Bộng ép dầu đỏ lửa

3 giờ sáng, khi chiếc máy xát đậu bắt đầu xình xịch khởi động, những 'ông bộng' cũng lần lượt xuất hiện. Người chở củi, người nhóm lửa, người vót tre, họ sửa soạn cho một ngày lao động hết công suất để kịp ép ra những can dầu đậu phụng (dầu lạc) đặc sản của địa phương.

 Ông Phòng chịu sức nóng để hong chín đậu

Ông Phòng chịu sức nóng để hong chín đậu

Chín thơm

Dù khiêm tốn nằm nép mình sâu trong ngôi làng ven biển, thế nhưng hỏi đến bộng ép dầu đậu phụng ở Mỹ Lợi (Vinh Mỹ, Phú Lộc), người dân vùng khu III (Phú Lộc) đều biết tiếng. Những người làm nghề ép dầu được gọi tắt là “ông bộng”, bởi dụng cụ dùng để ép là chiếc bộng dài hơn 2 mét. Cứ vào tháng 6 đến tháng 7 hàng năm, mỗi khi rộ mùa thu hoạch đậu phụng, các “ông bộng” lại đến thời điểm tất bật hơn bao giờ hết.

Dù đã bước qua tuổi 64, ông Huỳnh Tâm vẫn gắn bó với bộng như những ngày đầu tiên mới chập chững vào nghề. Lưng đã bắt đầu còng, nhưng đôi tay khéo léo của ông vẫn thuần thục các động tác ép dầu. Ông chia sẻ: “Thời ấy “giao diện” của bộng ép dầu không như bây giờ. Công sức của người thợ ép bỏ ra nhiều hơn, công việc cũng vất vả hơn rất nhiều. Sau này, những chiếc bộng được cải tiến, tuy vẫn vất vả nhưng tỷ lệ hao hụt dầu thấp hơn. Tính ra tôi cũng đã thăng trầm với nghề hơn 40 năm trời”.

 Bộng ép dầu thủ công đã hơn 40 năm tuổi

Bộng ép dầu thủ công đã hơn 40 năm tuổi

Để làm ra những can dầu đậu phụng sóng sánh rất kỳ công. Sau khi được xay mịn, đậu sẽ được hong bằng chiếc nồi tự chế. Đậu chín được đóng thành bánh, cho vào bộng rồi dùng lực để ép dầu ra khỏi bã.

Công việc của ông Tâm và các “ông bộng” bắt đầu từ lúc 3 giờ sáng. Quần quật chẳng ngơi tay, họ hầu như không có thời gian ăn uống cụ thể. Tranh thủ lúc đậu đang được hong, các “ông bộng” vội vội vàng vàng và chút cơm rồi lại hối hả với guồng quay công việc.

Mỗi nồi hong thường chứa hơn 80kg đậu và mỗi lượt hong phải mất hơn một giờ đồng hồ. Chịu trách nhiệm hong, xúc đậu, ông Phòng, một “ông bộng” khác phải luôn túc trực để đảm bảo đậu được chín đều. Bên ngoài bộng, cái nắng ngày hè như đổ lửa, bên trong bộng, hơi nóng từ những thanh củi dương to hơn bắp tay hừng hực. Cái nóng cuồn cuộn trong không gian là thế nhưng vẫn phải chịu thua sự kiên trì và trách nhiệm với công việc của ông.

Khéo léo dùng chiếc cảu lường đậu (dụng cụ tự chế bằng dây bện chắc chắn hình chiếc nón) cho đậu vào khuôn, ông Phòng nói: “Ban đầu khi đứng ở lò hong tôi cũng chịu không nổi. Nhưng đứng riết cũng quen, quen đến nỗi cứ tới mùa đậu mà không nổi lửa hong đậu, không được ngửi mùi đậu chín thơm thì tôi không chịu được”.

Sánh vàng

Sau khi cho đậu vào, những chiếc khuôn được các “ông bộng” nén chặt và ràng buộc kỹ lưỡng bằng hai vòng tre đan đã được bện chắc chắn. Khéo léo cho khuôn vào bộng ép, dùng que tre cố định, ông Tâm cùng các “ông bộng” khác dùng lực của đôi bàn tay xoay trục để siết những tấm bánh dầu lại với nhau và ép cho dầu chảy ra ngoài.

 Dầu đậu phụng được nhanh chóng cho vào can sau khi ép

Dầu đậu phụng được nhanh chóng cho vào can sau khi ép

Trung bình mỗi hong đậu sẽ cho ra từ 15 - 20 lít dầu đậu phụng. Đã túc trực sẵn, chủ của những mẻ đậu thoăn thoắt múc dầu ra khỏi thau chứa, gương mặt ánh rõ niềm vui. Sau khi ép xong, cùng với những can dầu màu vàng sánh như mật, họ còn mang về những tấm bánh dầu là phần bã của đậu phụng còn lại sau khi ép.

Ngày nay, những chiếc bộng ép dầu thủ công ngày càng hiếm gặp. Ngoài những bộng ép dầu công nghệ mới, nhiều người có thể tự ép dầu tại nhà với những chiếc máy ép mini. Thế nhưng chiếc bộng truyền thống của các “ông bộng” ở vùng quê này vẫn được nhiều người lựa chọn.

“Không chỉ vì giá cả phải chăng, chất lượng dầu tốt, tôi chọn ép ở bộng thủ công vì khi ép còn sử dụng cả vỏ đậu, từ đó phụ phẩm thu được là những tấm bánh dầu cũng nhiều hơn. Ở đây, bánh dầu được ưa chuộng như một loại phân bón giàu dinh dưỡng và sạch, rất phù hợp để trồng trọt các loại rau màu trên vùng đất cát”, bà Nguyễn Thị Mơ, một khách hàng ép dầu cho biết.

Nhờ đó, cứ mỗi khi mùa đậu phụng đến, hình ảnh những ánh lửa đỏ rực từ nồi hong đậu, những “ông bộng” người lấm lem mồ hôi lại xuất hiện, gần gũi và quen thuộc. Không chỉ tạo thu nhập khấm khá, công sức mà các “ông bộng” bỏ ra còn mang đến niềm vui vụ mùa bội thu cho bà con nông dân. Để rồi guồng quay kỳ diệu của hạt đậu lại tiếp tục xoay vòng, từ bánh dầu trở thành phân bón tưới tẩm cho những vạt đậu phụng đang ra hoa, đậu trái trên vùng đất cát cằn cỗi.

Mai Huế

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/bong-ep-dau-do-lua-143618.html