'Bóng' TG Group ở Revital Việt Nam
Dữ liệu kinh tế vừa được CTCP Đầu tư Revital Việt Nam cập nhật khi thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin đã cho thấy nhiều thông tin.
CTCP Đầu tư Revital Việt Nam (Revital Việt Nam) vừa công bố thông tin tình hình tài chính năm 2022 với khoản lỗ sau thuế 193 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2021, công ty này báo lỗ 156,5 tỉ đồng.
Thua lỗ nhiều năm, tính đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của Revital Việt Nam ở mức 9,3 tỉ đồng. Trong khi đó, dư nợ trái phiếu của công ty này đạt mức 1.155 tỉ đồng, không đổi so với đầu năm 2022. Điều này khiến tỉ lệ dư nợ trái phiếu trên vốn chủ sở hữu của công ty tại ngày 31/12/2022 tăng vọt lên mức 122,96 lần.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Revital Việt Nam được thành lập vào tháng 7/2014, tiền thân là CTCP Đầu tư Tài Tâm Việt.
Tháng 9/2018, Revital Việt Nam phát hành thành công 1.155 tỉ đồng trái phiếu mã REV.Bond.2018, kỳ hạn 7 năm, được thu xếp bởi CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Đáng chú ý, lô trái phiếu mà Revital Việt Nam phát hành có mức lãi suất rất ‘mềm’, chỉ 4%/năm. Chưa rõ mức lãi suất này được áp dụng cố định trong suốt vòng đời của trái phiếu hay chỉ được áp dụng trong năm đầu tiên, rồi thả nổi theo lãi suất thị trường.
‘Bóng’ Tây Giang Group (TG Group)
Dữ liệu của VietTimes cập nhật tới tháng 7/2022 cho thấy, Revital Việt Nam nắm chi phối tại CTCP Phát triển đầu tư – Xây dựng Bách Giang – DCI (Bách Giang DCI) – chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang – Hưng Yên.
Dự án này còn được biết đến với tên gọi là ‘Khu đô thị Long Hưng’, rộng 92,52ha, có tổng mức đầu tư 2.483,5 tỉ đồng, từng là một trong những dự án trọng điểm của CTCP Cơ Điện và Xây dựng Việt Nam (nay là CTCP Năng lượng và Bất động sản MCG – viết tắt: MecoJSC).
Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới phía Đông huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên đến năm 2020
Cập nhật gần nhất, hôm 10/5, Revital Việt Nam và THI JSC đã sáp nhập với Bách Giang DCI. Sau thương vụ này, quy mô vốn điều lệ của Bách Giang DCI tăng mạnh từ 2.652 tỉ đồng lên mức 3.542 tỉ đồng.
Đáng chú ý, trước ngày về ‘chung nhà’ với Bách Giang DCI, THI JSC cũng thua lỗ triền miên, vốn chủ sở hữu tại ngày 31/12/2022 ở mức âm 317,5 tỉ đồng.
Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) kiêm người đại diện của Bách Giang DCI là bà Trịnh Thị Hà – một yếu nhân trong ‘hệ sinh thái’ của nhóm Tây Giang Group (TG Group).
Mà TG Group, như VietTimes từng đề cập, là tập đoàn nổi danh trong lĩnh vực khai khoáng ở các tỉnh miền núi phía Bắc, với loạt dự án ở Cao Bằng, Hà Giang và Bắc Kạn.
‘Hệ sinh thái’ của tập đoàn này có thể kể tới Công ty TNHH Cốc hóa Tây Giang (nay là Công ty TNHH Cốc hóa Hà Giang) và CTCP Cốc hóa Tây Giang Cao Bằng. Giám đốc kiêm người đại diện của 2 pháp nhân này hiện do ông Lê Hoàng Dũng (sinh năm 1983) đảm nhiệm.
TG Group còn lấn sân sang lĩnh vực bất động sản, với nhiều cá nhân có vai trò quan trọng đăng ký địa chỉ thường trú tại Hà Nội.
Kể như bà Trịnh Thị Hà. Ngoài Bách Giang DCI, nữ doanh nhân sinh năm 1979 còn đứng tên tại CTCP Đầu tư Phát triển và Dịch vụ Phục Hưng, Công ty TNHH MTV Tài Tâm Tây Bắc, CTCP Familia và CTCP Veracity – chủ dự án nhà ở cao tầng kết hợp dịch vụ thương mại - Summit Building.
‘Cuộc chơi’ của nhóm TG Group còn phải kể tới lĩnh vực tài chính, ngân hàng. Theo dữ liệu của VietTimes, Cốc hóa Tây Giang từng nắm nhiều triệu cổ phiếu của một nhà băng cổ phần, với mã cổ đông là “PVB007802”.
Trong khi đó, Tây Giang Cao Bằng cũng từng thế chấp tới 42 triệu cổ phần nhà băng này tại Khối khách hàng doanh nghiệp quy mô vừa của một ngân hàng lớn trong nước.
DVI JSC – đối tác thân thiết với nhóm TG Group – cũng từng đem cả trăm triệu cổ phần của nhà băng đang được đề cập để cầm cố tại ngân hàng./.