'Bóng ma' Delta che khuất triển vọng phục hồi kinh tế châu Âu
Trên khắp châu Âu, các chính phủ và doanh nghiệp đang cố gắng ngăn chặn sự gia tăng các ca nhiễm Covid-19. Sự lây lan nhanh chóng của biến thể Delta đang ngăn cản đà phục hồi kinh tế của những quốc gia này.
Trong vài tháng qua, việc nới lỏng các hạn chế về đại dịch Covid-19 và số lượng người tiêm chủng ngày càng tăng đã thúc đẩy các nền kinh tế châu Âu phát triển.
Cụ thể, Anh đã ghi nhận 4 tháng tăng trưởng kinh tế liên tiếp. Tại các quốc gia khác, số lượng nhân viên trở lại làm việc đã cao hơn so với thời điểm trước đại dịch Covid-19.
Tuy nhiên, đó là khi biến thể Delta chưa xuất hiện. Biến thể nguy hiểm này đang "phủ bóng đen" lên các hoạt động kinh doanh của châu Âu trong mùa Hè này, đe dọa triển vọng phục hồi kinh tế và khiến con đường phục hồi trở nên khó đoán và không bằng phẳng.
Anh
Hôm nay (19/7), nước Anh bắt đầu "Ngày Tự do" với việc nới lỏng gần như toàn bộ các biện pháp phòng dịch, bất chấp số ca lây nhiễm tăng mạnh trong những tuần gần đây. Theo thống kê của trang Worldometer, ngày 18/7, Anh ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 mới cao nhất thế giới, với 48.161 ca.
Việc dỡ bỏ các hạn chế cuối cùng được kỳ vọng sẽ tiếp thêm động lực mới cho sự phục hồi kinh tế của quốc gia này. Tuy nhiên, sự gia tăng của các bệnh nhân nhiễm Covid-19, đặc biệt là nhiễm biến thể Delta lại gây ra một trở ngại mới đối với các doanh nghiệp.
Các doanh nghiệp ở lĩnh vực như khách sạn, dịch vụ và vận tải đường bộ đang phải đóng cửa tạm thời khi các nhân viên phải tự cách ly do nhiễm Covid-19 hoặc tiếp xúc gần với các bệnh nhân nhiễm Covid-19.
Fowlds Cafe, một quán cà phê tại Đông Nam London đã rơi vào tình thế trên khi thành viên trong gia đình của một nhân viên làm việc tại quán tiếp xúc với một bệnh nhân Covid-19. Nhân viên này đã tự cách ly và chờ kết quả xét nghiệm.
Jack Wilkinson, chủ sở hữu của Fowlds cho biết: “Tình hình hiện tại rất khó chịu. Tôi đang tính đến việc sẽ tìm thêm nhân viên bán thời gian để giảm nguy cơ tất cả các nhân viên của quán phải tự cách ly. Quán có thể sẽ chỉ bán đồ uống mang đi cho đến mùa Xuân năm sau, để bảo đảm an toàn cho nhân viên và khách hàng”.
Hầu hết người dân ở độ tuổi trưởng thành ở Anh hiện đã được tiêm vaccine. Mặc dù chiến dịch tiêm chủng đã giúp giảm mạnh số người nhiễm Covid-19 nặng và tử vong, nhưng số ca lây nhiễm đang tăng trở lại do biến thể Delta. Điều này có nghĩa người dân sẽ dành nhiều thời gian ở nhà thay vì đến các nhà hàng, phòng tập thể dục, rạp hát để chi tiền giúp thúc đẩy nền kinh tế.
Nam Âu
Ở các nước khác, số ca mắc biến thể Delta gia tăng cũng ảnh hưởng đến việc đưa cuộc sống trở lại bình thường và các biện pháp hạn chế nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh đã được áp dụng.
Tại Tây Ban Nha, một trong những quốc gia có tỷ lệ lây nhiễm cao nhất ở châu Âu, chính quyền một số khu vực đã đưa ra các biện pháp hạn chế. Virus SARS-CoV-2 chủ yếu lây lan trong nhóm dân số trẻ, chưa được tiêm phòng và sẽ ảnh hưởng đến hoạt động du lịch, dịch vụ tại quốc gia này.
Bồ Đào Nha cũng đã ban hành lệnh giới nghiêm trở lại ở Lisbon, Porto và các điểm du lịch nổi tiếng khác. Quốc gia này chính thức ghi nhận mùa du lịch Hè thứ hai bị gián đoạn bởi Covid-19.
Khi Ủy ban châu Âu (EC) công bố dự báo kinh tế mới nhất vào tuần trước, Bồ Đào Nha là một trong hai quốc gia duy nhất tại khu vực châu Âu ghi nhận mức tăng trưởng kinh tế chưa thể lạc quan do các biện pháp hạn chế.
Guntram Wolff, giám đốc của Bruegel, một tổ chức tư vấn kinh tế có trụ sở tại Brussels nói: “Tây Ban Nha và các nước Địa Trung Hải khác đang phải đối mặt với vấn đề lớn. Tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến hàng loạt đến các lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế”.
Bắc Âu
Tại Pháp, chính phủ hạn chế các tác động của Covid-19 và biến thể Delta đối với nền kinh tế bằng cách đưa ra một “thẻ sức khỏe”, yêu cầu những người đến từ một số quốc gia châu Âu, chưa tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa Covid-19 phải xuất trình giấy chứng nhận xét nghiệm âm tính được thực hiện trong vòng 24 giờ trước khi đến.
Ngày 19/7, Pháp ghi nhận hơn 12.500 ca mắc Covid-19 trong 24 giờ, đánh dấu ngày thứ ba liên tiếp số ca nhiễm mỗi ngày tại nước này vượt quá 10.000 trường hợp.
Quốc gia này đã theo đuổi chính sách "làm bất cứ điều gì cần thiết" để hỗ trợ người lao động được trả lương cao và giúp các doanh nghiệp tránh phá sản.
Tại Đức, nền kinh tế đã phục hồi nhanh chóng. Khách mua hàng vẫn bắt buộc phải đeo khẩu trang, nhưng các nhà hàng vẫn chật kín khách.
Tỷ lệ thất nghiệp tại Đức cũng ghi nhận ở mức 5,9%, gần như đã quay trở lại mức trước khủng hoảng do Covid-19 gây ra. Hơn 2.000.000 người vẫn đang được trả lương cao. Sự lạc quan của các nhà quản lý doanh nghiệp Đức cũng đang ở mức cao nhất kể từ đầu năm 2019.
Nhưng sự phục hồi kinh tế lớn nhất châu Âu cũng gặp nhiều khó khăn. Cũng như các quốc gia châu Âu khác, biến thể Delta là một mối đe dọa hiện hữu.
Tỷ lệ lây nhiễm Covid-19 ở Đức vẫn thấp, tuy nhiên, số ca mắc mới đã tăng gấp đôi trong tuần trước và 3/4 trong số đó đã nhiễm biến thể Delta. Ngành công nghiệp ô tô, lĩnh vực xuất khẩu lớn nhất của Đức, đang phải vật lộn với tình trạng thiếu chất bán dẫn.
Trong chuyến thăm gần đây tới Brussels (Bỉ), Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet L. Yellen đã hối thúc châu Âu thực hiện các biện pháp kích thích tài chính hơn nữa để thúc đẩy nền kinh tế, trong bối cảnh các nước chia rẽ về các giải pháp thúc đẩy kinh tế, cũng như hỗ trợ phục hồi hậu đại dịch Covid-19.
Song, ông Guntram Wolff, Giám đốc Công ty tư vấn Bruegel có trụ sở tại Bỉ nhận định: “Mặc dù có những biện pháp kích thích mới mà châu Âu có thể làm được nhưng chúng ta vẫn đang ở trong tình huống rất mong manh. Với biến thể Delta, châu Âu sẽ thấy hậu quả vào mùa Thu”.