Bóng Phú Minh Sơn Group đằng sau lô trái phiếu 'ế' của Xi măng Bạch Đằng

Là hai doanh nghiệp có nhiều mối liên hệ với vị doanh nhân Đào Hải Mạnh, kết quả phát hành trái phiếu trái ngược của CTCP Xử lý rác thải và Năng Lượng EU và CTCP Xi măng Bạch Đằng để lại không ít nỗi băn khoăn.

Ảnh minh họa (Nguồn: Phú Minh Sơn Group)

Ảnh minh họa (Nguồn: Phú Minh Sơn Group)

CTCP Xử lý rác thải và năng lượng EU

Tháng 7/2018, tại hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thái Nguyên năm 2018, CTCP Xử lý rác thải và năng lượng EU (EU Ener JSC) được trao quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và biên bản ghi nhớ đầu tư đối với dự án Nhà máy phát điện sử dụng năng lượng tái tạo từ chất thải rắn sinh hoạt EU - CONCH VENTURE THÁI NGUYÊN.

Dự án có quy mô xây dựng trên 13,5 ha, tổng vốn đầu tư 1.000 tỷ đồng. Khi đi vào hoạt động, nhà máy dự kiến xử lý được trên 500 tấn/ngày/đêm đối với giai đoạn 1 và 700 tấn/ngày/đêm đối với giai đoạn 2.

Theo tìm hiểu của VietTimes, EU Ener JSC được thành lập vào tháng 8/2017, với quy mô vốn 150 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông gồm 3 cá nhân. Trong đó, ông Đào Hải Mạnh (SN 1979) góp 105 tỷ đồng, tương đương 70% vốn điều lệ.

Nên biết, ông Đào Hải Mạnh từng là Tổng giám đốc, cổ đông nắm giữ tới 80% vốn của CTCP Thương mại và Dịch vụ Phú Minh Sơn. Tới tháng 3/2017, ông Mạnh bất ngờ thoái vốn khỏi doanh nghiệp này. Vị trí CEO của Phú Minh Sơn, sau nhiều lần thay đổi, hiện được trao cho ông Vũ Văn Luật (SN 1983). Cập nhật đến tháng 10/2019, CTCP Thương mại và Dịch vụ Phú Minh Sơn đã đổi tên thành CTCP Tập đoàn Phú Minh Sơn (Phú Minh Sơn Group).

Thật trùng hợp, trước đó, ngày 14/12/2017, lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên đã có buổi làm việc với ông Đào Hải Mạnh, khi đó được giới thiệu là Chủ tịch Tập đoàn Phú Minh Sơn (Phú Minh Sơn Group) liên quan đến việc tìm hiểu cơ hội đầu tư tại địa phương.

Ông Mạnh cho biết Phú Minh Sơn Group được thành lập từ năm 2010 hoạt động kinh doanh đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó, lĩnh vực hoạt động chính của tập đoàn bao gồm: xây lắp, khai thác đá, sản xuất xi măng, kinh doanh ô tô.

Tại buổi họp, vị Chủ tịch Phú Minh Sơn Group bày tỏ mong muốn được khảo sát và thực hiện dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt chuyển hóa thành điện năng áp dụng công nghệ của Nhật Bản tại Thái Nguyên.

Trở lại với EU Ener JSC, ngày 25/10/2019, công ty này đã phát hành được 40 tỷ đồng trái phiếu cho Công ty Tài chính Cổ phần Điện lực (EVN Finance). Lô trái phiếu này có kỳ hạn 3 năm với lãi suất 11,3%/năm. Thương vụ được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Tài sản bảo đảm là toàn bộ 15 triệu cổ phần của EU Ener JSC thuộc sở hữu của các cổ đông cùng toàn bộ các quyền tài sản phát sinh từ số cổ phần cầm cố. Cùng ngày, ông Đào Hải Mạnh đã đem 10,5 triệu cổ phần EU Ener JSC thế chấp tại EVN Finance.

Ngoài dự án tại Thái Nguyên, EU Ener JSC còn tham gia cùng China Conch Venture Holdings (HK) Limited tiến hành khảo sát sơ bộ địa chất, địa hình và thiết kế cơ sở, lập hồ sơ bổ sung quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia giai đoạn 2011 - 2020 và báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với dự án Khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh.

Lô trái phiếu “ế” của Xi măng Bạch Đằng

Dữ liệu của VietTimes cập nhật tới tháng 10/2019 còn cho thấy, ông Đào Hải Mạnh cùng vợ là bà Đặng Thị Nga (SN 1979) còn sở hữu tổng cộng 3.695.500 cổ phần, chiếm gần 95% vốn của CTCP Xi măng Bạch Đằng (Xi măng Bạch Đằng). Ông Đào Hải Mạnh hiện là Tổng Giám đốc kiêm người đại diện của công ty.

Xi măng Bạch Đằng là chủ sở hữu Nhà máy xi măng Liên Khê (tại xã Gia Minh, Tp. Hải Phòng). Dự án này có công suất 1,2 triệu tấn xi măng/năm được UBND Tp. Hải Phòng cấp giấy chứng nhận đầu tư vào ngày 25/5/2007.

Mới đây, Xi măng Bạch Đằng đã có thông báo về việc phát hành 35 tỷ đồng trái phiếu không chuyển đổi, không có tài sản bảo đảm. Lô trái phiếu có kỳ hạn 2 năm với mức lãi suất lên tới 15%/năm. Thương vụ cũng được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Nhất Việt.

Dù chào mời với mức lãi suất cao hơn mặt bằng chung của thị trường, song Xi măng Bạch Đằng đã không bán được trái phiếu nào. Lô trái phiếu được định danh là đợt 1 (mã BACHDANG01_2020). Do đó, không loại trừ khả năng Xi măng Bạch Đằng sẽ tiếp tục huy động vốn qua kênh trái phiếu trong thời gian tới.

Xi măng Bạch Đằng còn có mối hợp tác với CTCP Thanh Tâm (Thanh Tâm Holdings) – chủ sở hữu mỏ đá xây dựng Lô 11A Núi Thị Vải, Xã Tân Phước, Huyện Tân Thành, Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu theo Giấy phép khai thác khoáng sản số 12/GP-UBND ngày 10/05/2010 của UBND Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Thanh Tâm Holdings cũng là một đối tác thân thiết với Phú Minh Sơn Group. Theo tìm hiểu của VietTimes, ngày 18/4/2015, Thanh Tâm Holdings và Phú Minh Sơn Group đã thực hiện ký kết Hợp đồng hợp tác đầu tư dự án khai thác chế biến, nâng công suất mỏ đá Lô 11A Núi Thị Vải, xã Tân Phước, huyện Tân Thành, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu số 02/HĐ/HTĐT-PMS-TT.

Thanh Tâm Holdings được thành lập từ tháng 5/2000, các cổ đông sáng lập có địa chỉ thường trú tại Bà Rịa – Vũng Tàu và TP. HCM. Tới tháng 3/2017, Thanh Tâm Holdings ghi nhận sự tham gia của các cổ đông mới là ông Vũ Đức Thành và ông Đặng Minh Tuấn.

Ông Vũ Đức Thành đảm nhiệm vị trí Tổng Giám đốc, còn ông Nguyễn Văn Thái (SN 1992) giữ “ghế” Chủ tịch Hội đồng của trị của Thanh Tâm Holdings.

Lưu ý rằng, các ông Vũ Đức Thành, Đặng Minh Tuấn, Nguyễn Văn Thái, Vũ Văn Luật (CEO Phú Minh Sơn Group) đều là những đồng hương quê Thái Bình./.

Nguyễn Ánh

Nguồn VietTimes: http://viettimes.vn/bong-phu-minh-son-group-dang-sau-lo-trai-phieu-e-cua-xi-mang-bach-dang-488196.html