Brazil phun khí CO2 vào rừng Amazon để mô phỏng biến đổi khí hậu

Các nhà khoa học đang cố gắng tìm hiểu liệu Amazon - khu rừng đa dạng sinh học nhất thế giới có điểm giới hạn hấp thụ CO2 khiến nó rơi vào tình trạng suy thoái không thể đảo ngược hay không.

Xác định khả năng hấp thụ CO2 của "lá phổi xanh" Amazon

Theo nghiên cứu Đại học Dartmouth (Mỹ) vào năm 2022, Brazil là 1 trong 5 quốc gia có lượng phát thải khí nhà kính cao nhất thế giới (cùng với Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ), gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho môi trường và sức khỏe con người. Tuy nhiên, phần lớn rừng Amazon lại nằm trong lãnh thổ Brazil.

Rừng Amazon chiếm hơn 50% rừng nhiệt đới của Trái Đất và phong phú nhất về loài cây, động vật trên thế giới. Amazon là một khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, một khu dự trữ sinh quyển cho loài người. Một trong những vai trò quan trọng nhất của rừng Amazon đối với sự sống còn của nhân loại đó là chức năng hấp thụ khí carbon dioxide (CO2) - loại khí gây hiệu ứng nhà kính khiến nhiệt độ Trái đất ngày càng nóng lên.

Để tìm hiểu về cách thức "lá phổi xanh" của hành tinh phản ứng với biến đổi khí hậu, Brazil đã xây dựng một công trình độc đáo nhằm phun khí CO2 vào rừng nhiệt đới Amazon.

The Euro News, công trình gồm tổ hợp các tòa tháp xếp thành 6 vòng tròn phục vụ việc phun khí CO2 có tên gọi AmazonFACE, nằm cách thành phố Manaus của Brazil 70km về phía Bắc, do Viện Nghiên cứu Amazon quốc gia Brazil phụ trách.

Một phần của tổ hợp các tòa tháp phun carbon dioxide vào rừng Amazon tại phía bắc Manaus, Brazil. Ảnh: AP/Fernando Crispim

Một phần của tổ hợp các tòa tháp phun carbon dioxide vào rừng Amazon tại phía bắc Manaus, Brazil. Ảnh: AP/Fernando Crispim

2 tổ hợp kiến trúc đầu tiên đang được xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động trong tháng 8 tới. Mỗi vòng tròn cung cấp CO2 sẽ bao gồm 16 tháp nhôm cao bằng tòa nhà 12 tầng. Dự kiến toàn bộ công trình sẽ đi vào hoạt động giữa năm 2024.

Dự án nhận được cam kết tài trợ 9 triệu USD từ Chính phủ Anh, với mục tiêu nghiên cứu khả năng hấp thụ CO2 - mảnh ghép thiết yếu để giải bài toán về biến đổi khí hậu - của rừng Amazon.

Các nhà khoa học sẽ theo dõi và xác định khi đạt đến giới hạn không thể tiếp nhận thêm CO2, khu rừng có rơi vào trạng thái suy thoái hay không. Nếu điều giả định này xảy ra, khu rừng đa dạng sinh học bậc nhất thế giới sẽ biến thành một thảo nguyên khô hạn.

FACE (Free Air CO2 Enrichment) là phương pháp làm giàu khí CO2 cho không khí tự nhiên. Công nghệ này do Phòng thí nghiệm quốc gia Brookhaven của Mỹ phát triển đầu tiên, có khả năng tăng hàm lượng khí CO2 ở môi trường xung quanh cây cối trong các khu rừng lên mức đậm đặc tương tự trạng thái ô nhiễm không khí được dự báo trong tương lai.

Tham gia dự án này, Giáo sư David Lapola của Đại học bang Campinas (Brazil) cho biết thực vật hấp thụ CO2 cùng với nước và ánh sáng để tạo ra đường và giải phóng oxy. Tuy nhiên, các nhà khoa học chưa biết chắc điều gì sẽ xảy ra khi nồng độ CO2 tăng lên mức cực đại.

Dù đã có bằng chứng từ các thí nghiệm tương tự tại các khu rừng ôn đới, Giáo sư Lapola nhấn mạnh, không có gì đảm bảo rằng rừng Amazon cũng có phản ứng tương tự.

Dự án vẫn còn những tranh cãi

Theo Giáo sư Lapola, nhiều khả năng điểm tới hạn của rừng nhiệt đới Amazon gắn với biến đổi khí hậu hơn là tốc độ phá rừng. Do đó, điều quan trọng là phải nghiên cứu tác động của nồng độ CO2 cao hơn trong rừng để hiểu những thách thức trong tương lai.

Quan điểm trên có phần mâu thuẫn với nghiên cứu được thừa nhận rộng rãi của nhà khoa học hệ thống Trái đất Carlos Nobre. Nhà khoa học này cho rằng nếu nạn phá rừng đạt đến ngưỡng quan trọng từ 20-25% trên khắp Amazon thì sự cân bằng về lượng mưa trong khu vực sẽ bị phá vỡ, biến rừng nhiệt đới tươi tốt thành thảo nguyên khô cằn.

Theo Viện Nghiên cứu Không gian Quốc gia Brazil (INPE), khu vực rừng nhiệt đới Amazon thuộc Brazil đã và đang bị tàn phá nặng nề. Trong 6 tháng đầu năm 2022, diện tích rừng Amazon bị chặt phá đã lên tới 3.750 km2, cao nhất kể từ khi các dữ liệu được ghi nhận vào năm 2016. Từ tháng 8/2022 đến tháng 3/2023, nạn phá rừng tại đây đã tăng 39% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, Giáo sư Lapola nhận định: “Ngay cả khi chúng ta ngăn chặn nạn phá rừng ở lưu vực sông Amazon, khu rừng vẫn có nguy cơ phải hứng chịu hậu quả của biến đổi khí hậu."

Ông cũng nhấn mạnh, ngăn chặn nạn phá rừng vẫn là trách nhiệm chính của con người. Và việc chống lại biến đổi khí hậu do các yếu tố khí quyển gây ra không phải là điều mà Brazil hay các quốc gia vùng Amazon khác có thể giải quyết một mình.

Hồng Ngọc

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/brazil-phun-khi-co2-vao-rung-amazon-de-mo-phong-bien-doi-khi-hau-179230313112218007.htm