BR-VT: Hàng loạt sai sót trong mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế chống dịch

Thanh tra tỉnh BR-VT phát hiện hàng loạt gói thầu có sự chênh lệch rất lớn giữa giá nhập và giá trúng thầu. Trong khi đó, kít xét nghiệm sử dụng của Công ty Việt Á vẫn chỉ là đi mượn.

Chênh lệch lớn giữa giá nhập và giá trúng thầu

Thanh tra tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu vừa hoàn thành kết luận thanh tra về việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

Kết quả thanh tra từ thời điểm 1-1-2020 đến hết ngày 31-12-2021, trên địa bàn tỉnh BR-VT thực hiện việc mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, vắc-xin, thuốc phòng, chống dịch Covid-19 với tổng giá trị mua sắm đã thanh toán là hơn 206 tỉ đồng từ nguồn ngân sách.

Trong đó, về trang thiết bị y tế, Sở Y tế thực hiện 6 gói thầu mua 25 thiết bị với tổng giá trị hơn 70 tỉ đồng; các cơ sở y tế thực hiện 14 gói thầu hơn 1,4 tỉ đồng; Về vật tư y tế, sinh phẩm, kít xét nghiệm, Sở Y tế và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) thực hiện 12 gói thầu với giá trị trúng thầu hơn 123 tỉ đồng; Các cơ sở y tế thực hiện mua sắm 141 gói thầu riêng lẻ với giá trị hơn 11,7 tỉ đồng.

Liên quan đến gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, có 5 gói thầu mua sắm đợt 1 năm 2020, Sở Y tế ký hợp đồng thuê 2 đơn vị tư vấn lập hồ sơ yêu cầu và đánh giá hồ sơ đề xuất; tư vấn thẩm định hồ sơ yêu cầu và kết quả lựa chọn nhà thầu. Theo hình thức chỉ định thầu thông thường, một giai đoạn 1 túi hồ sơ.

BR-VT mượn kít xét nghiệm của nhiều công ty trong đó có Công ty CP Việt Á

BR-VT mượn kít xét nghiệm của nhiều công ty trong đó có Công ty CP Việt Á

Theo kết luận thanh tra, mặc dù thiết bị được thẩm định là hàng nhập khẩu nhưng các đơn vị tư vấn không khảo sát thực tế, không thu thập báo giá từ các nhà nhập khẩu trực tiếp hoặc phân phối độc quyền… Các hợp đồng thu thập là tài liệu photo, hầu như không có hóa đơn, biên bản nghiệm thu bàn giao và thanh lý hợp đồng.

Kết quả kiểm tra cho thấy, tờ khai hàng hóa nhập khẩu trong hồ sơ đấu thầu của các gói thầu đều bị tẩy xóa thông tin giá nhập khẩu, mặt khác việc thực hiện các thủ tục bàn giao, hợp đồng mua bán và nghiệm thu chưa được chặt chẽ; chênh lệch giữa giá trúng thầu với với giá nhập khẩu tăng 171% và giá mua vào tăng 47,6%.

Qua thu thập các thông tin từ giai đoạn báo giá thẩm định giá cho đến giai đoạn cung cấp trang thiết bị cho thấy, tại gói thầu số 3, tỉ lệ tăng giá trúng thầu so với giá nhập khẩu là 187%, trong đó có gói thầu là hơn 15 tỉ nhưng giá trị hàng nhập là 8,6 tỉ đồng, sau khi trừ các loại chi phí và thuế, lợi nhuận đơn vị trúng thầu thu được từ gói thầu là hơn 3,2 tỉ đồng.

Gói thầu số 4, giá trúng thầu hơn 22,3 tỉ, trong khi đó giá mua vào hơn 11 tỉ và chi phí liên quan (không có chứng từ) hơn 5 tỉ, sau khi trừ đi các khoản chi phí thì đơn vị trúng thầu lãi sau thuế hơn 6,1 tỉ đồng.

Tương tự, các gói thầu số 5, số 6, số 7 giá nhập vào so với giá trúng thầu chênh lệch rất lớn.

Theo kết luận thanh tra, việc đánh giá hồ sơ đề xuất của các đơn vị tư vấn là chưa chính xác, vì nhà thầu cung cấp các mặt hàng không đủ điều kiện mua trang thiết bị y tế. Cụ thể, các thiết bị giúp thở, thiết bị xét nghiệm, hệ thống máy PCR, thiết bị cấp cứu, máy hấp tiệt trùng, hệ thống đo thân nhiệt từ xa, máy đo thân nhiệt cầm tay, máy phun dịch khử khuẩn… trong hồ sơ đề xuất gói thầu của các công ty trúng thầu đều thể hiện nhưng thực tế theo hồ sơ công bố đủ điều kiện mua bán trang thiết bị y tế trước đó các công ty trúng thầu thì không có các thiết bị này.

Theo kết luận thanh tra, việc đơn vị tư vấn đánh giá hồ sơ đề xuất và thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu vẫn xác định nhà thầu đủ điều kiện năng lực là có dấu hiệu vi phạm quy định về luật đấu thầu.

Nhà thầu biết trước kết quả đấu thầu

Liên quan đến các gói thầu mua sắm vật tư y tế, sinh phẩm, hóa phẩm do Sở Y tế thực hiện với 6 gói thầu hơn 67,9 tỉ đồng. Kết quả thanh tra cho thấy, gói thầu mua sắm vật tư y tế, công cụ, dụng cụ và hóa chất sát khuẩn năm 2020 giá trúng thầu hơn 11,6 tỉ đồng nhưng thực tế doanh nghiệp trúng thầu không có sẵn hàng hóa mà đi mua từ 2 đơn vị khác, mặt hàng này được mua vào ban đầu với giá 8,2 tỉ đồng. Ngoài ra, có 24/58 mặt hàng nhập khẩu chênh lệch tăng giữa giá trúng thầu với giá nhập khẩu là 238%.

Gói thầu mua sắm sinh phẩm xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR với giá trúng thầu hơn 17,1 tỉ đồng. Trong khi đó giá mua vào hơn 11,9 tỉ đồng, chênh lệch giữa giá trúng thầu và giá mua vào hơn 5,2 tỉ đồng. Đơn vị trúng thầu cho biết, trừ đi các chi phí, lợi nhuận sau thuế thu được là hơn 1,7 tỉ đồng. Gói thầu này có 24/26 mặt hàng nhập khẩu chênh lệch giữa giá trúng thầu so với giá nhập khẩu là 229%.

Gói thầu mua hóa chất khử khuẩn phòng, chống dịch đợt 1-2020 với giá trúng thầu hơn 1,4 tỉ đồng. Theo báo cáo của đơn vị trúng thầu thì hàng được mua với đơn giá 121.000 đồng/1kg (Cloramin B) với tổng tiền hơn 992 triệu đồng. Sau khi trừ đi các khoản thuế và chi phí thì lợi nhuận thu hơn 208 triệu đồng. Tuy nhiên theo tờ khai hải quan ghi nhận giá nhập khẩu thì giá nhập vào chỉ hơn 17.0000 đồng/kg.

Về kết quả thanh tra gói thầu mua sắm test kháng nguyên SARS-CoV-2 (đợt 5) với giá gói thầu hơn 18,8 tỉ đồng, kết quả có một đơn vị trúng thầu với giá 17,5 tỉ đồng.

Kết quả thanh tra cho thấy, mặc dù chưa biết kết quả đấu thầu nhưng trước đó nhà thầu đã bàn giao hàng cho đơn vị sử dụng trước "Chứng tỏ nhà thầu đã biết chắc chắn về kết quả đấu thầu tại gói thầu này hoặc đã có sự thỏa thuận giữa bên mời thầu và nhà thầu. Việc nhận hàng trước cũng không phải là nhu cầu cấp thiết đưa ngay vào sử dụng, vì nhận hàng từ 5-7-2021 nhưng sau khi có kết quả trúng thầu ngày 5-8-2021 mới bắt đầu xuất kho", kết luận thanh tra chỉ rõ.

Liên quan đến các gói thầu của CDC tỉnh BR-VT thực hiện gồm 6 gói thầu trong đó 1 gói chỉ định thầu thông thường, 3 gói chỉ định thầu rút gọn và 3 gói đấu thầu rộng rãi.

Theo kết luận thanh tra, có nhiều gói thầu giá dự toán gói thầu và giá trúng thầu chưa đảm bảo sát với giá thị trường; giá nhập khẩu chênh lệch gấp nhiều lần so với giá trúng thầu. Ví dụ tại gói mua sắm hóa chất, sinh phẩm, vật tư xét nghiệm RT-PCR, cơ quan thanh tra đối chiếu giá nhập khẩu của 24/25 mặt hàng theo các tờ khai hải quan thì tổng giá trị hơn 7,1 tỉ đồng trong khi đó giá trúng thầu hơn 23,3 tỉ đồng (chênh lệch tăng hơn 16,2 tỉ đồng).

Mượn của nhiều công ty

Ngoài các gói thầu mua sắm, Sở Y tế và CDC tỉnh BR-VT đã mượn của 6 công ty, trong đó mượn của Công ty CP Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á) hơn 28.000 test và 3 máy xét nghiệm PCR. Đến nay, đã trả lại máy và chưa thực hiện thủ tục mua sắm, thanh toán liên quan số lượng Kít xét nghiệm Covid có nhãn hiệu Việt Á đã sử dụng nêu trên.

Theo kết luận thanh tra, Sở Y tế và CDC tỉnh mượn kít xét nghiệm, vật tư y tế, hóa chất của các đơn vị trong đó có của Công ty Việt Á cũng chưa có sự đồng ý bằng văn bản của UBND tỉnh và quá trình tiếp nhận sử dụng cũng chưa thể hiện có văn bản báo cáo của UBND tỉnh, đồng thời trong các báo cáo không thể hiện các thủ tục để trình UBND tỉnh quyết định mua sắm, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu đối với hàng hóa sau khi đã mượn.

Về nguồn gốc thiết bị mua vào của hệ thống máy PCR, theo Thanh tra tỉnh BR-VT, thông tin trong tờ khai hàng hóa nhập khẩu hệ thống máy này có giá hơn 1,7 tỉ đồng (máy tách chiết ADN/ARN và Setup PCR tự động có giá hơn 1,2 tỉ đồng; máy Realtime PCR hơn 496 triệu đồng) nhưng hồ sơ trúng giá hơn 4,5 tỉ đồng (chênh lệch giá trúng thầu so với giá nhập khẩu hơn 2,8 tỉ đồng); Ngoài ra công ty trúng giá cũng không đủ điều kiện bán thiết bị xét nghiệm theo quy định.

Quy trách nhiệm

Với hàng loạt dấu hiệu thiếu sót trong quá trình mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư y tế, Thanh tra tỉnh BR-VT đã chỉ rõ Sở Y tế cần chịu trách nhiệm trước những thiếu sót trong đề xuất nhu cầu mua sắm; ký hợp đồng thuê tư vấn thẩm định giá và dự toán các gói thầu; Việc lập thẩm định việc lựa chọn nhà thầu, phê duyệt dự toán các gói thầu; Việc mượn test nhanh kháng nguyên. CDC tỉnh BR-VT chịu trách nhiệm đối với việc lập và trình phê duyệt dự toán, lựa chọn nhà thầu đối với các gói thầu liên quan; Việc mượn Kít xét nghiệm và vật tư y tế; Việc sử dụng hóa chất, sinh phẩm… Sở Tài chính chịu trách nhiệm trong việc thẩm định dự toán mua sắm liên quan và thẩm định kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

Về xử lý trách nhiệm, đề xuất phê bình Giám đốc Sở Y tế với những thiếu sót liên quan như kết luận thanh tra; Xem xét trách nhiệm của các Tổ thẩm định của Sở Y tế, trách nhiệm của CDC và các cơ sở y tế liên quan….

Bài, ảnh: Ngọc Giang

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thoi-su/br-vt-hang-loat-sai-sot-trong-mua-sam-vat-tu-trang-thiet-bi-y-te-chong-dich-20220510063148961.htm