tư ra nước ngoài, tiếp tục gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về tình trạng lơ là vấn đề sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trước Co.opmart, hàng loạt thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam khác; nhãn hiệu và sản phẩm gắn liền với các địa phương của nền kinh tế gần 100 triệu dân cũng đã bị “đánh cắp” hoặc bị nhái ở thị trường các nước.
Thương hiệu Việt “bỗng dưng” xuất hiện ở nước ngoài
Thương hiệu và logo siêu thị Co.opmart đã xuất hiện ở bang Victoria, nước Úc mấy tháng qua, nhưng chủ nhân của thương hiệu này là Saigon Co.op không hề hay biết. Đây cũng là điểm kinh doanh hàng hóa thực phẩm, và có bán một số mặt hàng nhập từ Việt Nam như mì gói, phở ăn liền, cà phê, thực phẩm khô…
Mãi đến khi một doanh nhân Việt Nam đi công tác ở xứ sở chuột túi này phát hiện và báo với nhà bán lẻ này thì phía Saigon Co.op mới hay biết. Theo vị doanh nhân này chia sẻ, nhiều người Việt tại xứ sở chuột túi tưởng rằng chủ thương hiệu siêu thị này của Việt Nam mở kinh doanh nên ghé ủng hộ. Tuy nhiên, nhận thấy sản phẩm bày bán tại cửa hàng ở Úc lộn xộn, không chỉn chu giống như mô hình siêu thị này tại Việt Nam, nên ông nghi ngờ…
Trong khi đó, ở phía đại diện nhà phân phối thương hiệu Việt này thì khẳng định chưa đầu tư ra nước nào cũng như nhượng quyền kinh doanh cho bất cứ doanh nghiệp nào ở nước ngoài. Qua quan sát, đại diện Saigon Co.op cho biết logo “nhái” của siêu thị tại Úc nói trên giống khoảng 80% logo của Co.opmart, chỉ khác về tông màu, kích thước. Tuy nhiên, đơn vị này khẳng định địa điểm trên không thuộc hay liên quan gì đến Saigon Co.op hoặc Co.opmart… và hiện Saigon Co.op cũng chưa đầu tư ở thị trường này.
Trước Co.opmart, một số thương hiệu, nhãn hàng của doanh nghiệp Việt khác như cà phê Trung Nguyên, võng xếp Duy Lợi, phở Thìn… cũng từng bị nhái và đánh cắp ở thị trường các nước khiến các chính chủ phải tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để lấy lại.
Đơn cử như câu chuyện thương hiệu của cà phê trái cây Meet More tại Hàn Quốc cách đây hơn 3 năm. Nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ngay sau khi xuất khẩu lô hàng đầu tiên ở xứ kim chi được khoảng 2-3 tháng, Meet More bất ngờ khi bị Cơ quan nhãn hiệu Hàn Quốc (KIPO) từ chối đơn với lý do nhãn hiệu cà phê trái cây Meet More đã được một đơn vị khác nộp đơn đăng ký trước. Và sau khi mất rất nhiều thời gian tìm hiểu, Meet More mới phát hiệu ra rằng đơn vị đã “nẫng tay trên” nhãn hiệu của công ty chính là nhà phân phối của cà phê Meet More tại thị trường Hàn Quốc.
Biết được điều này, Meet More đã phải quay lại đàm phán với nhà phân phối của mình. Mất mấy tháng, công ty phân phối Hàn Quốc của Meet More mới chịu rút đơn. Từ đó Meet More mới lấy lại được thương hiệu của mình và tiếp tục tiến trình bảo hộ ở xứ sở kim chi.
Trước đó, câu chuyện Cafe Trung Nguyên cũng phải mất 2 năm và tốn nhiều chi phí mới lấy lại được thương hiệu của mình ở thị trường Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp lo ngại. Sau bài học đắt giá này, Trung Nguyên đã thực hiện đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của mình tại nhiều quốc gia và lãnh thổ trên thế giới.
Coi chừng đối tác…
Nhiều bài học thực tiễn đắt giá của các nhãn hàng, thương hiệu của doanh nghiệp Việt Nam đã và đang bị “lấy mất” tại các thị trường nước ngoài dù đã được đăng ký tại Việt Nam, được sử dụng và biết đến rộng rãi, có uy tín ở nền kinh tế gần 100 triệu dân. Có thể thấy, các doanh nghiệp trong nước còn lúng túng trong việc thiết lập các hàng rào bảo vệ đối với tên thương hiệu của mình tại thị trường nước ngoài.
Thương hiệu là tài sản, chất lượng là sống còn của doanh nghiệp. Do đó, việc quan tâm đăng ký bảo hộ thương hiệu từ sớm, kết hợp với kiểm soát chất lượng sản phẩm là những điểm mấu chốt để xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm Việt Nam ở thị trường nước ngoài.
Khi có kế hoạch tiến ra thị trường nước ngoài, các chuyên gia cho rằng bảo hộ thương hiệu là một trong những việc mà doanh nghiệp cần ưu tiên làm trước, bởi nhãn hiệu phải là tài sản của mình rồi thì mới có thể khai thác được.
Bên cạnh việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu càng sớm càng tốt, doanh nghiệp cũng phải cảnh giác với các đối tác ở thị trường nước ngoài. Bởi lẽ những vụ việc bị đánh cắp, nhái thương hiệu thời gian qua cho thấy “thủ phạm” phần lớn là các đơn vị hợp tác kinh doanh, nhà nhập khẩu, phân phối sản phẩm – dịch vụ.
Trên thực tế tình trạng xâm phạm quyền nhãn hiệu hàng hóa và sử dụng trái phép nhãn hiệu hàng hóa thường xuyên xảy ra không chỉ tại Việt Nam mà còn cả ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đáng chú ý theo các doanh nghiệp và các luật sư, hiện nay ở một số thị trường lớn có hẳn đội ngũ chuyên đi tìm kiếm những thương hiệu nổi tiếng hoặc bắt đầu nổi tiếng, được thị trường ưa chuộng để đăng ký bảo hộ và bán lại nhãn hiệu cho các doanh nghiệp khác.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Meet More, chia sẻ gần đây một cá nhân ở Trung Quốc đề nghị mua lại nhãn hiệu Meet More và người này còn trưng ra bằng chứng rằng đã đăng ký tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ông chủ thương hiệu cà phê trái cây Việt này đã đi trước một bước là đã đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường Trung Quốc. Hiện Meet More đang chờ cơ quan chức năng Trung Quốc cấp chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu tại thị trường tỉ dân này.
Không để “mất bò mới lo làm chuồng”
Có thể nói, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, vấn đề đăng ký bảo hộ nhãn hiệu ở nước ngoài rất quan trọng. Vì vậy, các chuyên gia lưu ý doanh nghiệp cần có biện pháp để tránh rủi ro trong tranh chấp thương hiệu như những vụ việc đã xảy ra thời gian qua.
Bởi lẽ nhãn hiệu của doanh nghiệp khi bị doanh nghiệp/cá nhân nước ngoài đăng ký bảo hộ tại nước đó trước thì doanh nghiệp xuất khẩu sẽ đối diện rủi ro về mất quyền tài sản về nhãn hiệu/mất quyền độc quyền nhãn hiệu của mình đối với sản phẩm/dịch vụ của mình ở nước đó. Từ sự việc bị mất nhãn hiệu này dẫn đến khả năng doanh nghiệp xuất khẩu còn bị đối mặt với nguy cơ bị coi là hành vi xâm phạm nhãn hiệu khi nhập khẩu, bán sản phẩm tại thị trường nước ngoài.
Theo đó, doanh nghiệp xuất khẩu có thể còn bị chủ sở hữu nhãn hiệu tiến hành xử lý xâm phạm như: ngăn chặn việc nhập khẩu ngay tại các cảng hoặc cửa khẩu biên giới, cấm việc kinh doanh sản phẩm gắn nhãn hiệu đó trên thị trường và đứng trước nguy cơ bị kiện đòi bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm nhãn hiệu gây ra.
Trên thực tế, việc mất nhãn hiệu thường dẫn đến hậu quả mất thị trường của sản phẩm gắn nhãn hiệu. Trong trường hợp nhãn hiệu bị người khác đăng ký trước ở nước ngoài cũng sẽ gây tốn kém chi phí cho doanh nghiệp khi phải giải quyết tranh chấp, tiến hành các thủ tục khiếu nại, hủy bỏ hiệu lực để lấy lại nhãn hiệu của mình tại nước đó, như phí tư vấn, thuê luật sư đại diện trước cơ quan đăng ký nhãn hiệu và/hoặc luật sư đại diện tại tòa cũng như các chi phí truyền thông khác.
Vì vậy, rủi ro và thiệt hại trong trường hợp bị mất nhãn hiệu là vô cùng lớn cho doanh nghiệp khi doanh doanh tại nước đó.
Các chuyên gia thương hiệu và luật sư cho rằng vì tính chất lãnh thổ của quyền sở hữu trí tuệ nói chung và nhãn hiệu nói riêng nên tốt nhất khi bán hàng ra nước ngoài doanh nghiệp cần xác định thị trường trọng điểm. Song song đó cần tiến hành nộp đơn đăng ký nhãn hiệu càng sớm càng tốt. Doanh nghiệp phải lên kế hoạch và việc thực hiện thủ tục nộp đơn đăng ký cần cân nhắc trước khi kinh doanh. Mục đích là đảm bảo khi sản phẩm hàng hóa hoặc dịch vụ khi cung ứng ra thị trường, doanh nghiệp đã có trong tay chứng nhận đăng ký nhãn hiệu.
Nói về bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, lưu ý các doanh nghiệp cần đăng ký bảo hộ càng sớm càng tốt, đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”. Bởi lẽ khi đã để đơn vị, doanh nghiệp khác đăng ký thì lúc đó doanh nghiệp sẽ chẳng những mất cơ hội kinh doanh mà còn mất cả thời gian và tiền bạc để đòi lại thương hiệu mà chưa chắc lấy lại được.
Theo LS Trương Thanh Đức, những doanh nghiệp có thương hiệu lớn, nổi tiếng trong nước dù chưa có ý định mở kinh doanh ở nước ngoài cũng nên đăng ký nhãn hiệu ở những thị trường trọng điểm. Bài học mất thương hiệu hoặc bị đánh cắp nhãn hiệu của một số doanh nghiệp Việt thời gian qua cần phải rút kinh nghiệm.
Doanh nghiệp có thể chọn đăng ký ở một quốc gia nhưng thương hiệu được bảo hộ ở nhiều quốc gia. “Đây là cách tốt nhất để tự bảo vệ thương hiệu mình”, ông Đức nói.
Theo đó, doanh nghiệp Việt trên con đường chinh phục thị trường nước ngoài, bên cạnh việc chuẩn bị kỹ lưỡng về vấn đề chất lượng hàng hóa, dịch vụ, thì vấn đề thiết lập cơ chế bảo hộ nhãn hiệu của mình là điều cần nghiêm túc đầu tư. Đặc biệt, với công tác hội nhập sâu rộng hiện nay, thì vấn đề bảo hộ các tài sản trí tuệ và cụ thể là nhãn hiệu lại cần được quan tâm đúng mực hơn nữa.
Liên quan đến vụ việc bị nhái thương hiệu siêu thị ở Úc, ông Nguyễn Ngọc Thắng, Giám đốc khối vận hành siêu thị Co.opmart, cho biết từ vụ việc này, Saigon Co.op sẽ tiến hành việc đăng ký bảo hộ thương hiệu nước ngoài nhằm giữ gìn thương hiệu doanh nghiệp Việt.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bong-dung-thay-nhung-thuong-hieu-viet-o-nuoc-ngoai/