BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ: Dừng thu phí vì nhiều... lùm xùm

Sau thời gian dài bị phản ứng về những lùm xùm xung quanh việc thu chi, kiểm đếm, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã chính thức bị yêu cầu dừng thu phí tại trạm Pháp Vân.

Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ nằm như nút thắt đi vào cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Ảnh: Xuân Phú

Trạm thu phí Pháp Vân – Cầu Giẽ nằm như nút thắt đi vào cửa ngõ phía Nam Thủ đô. Ảnh: Xuân Phú

Mức phí không tương xứng

Tuyến cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được thực hiện mở rộng, nâng cấp và đưa vào khai thác từ năm 2015. Được xem là cửa ngõ phía Nam Thủ đô Hà Nội, mỗi ngày Trạm thu phí BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có hàng nghìn lượt phương tiện qua lại. Theo tính toán của các cơ quan quản lý, bình quân mỗi ngày ở trạm thu phí này thu được hàng tỷ đồng…

Ngay từ lúc bắt đầu thu phí đến nay, nhiều lái xe, doanh nghiệp vận tải đã bức xúc bởi sự vô lý khi nhà đầu tư chỉ rải thảm lại mặt đường cũ nhưng lại thu phí đến 1.500 đồng/km, cao tương đương đường cao tốc xây mới.

Sau khi đi vào hoạt động, BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ được cho đầu tư khai thác trong thời gian hơn 17 năm. Với mức thu cao và lượng giao thông dày đặc nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, thời gian cho thu phí như vậy là quá dài. Ông Nguyễn Văn Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, nếu theo tính toán của các chuyên gia giao thông thì chỉ trong vòng 3 năm kể từ khi triển khai thu phí, tức là chỉ trong giai đoạn I dự án này đã có thể hoàn vốn.

Anh Hoàng Xuân Phong - lái xe của một công ty du lịch cho biết: “Gần như ngày nào tôi cũng đưa khách di chuyển trên tuyến đường này. Tôi cho rằng, mức phí của BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ thu là quá cao bởi trước đó tuyến đường này đã hình thành rồi”. Theo anh Phong, tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ khó có thể gọi là “cao tốc” bởi ban ngày thường xuyên xảy ra ùn tắc, đặc biệt vào các dịp lễ tết. “Tuyến đường trên dài khoảng 90km mà lái xe chúng tôi phải đi mất 5 - 6 tiếng đồng hồ thì có được gọi là cao tốc không?”, anh Phong bức xúc. Điều này chứng tỏ tuyến BOT này là điển hình của BOT “nhập nhèm”, đường cũ có sẵn, doanh nghiệp vào chỉ tráng một lớp nhựa và thu phí như cao tốc làm mới.

Ùn tắc kéo dài trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ. Ảnh Xuân Phú

Yêu cầu dừng thu phí

BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ có cổ đông lớn nhất là Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển xây dựng Minh Phát, tiếp theo hai cổ đông khác là Công ty Cổ phần Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành và Cienco1. Đầu năm 2018, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí dịch vụ sử dụng đường bộ. Ngày 28/11/2018, Đoàn kiểm tra đã kiểm tra công tác sao lưu dữ liệu thu phí tại các trạm thu phí thuộc dự án. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có thông báo yêu cầu Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ phải thực hiện ngay công tác sao lưu dữ liệu thu phí. Tuy nhiên, cho đến ngày 13/5/2019, Cục Quản lý Đường bộ I đã báo cáo Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ vẫn chưa thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí theo yêu cầu.

Bản thân nội bộ các cổ đông trong công ty nghi ngờ số liệu báo cáo đếm xe qua trạm không chính xác nên đã lập một nhóm lắp camera trước trạm thu phí để đếm xe, giám sát xe qua trạm. Sau đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã lập Đoàn kiểm tra, giám sát việc thu phí tại trạm này trong 10 ngày (từ 18 giờ ngày 10/7/2016 đến 18 giờ ngày 20/7/2016). Kết quả số thu thực tế vé lượt trong 10 ngày lên tới 17,5 tỷ đồng (trung bình mỗi ngày 1,7 tỷ đồng), trong đó ngày cao nhất là 15/7 với số thu đạt hơn 1,9 tỷ đồng, khác xa số thu phí bình quân tại dự án này được báo cáo trước đó là 1,2 tỷ đồng/ngày và giảm vào dịp Tết.

Cho đến thời điểm này, Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ chưa thực hiện các yêu cầu nói trên, Tổng cục Đường bộ Việt Nam báo cáo Bộ GTVT phương án xử lý là yêu cầu đơn vị này dừng thu phí kể từ ngày 10/6/2019 cho đến khi thực hiện sao lưu dữ liệu thu phí dịch vụ theo đúng quy định. Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Khôi - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, cho biết doanh nghiệp này đã có báo cáo lên Tổng cục Đường bộ Việt Nam và được phê duyệt kế hoạch nâng cấp, bảo đảm đúng thời hạn theo yêu cầu.

Đối với các tuyến BOT khác, công tác thu phí chỉ được phép khi đã hoàn công, quyết toán, chốt con số đầu tư nhưng rõ ràng tuyến BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ đã có “ngoại lệ” khi vừa làm vừa thu phí. Ngoài “nhập nhèm” về tài chính thì thời gian vừa khai thác, vừa thi công đã xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng.

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/thoi-su/bot-phap-van-cau-gie-dung-thu-phi-vi-nhieu-lum-xum-4009236-b.html