'Bóng ma' lạm phát không phải nỗi lo hàng đầu của Trung Quốc
Trong khi các nhà đầu tư trên khắp thế giới đang lo lắng về lạm phát thì Trung Quốc lại phải đối mặt với những nỗi lo lớn hơn.
Kể từ giữa năm 2020 đến nay, các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới đã giữ các chính sách tiền tệ nới lỏng và lãi suất thấp trong nỗ lực hỗ trợ nền kinh tế phục hồi sau đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, khi giá tiêu dùng và giá sản xuất tăng cao, các ngân hàng trung ương đang tính đến vấn đề có tăng lãi suất hay không để ngăn ngừa lạm phát.
Tại Trung Quốc, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) và các nhà kinh tế lại không lo lắng về lạm phát hay có ý định điều chỉnh hoặc thay đổi chính sách tiền tệ. Bởi nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang phải đối mặt với nhiều rủi ro cấp bách hơn.
Phục hồi kinh tế chưa chắc chắn
Trong báo cáo về chính sách tiền tệ quý I/2021 được công bố vào tuần trước, PBoC tập trung xem xét nền tảng cho sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc.
Báo cáo cho biết: “Tiêu dùng của người dân vẫn bị hạn chế và tăng trưởng đầu tư không đủ”. Theo PBoC, các doanh nghiệp tư nhân nhỏ hơn vẫn gặp khó khăn và việc đảm bảo việc làm là một thách thức lớn.
Bên cạnh đó, báo cáo của PBoC cũng nhắc đến sự gia tăng lạm phát trên toàn cầu và dự báo giá sản xuất của Trung Quốc tăng vào cuối năm nay, khi giá hàng hóa trên toàn thế giới leo thang.
PBoC lưu ý rằng, lạm phát gia tăng ở các nền kinh tế lớn đã làm gia tăng áp lực giảm giá tiền tệ và dòng vốn đối với một số nền kinh tế mới nổi.
Dữ liệu công bố tuần trước cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 4 tăng vọt 4,2%, mức tăng nhanh nhất kể từ tháng 9/2008. Trong khi đó, giá sản xuất tăng 6,2% trong cùng kỳ, mức tăng nhanh nhất trong gần 1 thập niên.
Ngày 17/5, Cơ quan Thống kê quốc gia Trung Quốc (NBS) công bố số liệu cho biết, sản lượng công nghiệp của nước này trong tháng 4/2021 tăng 9,8% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn nhiều so với mức tăng 14,1% ghi nhận hồi tháng 3 do những vấn đề trong nguồn cung và chi phí gia tăng.
Fu Linghui, một người phát ngôn của NBS cho hay, kinh tế Trung Quốc vẫn cải thiện trong tháng Tư, nhưng cũng phát sinh nhiều vấn đề mới. Nền tảng cho sự phục hồi kinh tế trong nước vẫn chưa chắc chắn. Những con số tăng trưởng nhanh của Trung Quốc những tháng đầu năm là do cơ sở so sánh ở mức thấp vào cùng kỳ năm ngoái, khi nền kinh tế bị tê liệt do dịch Covid-19.
Giữ chính sách tiền tệ linh hoạt
Lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm của Trung Quốc đã giữ trên 3,1%, trong khi chỉ số tổng hợp SSE (chỉ số thị trường chứng khoán của tất cả các cổ phiếu được giao dịch tại Sở giao dịch chứng khoán Thượng Hải) đã tăng 2% trong tuần trước.
Theo PBoC, giá sản xuất của Trung Quốc đã tăng 6,8% trong tháng 4/2021 - tốc độ nhanh nhất trong hơn 3 năm. Tuy nhiên, giá tiêu dùng chỉ tăng 0,9% do giá thịt lợn giảm.
Francoise Huang, nhà kinh tế cấp cao tại Euler Hermes, một công ty con của Allianz nhận định: “Nếu chúng ta thấy giá cả tăng ở Trung Quốc, thì nhu cầu trong nước không quá nóng, điều này có thể làm chậm lại việc thay đổi chính sách tiền tệ đang ở mức lỏng lẻo. Tôi nghĩ rằng, chính sách tiền tệ sẽ không thay đổi trong năm nay".
PBoC đã giữ nguyên lãi suất cho vay chuẩn, lãi suất cơ bản của khoản vay không thay đổi trong một năm. Ngân hàng nhấn mạnh, chính sách tiền tệ trong tương lai sẽ theo hướng thận trọng, linh hoạt và phù hợp với thực trạng nền kinh tế.
Zong Liang, trưởng nhóm nghiên cứu tại Ngân hàng Trung Quốc cho rằng, ông không hy vọng chính sách tiền tệ của Trung Quốc sẽ thay đổi cho đến ít nhất nửa cuối năm nay. Thực tế là PBoC đã duy trì chính sách tiền tệ tương đối chặt chẽ so với các quốc gia khác trong hai năm qua.
Mặc dù ông Liang dự đoán, người tiêu dùng Trung Quốc sẽ tăng chi tiêu trong quý II/2021, đặc biệt là khi Trung Quốc đẩy mạnh tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại các địa phương nhưng nhìn chung, tiêu dùng vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và chưa thể trở lại mức trước đại dịch.
Áp lực hỗ trợ thị trường lao động
Sự thận trọng của Bắc Kinh đang thể hiện ở việc các nhà chức trách nhận thấy áp lực hỗ trợ thị trường lao động vẫn còn lớn.
Tại cuộc họp vào tuần trước, chính quyền trung ương đã quyết định gia hạn các gói hỗ trợ thất nghiệp cho đến cuối năm nay, dù mức độ hỗ trợ đã thu hẹp so với hồi năm ngoái.
Một số nhà kinh tế cũng cho rằng, mức độ tăng trưởng tín dụng chậm hơn dự kiến trong tháng 4/2021 mà Bắc Kinh vừa công bố cũng phản ánh phần nào sự thắt chặt tín dụng khi gánh nặng nợ nần trong nước tăng cao sau đại dịch.
Chuyên gia kinh tế vĩ mô Bruce Pang tại China Renaissance nêu quan điểm: “Chúng tôi cho rằng, các biện pháp hỗ trợ tiền tệ đang bắt đầu được thắt chặt, nhưng về tổng thể, chính sách tín dụng vẫn đang tương đối lỏng lẻo để hỗ trợ cho sự phục hồi cân bằng của nền kinh tế thực”.
Vị chuyên gia này nói thêm: “Mức độ tăng trưởng các khoản vay ngắn hạn chậm lại trong tháng 4/2021 cũng phản ánh thực tế các cơ quan quản lý tăng cường giám sát việc sử dụng bất hợp pháp các khoản vay kinh doanh và tiêu dùng để đầu tư bất động sản”.
Rủi ro trên thị trường bất động sản
Bất động sản là một trong những lĩnh vực đầu tư và đầu cơ ở Trung Quốc. Trong một nỗ lực để giữ cho việc giá bất động sản không vượt quá tầm tay, các nhà chức trách đã cố gắng hành động một cách thận trọng.
Trong báo cáo chính sách tiền tệ quý I/2021, PBoC cho biết, giá nhà phải được giữ ổn định, đồng thời nhấn mạnh rằng, nhà ở là để ở chứ không phải đầu cơ.
Li-Gang Liu, nhà kinh tế trưởng Trung Quốc tại Citi Research khẳng định, dù thị trường có vẻ tin rằng, Trung Quốc sẽ đẩy nhanh việc rút lui khỏi các chính sách tiền tệ, tài khóa nới lỏng, nhưng hiện tại không có động lực mạnh mẽ nào để PBoC hành động như vậy.
Ông Li-Giang Liu nhấn mạnh: "Sự bất ổn trên thị trường tài chính đang tăng lên, thể hiện ở bong bóng bất động sản mở rộng, mức nợ tăng và rủi ro vỡ nợ lên cao. Chúng tôi cho rằng, việc rút lui vội vàng các chính sách kích cầu sẽ mang lại những rủi ro tài chính mới".
(theo CNBC)