Bớt sính hàng ngoại, người dân Trung Quốc dần chuộng các sản phẩm nội địa
Khi ngày càng nhiều hộ gia đình tìm cách giảm bớt gánh nặng tài chính trong bối cảnh thu nhập trì trệ và bất ổn gia tăng, các thương hiệu nội địa đang trở thành lựa chọn thay thế hấp dẫn hơn đối với những người tiêu dùng từng rất 'sính ngoại' ở Trung Quốc.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, vì những thương hiệu này chỉ chiếm một phần nhỏ trong doanh số bán lẻ toàn quốc, các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cần phải đưa ra nhiều biện pháp hơn nữa để vực dậy niềm tin của người tiêu dùng và biến cú sốc này thành động lực tăng trưởng kinh tế.
Ông Zhuang Jinglun, nhà phân tích tại EqualOcean, cho biết: “Giá rẻ là cơ hội để các sản phẩm nội địa phát triển thành sản phẩm thay thế rẻ hơn cho các thương hiệu nước ngoài”.
Theo một báo cáo do công ty nghiên cứu công bố vào tháng 8, các thương hiệu mỹ phẩm, quần áo và đồ gia dụng nội địa đã ghi nhận mức tăng thị phần ổn định trong nửa đầu năm nay.
Niềm tin của người tiêu dùng suy giảm là một trong những thách thức hàng đầu đối với các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Năm ngoái, tiêu dùng chiếm 32,8% mức tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc, giảm từ mức 54,5% vào năm 2021.
Theo Morning Consult - công ty Mỹ chuyên đo lường tâm lý người tiêu dùng Trung Quốc, niềm tin của người tiêu dùng đối với tài chính và tình trạng nền kinh tế đã cải thiện trong tháng 8, nhưng vẫn chưa đạt mức đỉnh năm 2021. Xu hướng này đã thúc đẩy nhiều người tiêu dùng sử dụng các sản phẩm nội địa hơn.
Đầu tháng 9, nhà bán hàng phát trực tiếp Li Jiaqi, được mệnh danh là “Vua son môi” ở Trung Quốc, đã gây xôn xao sau các nền tảng mạng xã hội sau khi chỉ trích một người theo dõi. Li cho biết người này đã không chăm chỉ làm việc để mua một bút kẻ mày có giá 79 nhân dân tệ (270 nghìn đồng) do hãng mỹ phẩm Florasis có trụ sở tại Hàng Châu sản xuất.
Người tiêu dùng trực tuyến sau đó đổ xô đến hàng chục thương hiệu được sản xuất trong nước, đặc biệt là những thương hiệu truyền thống, để ủng hộ hàng nội địa. Các công ty cũng đã nắm bắt cơ hội này bằng cách thúc đẩy quảng cáo với giá cả phải chăng để thu hút lượng khách hàng lớn.
Các thương hiệu nội địa truyền thống, từng được người tiêu dùng ưa chuộng, đã mất dần vị thế trong những năm qua do những hạn chế về tiếp thị. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đã chứng kiến doanh số bán hàng tăng vọt, thậm chí một số thương hiệu đã “cháy hàng” trong thời gian gần đây
Fenghua, thương hiệu dầu gội đầu được thành lập vào năm 1985, đã chứng kiến doanh thu cao kỷ lục. Theo nhà cung cấp dữ liệu bán hàng phát trực tiếp Feigua, sau phiên phát trực tiếp kéo dài 95 giờ, thương hiệu này đã đạt doanh thu vượt mốc 25 triệu nhân dân tệ.
Tận dụng xu hướng chuộng hàng nội địa, công ty này đã đưa ra mức giá hấp dẫn cho các sản phẩm của mình. Combo một chai dầu gội 750ml và hai chai xả 1 lít có giá chỉ 79 nhân dân tệ.
Nhà phân tích Zhuang cho biết sản phẩm nội địa thay thế sản phẩm nhập khẩu có thể trở thành xu hướng lâu dài. Ông nói rằng biết các ngành công nghiệp thượng nguồn sản phẩm nội địa đang ngày càng phát triển, cho phép nhiều sản phẩm cạnh tranh với hàng nhập khẩu về cả chi phí, tay nghề và chất lượng.
“Được thúc đẩy từ bản sắc dân tộc, sở thích của người tiêu dùng đã chuyển sang nhận dạng sản phẩm. Sản phẩm nội địa có lợi thế về giá so với các sản phẩm nhập khẩu và có thể thích ứng nhanh hơn với những biến động của thị trường, phù hợp với thói quen tiêu dùng của người Trung Quốc hơn”, ông Zhuang nói.
Theo cuộc khảo sát do PwC công bố trong tháng này, quyết định của người tiêu dùng Trung Quốc bị ảnh hưởng bởi tài chính cá nhân nhiều hơn bất kỳ yếu tố nào khác.
Trong đó, 51% người tiêu dùng Trung Quốc cho biết họ đang hạn chế chi tiêu không thiết yếu do tình hình kinh tế hiện tại. 25% nói rằng họ đã để ý hơn đến các thương hiệu nội địa, giảm 20% so với năm ngoái. Xu hướng chuộng hàng nội địa đã thúc đẩy đáng kể doanh số bán hàng của các thương hiệu trong nước như Li-Ning và Anta.
Theo báo cáo hồi tháng 8 của EqualOcean, người tiêu dùng trực tuyến ưa chuộng các thương hiệu nội địa ở một số lĩnh vực nhất định từ nửa đầu năm nay. Hơn 70% cho biết họ mua quần áo của các công ty địa phương, và có tưói hơn 90% chọn đồ ăn nhẹ và đồ uống từ các doanh nghiệp bản địa.
Ông Zhuang cho biết khi các thương hiệu “cây nhà lá vườn” được ưa chuộng hơn, nhiều sự kiện ngắn hạn đóng vai trò xúc tác sẽ xuất hiện. Điều này có thể thúc đẩy sản xuất ngược dòng và hình thành vòng phản hồi tích cực.
Theo Công ty dịch vụ tài chính Founder Securities, giả sử thị phần của các thương hiệu mỹ phẩm Nhật Bản tại Trung Quốc giảm 20%, các công ty dẫn đầu trong nước có tiềm năng lấp đầy khoảng trống và chiếm lĩnh thị trường trị giá 676 triệu nhân dân tệ này.
Theo Tổng cục Hải quan, nhập khẩu mỹ phẩm của Trung Quốc từ Nhật Bản đã ghi nhận mức giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 7. Trong tháng 6, mức giảm này chỉ đạt 8,4%.
Bà Yuwan Hu, Phó chủ tịch Daxue Consulting, cho biết: “Kích thích tiêu dùng ngắn hạn có thể là điều mà mọi người hy vọng. Nhưng về lâu dài, điều này đòi hỏi sự cải thiện tổng thể về niềm tin của người tiêu dùng”.
Bà Hu cho biết, mặc dù các sản phẩm nội địa đang trở nên hấp dẫn hơn,nhưng họ vẫn còn một khoảng cách lớn phải lấp đầy trước khi có thể cạnh tranh trực tiếp với các thương hiệu quốc tế.
Bà lập luận lòng yêu nướcvà giá cả thấp là chưa đủ. Dù người tiêu dùng đang đánh giá cao tính hiệu quả về mặt chi phí và sự an toàn của các thương hiệu nội địa, nhưng điều quan trọng là các doanh nghiệp phải tập trung vào giá trị cảm xúc và các tính năng độc đáo để thiết lập hiện diện lâu dài trên thị trường toàn cầu.