Bột nêm có hấp dẫn như quảng cáo?
Bột nêm là gia vị khá quen thuộc, thường có mặt trong nhà bếp mỗi gia đình bởi tiện lợi cho người nội trợ và giúp cho món ăn thêm ngon miệng.
Một số người nội trợ tin rằng, được chiết xuất từ thịt và xương, nên khi chế biến món ăn chỉ cần tra thêm một thìa hạt nêm đã tạo độ ngọt, ngon và thêm dinh dưỡng trong bữa ăn hằng ngày… Vậy bột nêm chứa những chất gì, liệu có an toàn cho sức khỏe và thực sự hấp dẫn như quảng cáo “ngon từ thịt ngọt từ xương”?
Theo PGS.TS Lê Thị Hương, Viện trưởng Viện đào tạo Y học dự phòng và y tế công cộng, Đại học Y Hà Nội thành phần chính tạo nên bột nêm gồm chất tạo ngọt (mì chính chiếm 30-40%), muối chiếm khoảng 30% (chủ yếu là muối thường, và rất ít muối i-ốt) và chất điều vị không quá 10%. Ngoài ra có một chút chất béo, chất mỡ.
Theo các tài liệu khoa học, chất điều vị E621, E 627 và E 631 trong bột nêm có độ ngọt gấp 10-15 lần mì chính thông thường. Vì vậy, có thể coi bột nêm như một thứ gia vị để gia giảm nhằm đánh lừa cảm giác ngon miệng chứ thành phần dinh dưỡng thực chất không có nhiều.
PGS Hương cho biết, mặc dù loại gia vị này chưa hề có báo cáo hay nghiên cứu nào chỉ ra rằng có hại cho sức khỏe, nhưng theo khuyến cáo của cơ quan liên quan đến ATVSTP, thì chúng ta không nên lạm dụng chất này. Nếu ăn nhiều chất này có thể gây nguy cơ ngộ độc như hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn, lợm giọng và khó chịu trong người. Nếu dùng liều cao, kéo dài lâu ngày sẽ không tốt cho cơ thể. Đặc biệt không nên dùng chất này với trẻ dưới 1 tuổi, bởi đồng vị là chất hóa học.
Đối với các chất gia vị, tùy thuộc hàm lượng chúng ta đưa vào sử dụng chế biến thức ăn. Chẳng hạn, với mì chính, chỉ nên đưa vào cơ thể người trưởng thành dưới 6g/ngày (tức là không quá 3 thìa sữa chua/ngày). Để từ đó đối chiếu với thành phần mì chính trong bột nêm để liệu chừng gia giảm. Người nội trợ cần biết rằng trong bột nêm thành phần muối chiếm khá cao (tới 30% muối) trong khi đó khuyến cáo cho người Việt chỉ ăn dưới 6g muối/ngày.
Như vậy, bột nêm chỉ có vai trò là một loại gia vị, được làm từ nhiều nguyên liệu. Người nội trợ có thể quan sát trên nhãn mác, bao bì của chính các hãng sản xuất bột nêm này để biết thực chất thành phần chính ghi trên bột nêm đó. Đặc biệt, người mua phải chú ý xem thành phần trong bột nêm và tìm loại có nhãn mác và nguồn gốc rõ ràng. Nếu hàm lượng mì chính và điều vị vượt quá ngưỡng cho phép thì tuyệt đối không nên dùng./.
Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/bot-nem-co-hap-dan-nhu-quang-cao-983972.vov