Bóng người trên đỉnh sóng
Mùa này biển lặng, dịch bệnh COVID-19 càng khiến biển buồn hơn với những con sóng cứ xô vào bờ chao chát. Người đàn ông xách cào ra biển. Những con nghêu gầy guộc là nguồn sống thêm không chỉ của một, mà còn là của khá nhiều người dân làng biển Sơn Trà này.
Trên đỉnh sóng
Buổi trưa biển vắng, những con thuyền cũ kỹ nằm chơ vơ quăn queo dưới cái nắng nóng chan chát mặn. Ông Hồ Văn Châu, năm nay đã 60 tuổi, trú tổ 3, phường Mân Thái, Q. Sơn Trà, Đà Nẵng cúi xuống bọt sóng, chân tay thoăn thoắt cầm cần cào sục sạo dưới bãi cát. Và dần dần, từ trên bãi cát mênh mông, dấu chân ông in xuống rồi sóng phủ lên bọt bèo trắng xóa.
Dụng cụ chính để cào nghêu là cái cần cào. Đó là một đoạn tre đặc dài khoảng 2,5 m, đường kính 0,6 m. Đầu gốc được chẻ làm hai thanh, mỗi thanh được buộc vào cái cào bằng sắt mỏng hình chữ U mỏng khoảng 2 mm, dài 0,50 m và bề ngang khoảng 0,10 m. Ngay đoạn 1/3 thân cào (tính từ dưới lên) có một sợi dây to bản như cái nịt dùng để quàng qua hông người cào.
Ngày nào cũng vậy, từ 8 giờ sáng ông kéo chiếc cào ra biển, mải miết cào vài cây số từ chân núi Sơn Trà xuống tới bãi biển Phạm Văn Đồng. Ông dầm mình trên bọt sóng, dưới cái nắng chát chúa miền Trung cuối mùa khô. Ở miền Trung này chỉ có 2 mùa, mùa khô và mùa mưa. Chỉ hơn tháng nữa là tới tháng 9 âm lịch, là mùa bão nổi ở vùng biển này. Cứ mùa bão biển, những cơn dông từ biển thổi tràn, lạnh buốt. Nhà nào cũng đóng chặt cửa, trẻ con, ông bà già không dám ra khỏi nhà. Con đường dẫn ra bến cá đầy cát. Gió ràn rạt thổi, cát dồn ụ, khuất lấp bụi cây gai thấp và những vạt cỏ úa ven đường. Dông biển nổi lên rồi! Người làng biển thường thì thào cùng nhau như thế...
Bão biển chưa tới nhưng cơn bão dịch bệnh COVID-19 lần 2 đã quét qua đây, để lại không biết bao nhiêu buồn thương và thiệt hại cho thành phố biển này. Những người như ông Châu, dù được nhà nước hỗ trợ vì mất thu nhập do dịch bệnh nhưng khoản hỗ trợ đó là không đủ.
Ngày ngày, ngoài khơi xa gần cây số, nơi con nước ròng rút đi bỏ lại bãi cát màu xám xịt, để làm cuộc mưu sinh mỗi ngày với ông. Trưa nồng nã, phía trên con đường sát bờ cát là thị thành yên vắng, không có khách du lịch, cả một dải biển Sơn Trà buồn hiu hắt. Lác đác chỉ có vài người trên mép biển. Trưa nay, ông nhìn con nước, nhìn trời rồi tấm tắc: “Hôm nay biển lặng và yên ắng thật. Trời cũng quang đãng không mưa dầm như những hôm trước. Đây là thời tiết thích hợp nhất để chúng tui cào đây”. Nói rồi, ông lội xuống nước, mặc những con sóng ì oạp lăn tăn dưới thân mình...
Tuổi già đang sầm sập tới với ông, cào được chừng nửa tiếng, có nắng nóng và chiếc cần cào nặng trĩu trên tay khiến ông phải dừng lại nghỉ. Ông trầm ngâm: “Mấy năm nay những đội tàu đi biển thu nhập không còn được như trước, giá xăng dầu lại đắt đỏ nên có chuyến biển đi về lỗ nặng. Nhưng, không biết đi biển thì còn biết làm gì. Cái nghề cào nghêu này được bao nhiêu đâu chú nhưng nó cũng giúp chúng tôi có được cái ăn cho qua ngày, nhất là vào mùa dịch bệnh như thế này, cứ nằm nhà thì chết đói”.
Nghề biển phụ thuộc nhiều vào điều kiện thời tiết nhưng chẳng ai ngờ dịch bệnh cũng ảnh hưởng không nhỏ thời điểm này. Và để mưu sinh, hầu hết người dân sống vùng này đều kiếm sống từ nghề cào nghêu với khoản thu nhập lèo tèo. Ở làng biển này, bình thường hằng ngày vào mùa nghêu vẫn có hàng trăm người đi cào để bán lấy tiền. Cả ngày họ phơi mình trong nắng, gió và nước biển, nếu may mắn có người kiếm được vài trăm ngàn đồng, góp phần cải thiện cuộc sống. Nghề này thu nhập không cao nhưng an toàn và không cần đầu tư gì nhiều.
Dụng cụ cào nghêu khá đơn giản, gồm thanh gỗ, tấm lưới, bên dưới gắn lưỡi sắt, có thể tự làm hoặc mua với giá từ 150.000 đến 200.000 đồng, cùng chiếc túi đựng nghêu bằng vải hoặc ni lông đeo ngoặt phía sau lưng là có thể hành nghề. Thêm vào đó là sức chịu đựng dẻo dai với nắng gió và nỗi buồn chán.
Trưa trên bãi biển, những sợi nắng như dao cứa rát mặt người, đưa tay quệt vội dòng mồ hôi nhễ nhại trên trán, ông Châu đáp lại lời tôi gọn lỏn và chua chát: “Phải dùng mười đầu ngón chân sục xuống cát tìm nghêu. Lâu ngày móng chân bị cát, vỏ ốc, mảnh sành... cứa làm cho chai sần hết, đau nhức không chịu nổi. Chân ngâm trong nước biển lâu ngày nên bị nước ăn, bong tróc ngứa ngáy vô cùng. Những người làm lâu ngày thì mắc chứng khớp, đau lưng, cột sống, đủ bệnh cả chú ơi...”.
Gần 60 tuổi, thì dù từng làm đủ nghề nhưng cũng ngần ấy năm ông Châu gắn cuộc đời mình vào những con nghêu và lao xao sóng nước. Giờ đây khi đã chuẩn bị vào cái tuổi lục tuần, cứ làm vài chục phút, ông lại phải nghỉ giải lao dùng tay đấm lưng bùm bụp để bớt đau.
Nhưng, việc cào nghêu cũng tùy vào sự may mắn, có khi cào cả buổi mà chẳng thấy nghêu đâu nhưng có ngày chỉ cào một lúc cũng được kha khá. “Muốn tìm được nghêu, phải kiên nhẫn. Ngày nào khá tui cũng kiếm được 50 đến 70 ngàn đồng nhưng cũng có khi về không”, ông Châu cười như mếu khi kéo cần cào lên chỉ thấy cát. Biển mênh mông và sâu thẳm vậy nhưng không phải là vô cùng. Biển đang cần những bàn tay săn sóc, để được mãi bình yên xanh, để những người nặng tình với biển ngày ngày xanh thêm những ước mong về đời sống an lành.
Màu của biển...
Biển trưa vắng lặng, chỉ có tiếng gió thổi thông thốc đẩy những con sóng xô vào bờ nghe rạt rào bên tai. Nhưng điều đó không đủ để hăm dọa, cản ngăn bước chân người cào nghêu ở đây. Cào nghêu mùa này tuy kiếm được tiền, dù không nhiều. Công việc này cũng bấp bênh và không có giờ giấc cụ thể vì phải tùy thuộc vào con nước lên, xuống. Bất kể sáng sớm, trưa hay khi trời nhá nhem tối, hễ nước rút là ông Châu lại lao xuống biển. Trên bãi biển, những băng rôn khẩu hiệu, những cán bộ trật tự đi kiểm tra, nhắc nhở về việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh với chiếc loa tay ì xèo vang lên, nhưng không át được tiếng sóng biển.
Ông Châu cũng thường xuyên bị nhắc nhở vì theo quy định, người dân nên hạn chế ra ngoài, không tiếp xúc với người khác quá gần. Rồi ông trình bày, ông xuống cả một dải biển dài chỉ có mình ông. Thôi thì cũng coi như giãn cách triệt để, một mình ông giữa vùng biển vắng trong buổi trưa nắng gắt, nào có ai.
Những cán bộ, tổ trưởng, hay những người làm công tác phòng chống dịch ở tổ dân phố này, có lẽ chẳng ai lạ gì hoàn cảnh của ông. Một mình ông lâu nay nai lưng làm đủ mọi nghề, đủ mọi công việc để nuôi mẹ già. Vợ ông mấy chục năm nay bị bệnh tim, không thể làm được việc gì. Cách đây hơn 1 năm, nhờ được chế độ chính sách của Nhà nước ưu tiên nên bà được mổ tim, sức khỏe dẫu vậy vẫn yếu. Vợ chồng ông sinh được 5 người con, 3 gái 2 trai thì đã lập gia đình gần hết, còn thằng út ở với vợ chồng ông. Con cái đều khó khăn nên một mình ông dù ở tuổi xấp xỉ lục tuần vẫn ngày ngày bươn mình với sóng với gió để nuôi gia đình.
Chiều xuống. Bóng nắng từ rặng dừa cảnh trên mép đường nghiêng chếch xuống bãi cát, rơi dài mặt nước, lấp loáng. Biển vắng. Từng lọn sóng uốn mình nối nhau liếm nhẹ lên bờ, bọt trắng vỡ lao xao. Tầm này, xóm chài nhiều nhà cũng đang chuẩn bị bữa cơm chiều. Trong căn nhà nằm cuối xóm, hướng mặt ra biển, từng đụn khói lam lọt qua khung cửa nhỏ, chờn vờn quấn lấy khóm rau, mấy đọt mồng tơi. Mẹ và vợ con ông ngồi trước mâm cơm đợi ông về, để vừa ăn vừa trò chuyện.
Bây giờ, làng chài xưa cũng đã cựa mình, mọi thứ thay đổi, ở đó là sự nhộn nhịp của một vùng quê chài lưới hiền hòa, bình yên. Ở đó là nơi mà những người con vùng biển chất phác, với làn da rám nắng vẫn ngày ngày kiếm cơm bằng những thứ quà của biển ban tặng. Cuộc sống của người dân làng chài Mân Thái, hay Thọ Quang ở chốn này vẫn mộc mạc, đơn giản từ bao đời với những chiếc thuyền thúng, thuyền gỗ, với mái chèo, mảnh lưới. Họ vẫn sống cuộc sống bình dị, yên ả nơi vùng biển vắng. Nơi mà ở đó con người hòa quyện với thiên nhiên hơn và mỗi nơi đặt chân đến đều mang hơi thở cuộc sống làng chài.
Biển muôn đời vẫn thế. Dữ dội và dịu êm, thanh bình và bất trắc, khắc nghiệt và bao dung... Còn những gì khác nữa? Có lẽ chỉ có những người con của biển cả mới nhìn thấy và thấu hiểu được điều đó. Chiều đổ bóng hoàng hôn xuống làng biển, ông Châu sau bữa cơm chiều sớm hơn thường lệ lại ra ngồi trước bờ cát. Ông trầm ngâm nhìn về phía biển: “Dường như trước biển, chúng ta không có sự toan tính tầm thường. Dường như được sống với biển là một ước nguyện truyền đời của ngư dân. Cứ như thế, biển vẫn phong ba mà con người vẫn cứ xa khơi”.
Và trước biển, có những cảnh đời, cảnh biển của dải đất miền Trung như những số phận trên đỉnh sóng. Những con sóng ào ạt thật nhanh để phủ trùm đi tất thảy nhưng cũng như muốn lặn xuống tận cùng tâm trạng, để rồi từng người phải thật chậm rãi và không chỉ một lần mới cảm nhận hết được đời biển như thế này.
Biển Đà Nẵng mùa COVID-19 vắng tanh, ngày mai, ngày kia nữa khi trời chưa nổi bão, nếu ai đi trên con đường Võ Nguyên Giáp và nhìn về phía biển, sẽ thấy một người đàn ông còng lưng vác chiếc cào cao quá người, chờ những con nước rút xuống lần lần để xuống cào. Trong khoảng không gian mênh mông của biển, bóng người lẻ loi cùng những chiếc cần cào. Có bao nhiêu sức lực, ông đều dùng hết trong quãng thời gian này, bởi không thể chậm trễ hơn được nữa vì con nước thủy triều lớn sẽ đầy dần lên. Trong con sóng đổ vào bờ cát từng đợt, đứng từ xa chỉ thấy bóng người nhỏ bé nhấp nhô, cần mẫn cào. Cái bóng nhỏ xíu nhấp nhô theo đỉnh sóng bạc đầu, bạc người...
Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/bong-nguoi-tren-dinh-song-612403/