Boyband sống dậy, 'chấn hưng' văn hóa thần tượng trong cộng đồng nhạc Việt
Trong vài tháng qua, hàng loạt chương trình truyền hình thực tế về âm nhạc liên tục dẫn đầu các bảng xếp hảng, các Top Trending. Thị trường âm nhạc sôi động hơn hẳn với rất nhiều bản hit mới, các tên tuổi nghệ sỹ liên tục trở thành tâm điểm truyền thông dẫn theo làn sóng hâm mộ có nhiều thay đổi lớn. Cùng với đó, văn hóa thần tượng với những điểm mới tích cực đang được thiết lập trong cộng đồng người yêu nhạc Việt.
Boyband đã lỗi thời?
Lou Pearlman - người đứng sau thành công của hai boyband thành công nhất trong lịch sử nhân loại Backstreet Boys và N'Sync khi được hỏi “đến khi nào thì trào lưu boyband sẽ hết thời” đã nhếch mép cười: “Khi Thượng đế ngừng tạo ra các cô nàng tuổi teen”, nghĩa là chẳng bao giờ kết thúc.
Ở giai đoạn những năm thập niên 1990 và 2000, các boyband tại Mỹ được thành lập theo một mẫu số chung: Biết hát, biết nhảy, các thành viên đều đẹp nhưng không ai giống ai. Ví dụ một thành viên sẽ đẹp theo kiểu hot boy, một người thân thiện như anh hàng xóm nhà bên, một người nữa lại thể hiện vibe trai hư... Sau đó họ được tiếp thị đúng nghĩa là đến tận mặt các cô nàng tuổi teen khi liên tục lưu diễn ở các trường trung học khắp nước Mỹ.
Ở Việt Nam, các nhóm nhạc nam theo mô hình thần tượng cũng lần lượt ra đời, gặt hái rất nhiều thành công ở giai đoạn này. Có thể kể đến các nhóm nam như 1088, GMC, Weboys... Sau thời gian hoạt động nhóm chung (khoảng hai năm), đa số các nhóm nhạc này đều tan rã, thành viên nào còn đam mê âm nhạc sẽ tiếp tục theo đuổi sự nghiệp solo.
Đi theo sự phát triển không ngừng của ngành công nghiệp giải trí là sự ra đời của các show truyền hình thực tế sống còn, mô tả kỹ lượng từng công đoạn tuyển chọn thành viên trước khi một nhóm nhạc debut. Người hâm mộ có cơ hội zoom kỹ vào từng thành viên, bày tỏ sự yêu thích đối với mỗi cá nhân trước khi nhóm chính thức ra mắt, đồng nghĩa với độ hot của nhóm đã có thể tính toán được ngay từ đầu.
Các show truyền hình thực tế tại V-Biz trong thời gian gần đây quy tụ rất nhiều “anh trai” trên danh nghĩa tìm kiếm thành viên xây dựng nhóm nhạc đã thành công trong việc một lần nữa làm sống lại trào lưu boyband. Mặc dù xác suất để các anh trai chiến thắng sẽ hoạt động cùng nhau trong mô hình nhóm nhạc là vô cùng thấp trong khi ai cũng tập trung đẩy mạnh sự nghiệp cá nhân nhưng điều đó lại chẳng quan trọng mấy.
Tất cả các “anh trai” tham gia chương trình đều có những câu chuyện riêng đủ để tạo sức nóng liên tục qua từng tuần.
Rất nhiều giọng hát tốt, visual đẹp, cá tính thú vị cộng dồn lại theo công thức boyband kinh điển đã đem lại hiệu ứng bùng nổ. Cũng từ đây, hàng loạt cái tên trở nên siêu hot và nắm giữ một quyền lực không hề tầm thường: Định hình văn hóa thần tượng.
Idol tương tác trong một nốt nhạc
Quay trở lại giai đoạn trước, dù có hâm mộ thần tượng đến mấy thì quy trình để bày tỏ tình cảm với idol cũng phức tạp và nói chung là mất thời gian. Người hâm mộ có thể gửi quà, gửi thư đến địa chỉ fan club nhưng để chờ thần tượng hồi âm thì cơ hội dường như là con số không. Tình cảm dù có sục sôi đến mấy thì cũng nguội đi ít nhiều theo thời gian.
Tuy nhiên trong thế giới phẳng, bạn không chỉ nhìn ngắm idol mà còn có muôn vàn cơ hội để tương tác cùng thần tượng. Việc một tên tuổi hàng đầu V-Biz livestream trò chuyện trên Instagram, trả lời comment của fan trên Threads hoặc repost bài viết của khán giả trên TikTok giờ đây là chuyện hết sức bình thường. Cầu nối giữa khán giả và thần tượng được gắn kết liên tục tạo thành một giao thức hai chiều: Chính các nghệ sĩ cũng được (hoặc bị) nhận phản hồi ngay lập tức. Văn hóa hâm mộ đang dần được xác lập lại, khán giả không chỉ đơn thuần khen ngợi mả cả góp ý, không chỉ yêu quý mà còn cả phẫn nộ.
Thế mới có chuyện một vài cử chỉ bị coi là thiếu tinh tế của nghệ sĩ trong quá trình chọn đội lập team bị trở thành chủ đề bị ném đá trong nhiều tuần. Nền tảng Threads được xem như “chợ” quan điểm của khán giả nơi mọi cảm xúc đều tự do phơi bày: Tình yêu dễ thể hiện thì sự ghét bỏ cũng tương tự.
Nếu bạn nghĩ một bình luận nhỏ bé của mình chỉ là hạt muối giữa đại dương chẳng đủ để sát thương ai cả thì bạn nên nghĩ lại.
Sự xuất hiện của các tài khoản chính chủ bình luận trên Threads cho thấy các nghệ sĩ vẫn luôn âm thầm “tiêu hóa” feedback của khán giả. Các nghệ sỹ Gen Z bây giờ cũng overthinking giống như bạn, thậm chí còn hơn thế.
Trở thành thần tượng không hề đơn giản, không chỉ yêu cầu ngoại hình đẹp, hát hay, nhảy giỏi mà còn phải khéo léo trong giao tiếp, tinh tế trong lời ăn tiếng nói, phải có EQ - trí thông minh cảm xúc cao. Cảm xúc của khán giả có thể nhanh chóng tạo thành một phản ứng dây chuyền đẩy idol lên cao cũng như dìm thật nhanh xuống thấp.
Văn hóa thần tượng kiểu mới
Không ít ý kiến cho rằng, lời nói của HIEUTHUHAI từ trước và sau khi tham gia chương trình Anh Trai "Say Hi" đã có sức nặng hơn hẳn. Điều này không tự nhiên mà đến, thực tế qua những gì "Đội trưởng Trần" thể hiện trong chương trình từ khả năng chuyên môn trong việc làm đội trưởng đến tinh thần thi đấu kiến tạo vì anh em, HIEUTHUHAI đã xây dựng một hình ảnh đẹp bền vững trong mắt khán giả. Mọi lời nói, hành động của HIEUTHUHAI đều thể hiện định hướng xây dựng một cộng đồng fan văn minh, không kêu gọi tặng quà, không tốn tiền cho các hoạt động bên lề, không tranh cãi, gây “war” trên mạng.
Các shop bán hàng hay có câu: “Chúng tôi biết bạn có rất nhiều sự lựa chọn, cảm ơn bạn đã lựa chọn chúng tôi”. Câu này không chỉ đúng trong việc mua hàng mà còn đúng với lựa chọn thần tượng. Bạn có rất nhiều lựa chọn, văn hóa thần tượng sẽ rất lành mạnh và trở thành động lực tốt nếu bạn chọn đúng cho mình một thần tượng văn minh. Cũng đừng quên câu: “Nếu hài lòng xin hãy vote 5 sao, nếu không xin hãy phản hồi qua đường dây nóng”.
Các thần tượng suy cho cùng cũng chỉ là những người bình thường đang làm một công việc nổi tiếng. Nếu có một lúc nào đó bạn cảm thấy không hài lòng về “dịch vụ”, xin hãy góp ý nhẹ nhàng. Hãy tin rằng họ luôn mong được sửa chữa sai sót (nếu có) và phục vụ bạn vào lần tiếp theo.