Bớt yêu thương gánh gồng

1. Bạn tôi đến muộn khi tiệc cưới đã bắt đầu chừng mươi phút. Có một chút bối rối khi chị phân trần với những người cùng bàn, rằng mình vừa lên quê về. Ở đó có một mảnh vườn mà chị đang trồng rau trái. Nôm na là để có thực phẩm sạch, thế nên những người bạn ồ, à vài câu tỏ sự thông cảm và chia sẻ.

“Nói thiệt là tui về hưu mà bận hơn khi còn đi làm đó – bạn ghé tai tôi nói nhỏ - Suốt ngày lo dọn dẹp nhà cửa, chợ búa cơm nước. Từ bữa sáng cho đến bữa tối cho cả nhà. Nói ra ngoài ăn sáng đi cho tui bớt cực mà chồng, con trai và giờ cả con gái và con rể nữa không chịu, nói má nấu ngon hơn. Thiệt hắn nói ngon mà tui tức à nhen…”. Tôi nhìn chị, tóc bạc sớm mà cũng có thể là thiếu sự chăm chút khi chỉ được túm lại và buộc gọn lên phía sau. Gương mặt trông dãi dầu. Hỏi bạn có thấy hạnh phúc không, với việc lo toan bếp núc, câu trả lời xem ra lệch đề bâng quơ “người ta đi làm ô sin có tiền lương nha. Tui còn bỏ cả lương hưu vào nữa mà vẫn bận tối mắt tối mũi”…

2. Bẵng đi một quãng thời gian, tôi mới gặp lại chị, dù hai nhà chỉ cách một bức tường lưng lửng. Hỏi, chị nói lâu nay giao việc nhà và cơm nước cho chồng tự lo. Chị xuống nhà con gái giữ cháu ngoại. “Cũng nốt ruột lắm cô à! Đi mà cứ thương ông xã chị vò võ đến mấy tháng trời”. Còn chị? Hàng xóm của tôi nói chẳng còn cách nào khác, nên thôi thì mình chịu khó thôi.

Chăm lo gia đình, giữ cháu cho con và những sự vụ khác như chị bạn tôi và hàng xóm của tôi nữa, có vẻ như đã thành mẫu số chung của rất nhiều người. Có nhiều anh chị, rời công việc lại không nhàn nhã hơn vì những yêu thương gánh gồng như thế.

3. Hôm rồi ngồi cà phê ở Quế Lâm với anh đồng nghiệp cũ ghé ngang qua. Bạn của anh cùng ngồi hôm đó nhân tiện cũng nói về những tháng ngày nghỉ ngơi của mình. Anh nói gia đình con trai vẫn sống cùng nhà, nhưng anh phân việc rõ ràng, ba mẹ giúp, nhận trách nhiệm đưa cháu đi trẻ nhưng việc đón về, là của ba mẹ nó. Con cái không được ỷ lại và phải cùng phụ giúp việc nhà, trên cơ sở vợ chồng anh đã lo những phần chính. Vợ chồng anh cũng thu xếp thời gian, tiền bạc để mỗi năm đi ít nhất là 2 chuyến đến một nơi nào đó. Phải mặc định việc đó, khi chúng ta còn đủ sức khỏe – anh chia sẻ - đời người như bóng câu qua cửa…

Anh chị là người có điều kiện hơn, nhưng có lẽ, điều chính yếu nhất là anh chị cũng đã nghĩ cho mình và đến lúc nghĩ cho mình, biết cách nghĩ cho mình.

4. Chị bán nhà mặt đất lên ở chung cư. Sự lựa chọn với chị là hợp lý. Con gái đều đã có gia đình. Các cháu đi học, đi trẻ. Thi thoảng cả nhà cùng đi chơi hay đi ăn uống ở một điểm dễ thương nào đó. Tiền bán nhà, anh chị cũng chia phần làm vốn cho hai con. Khi nào các con thật sự cần, anh chị chắc chắn có mặt.

Thi thoảng tôi lại gặp chị, trên mạng xã hội khi anh chị hoặc chị và các bạn đăng ảnh check-in ở các điểm du lịch. Nhìn chị phong độ và thoải mái hơn hẳn. Thậm chí lại có phần lão hóa ngược.

Đó cũng là một lựa chọn đáng để nghĩ và đáng để sống. Là tôi nghĩ vậy. Việc bỏ bớt yêu thương gánh gồng là điều có lẽ cũng là cách để mỗi gia đình có trách nhiệm với nhau và yêu thương lẫn nhau hơn. Việc yêu thương bản thân một chút, cũng là điều đáng đầu tư trong cuộc sống này mà…

LÊ NGUYỄN AN

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/bot-yeu-thuong-ganh-gong-129371.html