Botulinum - độc chất thần kinh đáng sợ được phát hiện trong pate Minh Chay
Sau khi ghi nhận 9 bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngộ độc do ăn sản phẩm pate Minh Chay chứa vi khuẩn có độc lực cực mạnh, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã cảnh báo khẩn cấp về sản phẩm này. Vậy loại vi khuẩn đằng sau các vụ ngộ độc này là gì, và độc chất mà nó sản sinh ra nguy hiểm đến mức nào?
Tình trạng ngộ độc Botulinum (còn gọi là Botulism) được xem là cực kỳ nghiêm trọng khi gây liệt mềm cơ (flaccid paralysis). Một loại độc chất thần kinh có tên Botulinum là nguyên nhân gây ngộ độc và vi khuẩn Clostridium botulinum sản sinh ra độc chất này.
Vi khuẩn Clostridium botalinum và độc chất thần kinh Botalinum
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 7 loại độc tố thần kinh (xếp loại từ A đến G) mà vi khuẩn Clostridium botulinum có thể sinh ra, nhưng các loại A, B và E là thường thấy nhất trong các vụ ngộ độc gây liệt mềm cơ ở người. Các loại còn lại chủ yếu gây bệnh ở động vật, cũng có thể gây liệt cơ.
Phần lớn các chủng vi khuẩn trên chỉ sinh ra một loại độc chất thần kinh Botulinum duy nhất, nhưng ảnh hưởng của các loại A, B, E hoặc F đối với người là như nhau. Ngộ độc Botulinum không lây từ người sang người. Một người ngộ độc Botulinum sau khi trực tiếp tiếp nhận độc chất này (và trong một số trường hợp hiếm gặp là hít phải hoặc bị tiêm vào).
Lịch sử bắt đầu ghi nhận về ngộ độc Botulinum vào năm 1735, trong một vụ ngộ độc sau khi ăn xúc xích Đức. Năm 1870, một nhà khoa học người Đức có tên John Muller đặt tên cho chứng ngộ độc này là Botulism, lấy từ cụm từ Latin có nghĩa là xúc xích. Vi khuẩn Clostridium botulinum lần đầu tiên được cô lập vào năm 1895, và độc chất mà nó sinh ra lần đầu được cô lập vào năm 1944, bởi Tiến sĩ Edward Schantz.
Từ năm 1949 đến những năm 1950, độc chất này (được đặt tên BoNT A) được chứng minh là có tác dụng chặn tín hiệu thần kinh cơ trong hệ thần kinh bằng cách ngăn chặn sự tiết ra acetylcholine từ dây thần kinh vận động.
Botulinum là một trong số những độc chất nguy hiểm nhất mà loài người biết đến. Mặc dù được xem là chất sử dụng trong chế tạo vũ khí sinh học, nhưng Botulinum cũng được ứng dụng trong y học để chữa trị nhiều chứng bệnh.
Năm 1980, Tiến sĩ Alan B. Scott đã sử dụng độc chất này để điều trị bệnh mắt lác, và tháng 12/1989, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Thuốc men Hoa Kỳ (FDA) phê chuẩn việc sử dụng BoNT-A (Botox) để điều trị chứng mắt lác, co thắt cơ mi mắt, và co thắt nửa mặt ở những bệnh nhân trẻ tuổi. Việc sử dụng Botox để xóa nếp nhăn được FDA phê duyệt vào năm 2002 để cải thiện sắc đẹp, ngoài ra FDA cũng phê duyệt nhiều ứng dụng khác của Botox như trị chứng rối loạn đau cơ.
Các trường hợp ngộ độc chất Botulinum dù hiếm gặp nhưng vẫn được ghi nhận ở một số nơi. Năm 2017, ít nhất 10 bệnh nhân đã phải nhập viện vì ngộ độc Botulinum. Tất cả những người này trước đó đều sử dụng sốt phô mai nacho tại một trạm xăng gần Sacramento, California, Mỹ. Một trong số các bệnh nhân đã phải ở trong phòng chăm sóc tích cực suốt 3 tuần lễ vì chứng liệt cơ.
Triệu chứng của ngộ độc Botulinum
Độc chất Botulinum là độc chất thần kinh, bởi vậy nó ảnh hưởng tới hệ thần kinh. Ngộ độc Botulinum qua đường ăn uống thường gây liệt mềm cơ và suy hô hấp. Các triệu chứng ban đầu bao gồm mệt mỏi, suy nhược và chóng mặt, và tiếp sau đó là mờ mắt, khô miệng, khó nuốt và khó nói chuyện. Nôn mửa, tiêu chảy, táo bón cũng có thể xuất hiện. Người nhiễm độc không bị sốt và cũng không mất nhận thức.
Theo WHO, các triệu chứng này thường xuất hiện trong khoảng thời gian 12 – 36 giờ đồng hồ sau khi nhiễm độc. Tỷ lệ tử vong ở các nhiễm độc Botulinum là cao nếu như không được phát hiện và điều trị khẩn cấp. Dữ liệu của WHO chỉ ra rằng tỷ lệ tử vong ở các trường hợp nhiễm độc Botulinum là từ 5 – 10%.
Botulinum dễ sản sinh trong môi trường nào?
Đối với trường hợp nhiễm độc Botulinum qua đường ăn uống, Clostridium botulinum là vi khuẩn kỵ khí, có nghĩa rằng nó chỉ có thể phát triển trong môi trường yếm khí, thiếu oxy. Ngộ độc Botulinum xảy ra khi vi khuẩn phát triển và sản sinh ra độc chất trong thực phẩm, trước khi thực phẩm đó được sử dụng. Clostridium botulinum sinh ra các bào tử và chúng tồn tại nhiều trong môi trường, như trong đất, trong nước sông, nước biển.
Sự phát triển của vi khuẩn này cùng sự sản sinh độc chất của nó diễn ra bên trong các sản phẩm thực phẩm được chứa trong môi trường thiếu oxy, và một số môi trường bảo quản nhất định khác. Thường thì quá trình sản sinh độc chất Botulinum xảy ra trong các loại thực phẩm được bảo quản và trong các loại thực phẩm đóng hộp không được xử lý tốt.
Vi khuẩn Clostridium botulinum không phát triển được trong môi trường axit (độ pH dưới 4,6), bởi vậy mà độc chất Botulinum không thể được sản sinh trong các loại thực phẩm có tính axit. Việc kết hợp các điều kiện như nhiệt độ bảo quản thấp, muối thấp và/hoặc độ pH thấp cũng giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn hoặc sự hình thành của độc chất Botulinum.
Botulinum có thể được tìm thấy trong vô số loại thực phẩm, trong đó có các loại rau được bảo quản trong môi trường axit thấp như đậu xanh, rau chân vịt, nấm…và các loại cá, trong đó bao gồm cá ngừ đóng hộp, cá lên men, ướp muối hoặc hun khói; các sản phẩm thịt như thịt muối và xúc xích.
Mặc dù bào tử của vi khuẩn Clostridium Botulinum có khả năng chịu nhiệt, nhưng độc chất mà vi khuẩn này sinh ra dưới các điều kiện yếm khí lại bị tiêu hủy nhờ việc đun sôi (ví dụ, trong điều kiện nhiệt độ bên trong lớn hơn 85 độ C trong vòng 5 phút hoặc hơn). Bởi vậy, các loại thực phẩm ăn sẵn được đóng gói/đóng hộp trong môi trường yếm khí thường liên quan tới các vụ ngộ độc Botulinum.