Brazil: Báo động tình trạng các vụ cháy rừng Amazon tăng mạnh
Ngày 1/10, Cơ quan Vũ trụ Quốc gia Brazil (INPE) công bố hình ảnh vệ tinh cho thấy số vụ cháy rừng nhiệt đới Amazon nằm trong lãnh thổ nước này đã tăng mạnh trong tháng 9, tiếp tục thổi bùng làn sóng phản đối chính sách môi trường của Tổng thống Jair Bolsonaro.
Theo hình ảnh vệ tinh mà INPE thu thập được, số vụ cháy rừng Amazon trong tháng 9 đã tăng 61% so với cùng kỳ năm ngoái. Cụ thể, INPE đã phát hiện 32.017 vụ cháy rừng trong tháng qua, cao hơn nhiều so với 19.925 vụ rrong tháng 9/2019. INPE cho biết thêm số vụ cháy rừng Amazon xảy ra trong 9 tháng đầu năm nay đã tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái.
Phần lớn các vụ cháy rừng Amazon xảy ra là do người dân đốt rừng lấy đất, chăn nuôi gia súc, khai mỏ bất chấp việc chính phủ đã ban hành lệnh cấm đốt rừng trong 4 tháng, kể từ tháng 7 vừa qua.
Trong khi đó, số đám cháy xảy ra tại Pantanal - vùng đất ngập nước lớn nhất thế giới nằm tại Brazil và một phần chia sẻ với Bolivia và Paraguay, đã tăng 3 lần, lên 8.106 vụ trong tháng 9, trở thành tháng tồi tệ nhất kể từ khi INPE bắt đầu thống kê số vụ cháy vào năm 1998. Theo các chuyên gia, tình hình các đám cháy tại Pantanal ngày càng trầm trọng là do chính quyền trung ương và địa phương không có biện pháp ngăn ngừa hiệu quả dù trước đó đã có cảnh báo về nạn hạn hán thảm khốc tại khu vực này.
Thống kê của Phòng thí nghiệm ứng dụng cho vệ tinh môi trường (LASA) cho thấy các đám cháy đã phá hủy 23% diện tích Pantanal tại Brazil. Vùng đất ngập nước lớn nhất hành tinh này được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới và được coi là một trong những hệ sinh thái phong phú nhất thế giới về đa dạng sinh học hệ động thực vật với khoảng 600 loài chim, 124 loài thú, 80 loài bò sát và 60 loài lưỡng cư.
Hồi năm ngoái, chính quyền Tổng thống Bolsonaro đã hứng chịu làn sóng chỉ trích của cộng đồng quốc tế vì cách xử lý tình trạng cháy rừng Amazon. Trước sức ép ngày càng tăng, nhà lãnh đạo Brazil đã phải điều động quân đội vào cuộc, đồng thời ban hành quy định cấm đốt rừng. Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường cho rằng những hành động trên vẫn chưa đủ. Tháng 6 vừa qua, 29 công ty đầu tư nước ngoài, sở hữu khối tài sản trị giá gần 4.000 tỷ USD, đã gửi bức thư mở tới Tổng thống Bolsonaro, hối thúc chính phủ thay đổi các chính sách vốn bị xem là nguyên nhân làm gia tăng các vụ phá rừng. Bên cạnh đó, tình trạng các công ty chăn nuôi và nông nghiệp Brazil phá rừng để phát triển kinh tế cũng đang đe dọa triển vọng thỏa thuận thương mại giữa Liên minh châu Âu (EU) và Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) mà trong đó Brazil là thành viên.